Người lao động khó tìm việc làm mới sau khi thất nghiệp vì đâu?
Từ phản hồi của nhiều doanh nghiệp, nhiều lao động vẫn chưa chú trọng việc bồi dưỡng cho bản thân những kỹ năng mềm, trình độ, thái độ làm việc. Trong khi đó, trong bối cảnh hội nhập, cách mạng công nghiệp 4.0, thì những điều này càng trở nên quan trọng.
Đến Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội tìm việc, anh Trần Văn Khải (Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết, sau khi mất việc, đến nay đã gần 4 tháng, nhưng bản thân anh vẫn chưa tìm được việc làm mới phù hợp: "Tôi mong muốn tìm được công việc liên quan đến hàn xì và cũng đã phỏng vấn ở vài nơi nhưng vẫn chưa tìm được việc làm phù hợp. Một số nơi thì yêu cầu tăng ca quá nhiều, làm ca ngày ca đêm. Tôi đã gần 50 tuổi, sức bền làm việc cũng không được như trước nên khó đáp ứng. Có những chỗ điều kiện làm việc tốt hơn nhưng lại ở xa nhà, nếu tính chi phí đi lại, tiền thuê trọ lại rất tốn kém. Nếu chuyển việc cũng rất khó, vì bản thân không có chuyên môn, kinh nghiệm".
Chị Nguyễn Thị Sương (Thạch Thất, Hà Nội) cũng đến Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội để tìm việc làm thời vụ trong khi chưa tìm được việc làm ổn định hơn. Chị Sương cho biết, hơn 40 tuổi, rất khó để chị tìm việc làm mới bởi những yêu cầu của các doanh nghiệp đều cao hơn, khả năng cạnh tranh với những lao động trẻ hơn cũng kém hơn nhiều. Chị Sương cho biết, khi đến Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội để làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, chị được tư vấn hỗ trợ học nghề mới nhưng lại khá e ngại. Một phần vì chưa tìm được nghề mới phù hợp, một phần chị Sương băn khoăn, nếu học nghề sẽ mất một thời gian nhất định, trong khoảng thời gian đó, chị không thể đi làm thêm kiếm thu nhập, điều này gây áp lực tài chính khá lớn cho gia đình. "Bởi vậy tôi chọn cách tìm việc làm thời vụ tạm thời trước khi có công việc tốt hơn", chị Sương nói.
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng, mất việc làm là một trong những rủi ro lớn nhất của người lao động. "Với vai trò là đơn vị trực tiếp tham gia giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp, giới thiệu việc làm… chúng tôi đã lắng nghe rất nhiều chia sẻ của người lao động. Mất việc khiến cuộc sống của cả gia đình vợ, con, cha của người lao động bị đảo lộn, khiến họ liên tục gặp khủng hoảng. Mất việc làm còn liên quan đến các công tác an toàn trật tự xã hội; liên quan đến việc rút BHXH. Mất việc làm kéo theo rất nhiều hệ luỵ mà không người lao động nào mong muốn".
Theo ông Vũ Quang Thành, tại Hà Nội, số lượng lao động mất việc do doanh nghiệp cắt giảm không quá nhiều, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cũng đã tiếp cận nhóm lao động có tuổi cao, trình độ thấp để hỗ trợ họ ngay khi doanh nghiệp thông báo cắt giảm. Nhiều lao động đến làm thủ tục hưởng chính sách BHTN tiết lộ, lý do nghỉ việc phần lớn do lương thấp, ít việc...
"Với những lao động giản đơn, trình độ thấp, chúng tôi đã tư vấn để họ có thể học nghề, trang bị kỹ năng nghề nghiệp phù hợp, không để trình trạng thất nghiệp kéo dài khiến lao động tự ti, không có nghề hoặc không được đào tạo. Trung tâm dịch vụ việc làm luôn làm sao để người lao động nhanh chóng quay lại thị trường lao động", ông Thành cho biết.
Song Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cũng cho rằng, từ phản hồi của nhiều doanh nghiệp, nhiều lao động vẫn chưa chú trọng việc bồi dưỡng cho bản thân những kỹ năng mềm, trình độ, thái độ làm việc. Trong khi đó, trong bối cảnh hội nhập, cách mạng công nghiệp 4.0, thì những điều này càng trở nên quan trọng. Nhiều người lao động yếu kỹ năng ngoại ngữ, nên dù có tay nghề tốt nhưng vẫn không kết nối được với việc làm mới.
Trong quá trình kết nối tại các phiên giao dịch, do thời gian ngắn nên có thể chưa đánh giá hết được kiến thức, kỹ năng; nhưng trong quá trình thử việc, người lao động sẽ bộc lộ rõ.
Vì vậy, người lao động cần rèn luyện cho mình kỹ năng mềm, tác phong công nghiệp, ý thức, thái độ khi tiếp cận với vị trí việc làm, ngoại ngữ, tin học… để sẵn sàng tiếp cận các vị trí việc làm.
Về việc đào tạo cho người lao động, ông Vũ Quang Thành cũng nhấn mạnh rằng, cần nâng cao trình độ, mở rộng việc đào tạo hơn nữa, không chỉ dừng ở trình độ sơ cấp. Việc đào tạo nên có ngay từ khi người lao động còn làm việc tại các doanh nghiệp. Trong đó, tái cơ cấu, đào tạo cần có sự hỗ trợ từ doanh nghiệp.
Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) cũng cho rằng, thị trường lao động đòi hỏi người lao động có những kỹ năng, chuyên môn tối thiểu, nhất định. Khi thị trường đòi hỏi, người sử dụng lao động, người lao động phải thay đổi, hoàn thiện các khiếm khuyết.
Người sử dụng lao động cũng cần có tiêu chí chung dành cho người lao động khi vào làm việc. Những kỹ năng cụ thể, doanh nghiệp cần vào cuộc cùng để người lao động nắm rõ. Hiện nay, luật pháp Việt Nam cũng đã quy định rõ trách nhiệm đào tạo của người sử dụng lao động. Đặc biệt chính bản thân người lao động phải nhận thức được rõ hơn về cơ chế thị trường, về rủi ro mất việc làm, từ đó trở nên linh hoạt, thích ứng trong môi trường làm việc mới. Muốn vậy, người lao động phải trang bị kỹ năng nghề nghiệp. Khi mất việc làm thì phải quan tâm đến đào tạo nghề mới phù hợp với điều kiện để tìm được công việc mới, bền vững chứ không chỉ chú trọng đến trợ cấp thất nghiệp.
vov.vn