Người lao động trắng tay vì sập bẫy lừa
Đánh vào tâm lý người lao động muốn tìm kiếm việc lại tại nhà, cải thiện thu nhập những kẻ lừa đảo đã chiêu dụ "con mồi" bằng nhiều hình thức khác nhau, không chỉ khiến họ trắng tay mà còn rơi vào cảnh nợ nần
- 23-11-20233 tính năng trên iPhone giúp người dùng không bị xem trộm tin nhắn, ảnh và thông tin cá nhân
- 23-11-2023Thanh toán mã QR tăng đột biến trong 9 tháng đầu năm
- 23-11-2023Link rút gọn chứa quảng cáo "xâm chiếm" Facebook, cảnh báo mã độc đánh cắp tài khoản
Mới đây, anh Trần Trường G. (ngụ huyện Bình Chánh, TP HCM) chết lặng khi biết tin vợ mình là nạn nhân của nhóm chuyên lừa đảo việc làm online tại nhà cho thu nhập cao. Thời điểm phát hiện vụ việc, vợ anh G. đã chuyển tiền cho nhóm này gần 400 triệu đồng, trong đó bao gồm toàn bộ số tiền tích góp hơn 10 năm làm công nhân của cả 2 vợ chồng và số ít vay mượn từ người thân, bạn bè.
Đang nghỉ thai sản, với mong muốn cải thiện thu nhập, vợ anh G. chị Nguyễn Tô Lan A. lên mạng tìm kiếm việc làm thêm. Truy cập vào các hội nhóm công nhân tìm việc, nhan nhản lời mời gọi "việc tìm người, người tìm việc" với thu nhập hấp dẫn, tiêu chí tuyển dụng đảm bảo 3 không "không cọc, không vốn và không cần tay nghề". Công việc được mô tả là ráp bút bi tại nhà, chỉ với 1.000 cây bút bi, người lao động có thể bỏ túi 4 triệu đồng. Thấy vậy, chị A. liên hệ xin việc rồi bị dẫn dụ dính bẫy của nhóm lừa đảo đầu tư siêu lợi nhuận qua sàn giao dịch ngoại hối, quỹ đầu tư tiền ảo.
"Tôi vừa nhắn tin xin việc họ phản hồi đồng ý ngay, nhưng ít phút sau đó thông báo vừa kiểm tra kho đã hết hàng do lượng người đăng ký làm việc quá đông, 3 ngày nữa sẽ có hàng trở lại. Đúng hẹn, phía lừa đảo nhắn tin công ty vừa cho hay mã hàng này đã hết, hiện đang chờ đợt hàng mới, trong thời gian chờ đợi, họ mời tôi làm việc khác. Tôi đồng ý và được thêm vào một nhóm chat trên Zalo với hàng trăm thành viên, mỗi ngày đều có người đăng tải thông tin trúng đậm sau mỗi lần khớp lệnh. Ngay sau đó, tôi được vài người trong số đó nhắn tin chỉ dẫn nhiệt tình để từng bước có thu nhập khủng giống họ" – chị A. kể.
Ban đầu nhóm này hướng dẫn chị A, chuyển đi số tiền 300.000 đồng, vài giờ sau đó, chị A. nhận lại 345.000 đồng. Tiếp đến, đối tượng lừa đảo yêu cầu chuyển 500.000 đồng và sau đó chuyển lại cho chị A. 700.000 đồng. Tuy nhiên, khi chị A. chuyển lần lượt số tiền 15, 20 và 50 triệu đồng thì không thấy tiền của mình được hoàn trả trở lại. Khi chị A. thông báo không còn khả năng để chuyển tiếp, để tạo sự tin tưởng, một số thành viên trong nhóm này đã nhắn tin hỏi han, chia sẻ bí quyết thành công và cho chị vay tiền để tiếp tục đầu tư. Thậm chí, nhóm lừa đảo còn hướng dẫn chị A. bán vàng cưới, vay nóng… để nộp cùng lời hứa hẹn sẽ nhanh chóng nhận lại cả vốn lẫn lãi gấp đôi, gấp 3 số tiền bỏ ra ban đầu.
