Người lao động được hưởng lợi ích gì khi tăng lương tối thiểu vùng?
Mới đây, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã biểu quyết và chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2022 với mức tăng 6% để trình Chính phủ xem xét quyết định.
- 15-04-2022Tháo các điểm nghẽn để logistics TP HCM cất cánh
- 15-04-2022Cước vận chuyển quốc tế còn bất ổn
- 15-04-2022Cán cân thương mại đảo chiều, Việt Nam ghi nhận xuất siêu trong tháng 3 và quý 1/2022
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng, sau 2 năm không tăng lương, đời sống, thu nhập của một bộ phận người lao động đang rất khó khăn. Hơn lúc nào hết, lúc này cần phải tăng lương giúp lao động ổn định cuộc sống, yên tâm gắn bó với doanh nghiệp sản xuất.
Mức tăng lương tối thiểu vùng dự kiến áp dụng từ 1/7/2022 – 31/12/2023 (đồng/tháng).
Khi tăng lương tối thiểu vùng, người lao động sẽ được hưởng một loạt các lợi ích. Cụ thể, người lao động sẽ được tăng mức đóng bảo hiểm xã hội, tăng mức đóng bảo hiểm y tế, tăng mức đóng bảo hiểm thất nghiệp và tăng tiền lương ngừng việc.
Tăng mức đóng bảo hiểm xã hội
Theo Điều 5 Quyết định 595/QĐ-BHXH, mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) hàng tháng sẽ phụ thuộc phần lớn vào mức lương tháng đóng BHXH. Trong đó, điểm 2.6 khoản 2 Điều 6 Quyết định này nêu rõ:
- Mức lương tháng đóng BHXH bắt buộc không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với người làm công việc hoặc chức danh giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường.
- Người làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi qua đào tạo nghề, học nghề phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng.
- Người làm công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5%. Cùng với đó, công việc hoặc chức danh có điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương của công việc hoặc chức danh có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.
Chính vì vậy, lương tối thiểu vùng tăng sẽ là cơ sở buộc các doanh nghiệp đang đóng BHXH cho người lao động dưới mức lương tối thiểu vùng phải tăng mức đóng, ít nhất bằng mức lương tối thiểu vùng.
Tăng mức đóng bảo hiểm y tế
Tại khoản 1 Điều 18 của Quyết định 595 quy định:
- Mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) hàng tháng bằng 4,5% mức tiền lương tháng. Trong đó, người sử dụng lao động đóng 3%; người lao động đóng 1,5%. Tiền lương tháng đóng BHYT là tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc.
Theo đó, mức đóng BHYT sẽ tăng tương ứng với mức tăng của mức lương tháng đóng BHXH.
Tăng mức đóng bảo hiểm thất nghiệp
Tại khoản 2 Điều 15 Quyết định 595 quy định:
- Đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, tiền lương tháng đóng BHTN là tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc.
- Trường hợp mức lương tháng cao hơn 20 tháng lương tối thiểu vùng thì mức lương tháng đóng BHTN bằng 20 tháng lương tối thiểu vùng.
Do vậy, mức đóng BHTN cũng sẽ tăng khi tiền lương vùng tối thiểu tăng.
Tăng tiền lương ngừng việc
Tại Điều 98 Bộ luật Lao động 2012 nêu rõ:
- Trong trường hợp phải ngừng việc, nếu do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương. Bên cạnh đó, những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc được trả lương theo mức do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
- Nếu vì sự cố điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động, người lao động hoặc vì các nguyên nhân khách quan khác như thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm… thì tiền lương ngừng việc cũng do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
Qua đó, nếu phải ngừng việc vì một trong những lý do nêu trên thì tiền lương ngừng việc cũng sẽ tăng.