MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người mắc bệnh lý về máu có thể tiêm vaccine COVID-19 không?

13-06-2021 - 10:48 AM | Sống

Người mắc bệnh lý về máu có thể tiêm vaccine COVID-19 không?

TS. BS Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Trung tâm Hemophilia – Viện Huyết học – Truyền máu TW khẳng định người bệnh Hemopilia và Rối loạn chảy máu vẫn có thể và nên tiêm vaccine phòng COVID-19. Tuy nhiên, họ cần có những lưu ý đặc biệt để đảm bảo an toàn.

Theo TS.BS Nguyễn Thị Mai, người bệnh Hemophilia có nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn và làm cho bệnh nặng hơn. Khi nhóm bệnh nhân này không may mắc bệnh, việc chuyển điều trị tích cực, thông khí và xử trí là rất phức tạp.

Lưu ý khi tiêm vaccine COVID-19

TS.BS Nguyễn Thị Mai cho rằng khi tiến hành tiêm vaccine cho người bệnh Hemophilia và Rối loạn chảy máu thì nên được tiêm bắp và nên sử dụng kim cỡ nhỏ nhất hiện có (cỡ 25‐27).

"Người bệnh nên tạo áp lực lên vết tiêm ít nhất 10 phút sau khi tiêm để giảm chảy máu và sưng tấy. Ngoài ra, nên tự kiểm tra/sờ nắn vùng tiêm trong vài phút và 2‐4 giờ sau đó để đảm bảo rằng không có tụ máu chậm. Cảm giác khó chịu ở cánh tay trong 1‐2 ngày sau khi tiêm là không đáng ngại", TS.BS Nguyễn Thị Mai cho hay.

 Người mắc bệnh lý về máu có thể tiêm vaccine COVID-19 không? - Ảnh 1.

Viện Huyết học – Truyền máu hội thảo về vấn đề ngăn ngừa chảy máu cho bệnh nhân Hemophilia.

Bên cạnh đó, người bệnh có tiền sử dị ứng với các yếu tố đông máu cô đặc có chứa polyethylene glycol (PEG) nên thảo luận về việc lựa chọn vaccine trước khi tiêm với bác sĩ.

"Người bệnh có các phản ứng dị ứng hoặc phản vệ với các sản phẩm máu bao gồm yếu tố cô đặc, huyết tương và tủa lạnh, nhưng chưa có phản ứng với các loại vaccine trước đó, sẽ không có nguy cơ cao hơn so vơi người khác khi tiêm vaccine COVID-19", TS.BS Nguyễn Thị Mai khuyến cáo.

Theo dõi phản ứng sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19

TS.BS Nguyễn Thị Mai nhấn mạnh, đối với người bệnh Hemophilia và rối loạn chảy máu việc theo dõi phản ứng sau tiêm vaccine phòng COVID-19 vô cùng quan trọng. Người bệnh cần báo cho trung tâm điều trị bệnh máu khó đông bất kỳ tác dụng phụ nào (ví dụ như: tụ máu, phản ứng dị ứng). Hãy liên hệ với bác sĩ hoặc đến phòng cấp cứu bệnh viện gần nhất ngay lập tức nếu bị phản ứng dị ứng (sốt, nóng, mẩn đỏ, phát ban ngứa trên da, khó thở hoặc sưng mặt hoặc lưỡi ) vì những triệu chứng đó có thể đe dọa tính mạng.

Đối với người bệnh máu khó đông nặng/trung bình hoặc bệnh von Willebrand loại 3 (VWD), bất kể có được điều trị dự phòng thường xuyên hay điều trị theo yêu cầu, nên tiêm vaccine sau khi tiêm yếu tố VIII/IX, hoặc sau khi tiêm chế phẩm chứa yếu tố von Willebrand.

Các loại vaccine không được chứng minh là có khả năng hình thành chất ức chế yếu tố VIII hoặc IX ở người bệnh máu khó đông. Đặc biệt, vaccine chống lại virus có bộ gen RNA (cúm, quai bị, sởi, rubella), như SARS‐ COV-2, không tăng cường hình thành chất ức chế ở mô hình động vật.

Người bệnh máu khó đông mức độ nhẹ có nồng độ yếu tố VIII hoặc IX ban đầu dưới 10% cũng có thể cần điều trị dự phòng chảy máu trước khi tiêm phòng và nên tham k hảo ý kiến của trung tâm Hemophilia.

Đối với những người bệnh có mức yếu tố VIII hoặc IX cơ bản trên 10%, không cần có biện pháp phòng ngừa chảy máu. Người bệnh đang sử dụng emicizumab (có hoặc không có chất ức chế) có thể được chủng ngừa bằng cách tiêm bắp bất cứ lúc nào mà không cần thêm biện pháp dự phòng chảy máu.

"Tất cả người bệnh rối loạn chảy máu hiếm gặp (bao gồm cả những người bị giảm tiểu cầu và / hoặc rối loạn chức năng tiểu cầu) nên được tiêm chủng. Tuỳ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của rối loạn, trung tâm điều trị sẽ quyết định có cần hỗ trợ cầm máu hay không", TS.BS Nguyễn Thị Mai đưa ra lời khuyên.

TS.BS Nguyễn Thị Mai cũng cho biết, không có chống chỉ định cụ thể đối với việc tiêm chủng liên quan đến các biến chứng của bệnh hemophilia và các rối loạn chảy máu khác hoặc các liệu pháp điều trị bệnh.

Tại Việt Nam, người bệnh giảm tiểu cầu và rối loạn đông máu thuộc nhóm đối tượng trì hoãn tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca theo Quyết định số 1624/QĐ-BYT ngày 18 tháng 3 năm 2021 về việc ban hành hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca. Đối với các loại vắc xin phòng Covid-19 của các hãng khác, cần chờ những hướng dẫn/khuyến cáo tiếp theo từ Bộ Y tế.

Theo Bình An

Doanh nghiệp và tiếp thị

Trở lên trên