Anh G. chuẩn bị hồ sơ để trình báo sự việc đến cơ quan chức năng. Ảnh: HUỲNH NHƯ
Càng chuyển càng lún sâu, khi số tiền quá lớn, nhưng không nhận được tiền vốn lẫn lãi, chị A. mới thông tin đến chồng tìm cách tháo gỡ. Phát giác vợ bị lừa, anh Trần G. lập tức cắt đứt mọi liên lạc và trình báo sự việc đến cơ quan chức năng. "Mặc dù vậy, nhóm này vẫn chưa chịu dừng lại. Khi thấy vợ tôi không tiếp tục làm theo hướng dẫn, họ dùng số điện thoại khác gọi điện, nhắn tin đe dọa nếu không sớm nộp số tiền tiếp theo, họ sẽ tố cáo vợ tôi tội vay tiền không trả với công an. Mấy ngày nay, chúng tôi sống trong cảnh hoang mang, lo lắng tột độ" – Anh G. nói
Tương tự, sau khi nghỉ việc làm phụ bếp cho một công ty sản xuất do từng trải qua phẫu thuật, sức khẻo yếu, chị Hoàng Thị Thúy L. (quê Đồng Nai) chỉ quanh quẩn ở nhà. Không muốn ăn không ngồi rồi nên chị L. lên mạng tìm việc làm thêm tại nhà. Sau một hồi tìm kiếm, chị thấy một mẩu tin tuyển dụng thợ cắt mác tại nhà của một tài khoản Facebook tên "Huyen My", thấy công việc nhẹ nhàng phù hợp với sức khỏe mà không cần cọc trước nên chị tin tưởng. Tuy nhiên, khi inbox hỏi công việc cụ thể thì chị được cho biết họ đã tuyển đủ thợ và hứa sẽ giúp chị tìm một công việc khác đơn giản, lãi nhanh. Không nghi ngờ, chị đồng ý và được đưa vào một nhóm làm nhiệm vụ chốt đơn online trên sàn thương mại điện tử và được hướng dẫn chốt đơn dùm cho khách hàng để nhận hoa hồng từ 15% trở lên.
Thắc mắc đã hoàn thành nhiệm vụ mà không rút được tiền chị L. ngay lập tức bị "đá" ra khỏi goup chat và chặn tất cả các tài khoản mạng xã hội. Ảnh: THANH NGA
Ban đầu chị L. cũng nghi ngờ, song thấy số tiền ban đầu nạp vô để kích hoạt tài khoản và chốt đơn đơn đầu tiên chỉ có 100.000 đồng nhưng ngay sau đó chị được chuyển trả hơn 120.000 đồng ngay lập tức nên tin tưởng. Đơn hàng thứ 2 và 3 cũng tương tự, đến đơn hàng thứ 4, hệ thống yêu cầu chị nạp vào 3 triệu để chốt đơn là một chiếc tai nghe bluetooth nhưng sau khi chị thực hiện nhiệm vụ, thấy tiền về tài khoản trên hệ thống nhưng không thể rút về tài khoản ngân hàng, chị thắc mắc thì ngay lập tức bị "đá" ra khỏi group chat và chặn tất cả các tài khoản mạng xã hội. Chị lập tài khoản khác để tìm kiếm thì không thể tìm thấy tài khoản "Huyen My" nữa. "Đến đây thì tôi biết mình đã bị lừa rồi. Số tiền 3 triệu ấy là do mẹ vay mượn dùm cho tôi" - chị L. tâm sự.
Mánh khóe lừa đảo được các tài khoản mạng xã hội từng bị lừa đảo chia sẻ. Ảnh: THANH NGA
Không chỉ riêng công việc chốt đơn mà hiện trên các hội, nhóm phốt các công việc làm thêm tại nhà lừa đảo, rất nhiều công việc, mánh khóe lừa đảo được các tài khoản mạng xã hội từng bị lừa đảo chia sẻ. Theo đó, hầu hết các công việc làm thêm như làm tranh đính đá, cắt mác, dán tem son, like video kiếm tiền, đánh máy…với thu nhập cao đều là những chiêu trò để các đối tượng lừa nhận tiền cọc của người tìm việc hoặc dẫn dắt "con mồi" vào các nhóm cá cược, chốt đơn ảo, làm nhiệm vụ để lừa tiền. Có trường hợp sau khi từ chối nhận việc còn bị xúc phạm, bôi nhọ danh dự.
NLĐ