Người mẹ đặc biệt của những đứa trẻ bị cha mẹ ruột chối bỏ: "Lỡ nhận làm con rồi, mình đâu nỡ đưa lại vô viện mồ côi"
"Tụi nhỏ đã không có tình thương của cha mẹ, bị bỏ rơi, mình đem về cưu mang, giờ mình lại đem vô lại viện mồ côi chẳng khác nào ‘vứt bỏ’ chúng thêm làm nữa. Mình là một người mẹ, lương tâm không cho phép mình làm tổn thương chúng…", chị Nga vừa nói, vừa nhìn 5 đứa trẻ, nghẹn ngào.
- 01-11-2020Chỉ siêng năng và may mắn có trí thông minh "trời phú" thì chưa đủ, muốn đi xa hơn, bạn phải có thứ này
- 01-11-20208 việc sẽ khiến giá trị của bạn trong mắt người khác ngày càng tệ đi mà bản thân bạn không hề nhận ra
- 01-11-2020Học người Nhật cách động não tư duy, kiếm tiền làm giàu và đầu tư tài tình: Nhanh, bền, đỉnh!
Bố mẹ ruột bỏ rồi, chị phải nuôi thôi!
Một ngày cuối tháng 10, chúng tôi tìm đến căn nhà trọ nằm trong hẻm đường Phan Huy Ích (phường 12, quận Gò Vấp) để gặp chị Đoàn Thị Nga (38 tuổi, quê Quảng Nam). Từ nhiều năm nay, chị Nga đã không còn xa lạ với những hoạt động thiện nguyện khi giúp đỡ các mảnh đời bất hạnh, đặc biệt chị còn nhận nuôi 5 đứa trẻ bị bỏ rơi, thiếu hơi ấm của mẹ từ lúc mới chào đời.
Những đứa trẻ không máu mủ ruột rà giờ đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chị Nga
4h30 chiều, vừa xong công việc tại shop bán quần áo, mỹ phẩm, chị Nga chạy xe máy về lại nhà trọ. Từ ngoài cổng, nghe tiếng những đứa trẻ khóc thét, chị vội vàng bỏ túi quần áo rồi vào phòng, dỗ ngọt những đứa con: "Ngoan, ngoan nào, mẹ về rồi đây".
Ôm Ý Tâm (14 tháng tuổi) vào lòng, chị Nga loay hoay cầm bình sữa, vừa cho con bú, vừa cười đùa cùng 4 đứa trẻ khác. Thanh Tâm (3 tuổi), Khánh Tâm (3 tuổi), Hoài Tâm (2 tuổi), Ý Tâm, Mỹ Tâm (1 tuổi), tất cả đều là trẻ mồ côi, được chị Nga nhận về cưu mang.
5 đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi đã được chị Nga nhận về cưu mang, săn sóc
Mỗi đứa trẻ đến với chị có một hoàn cảnh riêng, đứa thì bị bố mẹ bỏ rơi, đứa thì bệnh hiểm nghèo, có đứa gia đình không đủ điều kiện để chăm sóc…, tất cả đều với chị Nga như một cái duyên. "Lỡ thương tụi nó rồi, mình phải nhận nuôi thôi", chị Nga nhìn tụi nhỏ, nói tiếp.
Bén duyên với công việc thiện nguyện từ những chuyến đi giúp đỡ đồng bào gặp thiên tai, lũ lụt từ hồi còn ở quê, khi vô Sài Gòn kinh doanh, buôn bán, chị Nga vẫn đau đáu ước mơ được giúp đỡ cho những người gặp hoàn cảnh cùng cực.
"Mỗi đứa đến với chị đều có một hoàn cảnh đặc biệt nên chị không đành lòng đưa chúng vào cô nhi viện"
Ý Tâm (bé gái) bị chậm phát triển, còn Khánh Tâm được chị Nga nhận về khi cha mẹ ở Trà Vinh không đủ điều kiện để nuôi dưỡng
Vừa mở shop kinh doanh quần áo, mỹ phẩm, vừa làm quản lý cho một công ty, thời gian rảnh chị Nga cùng những người bạn lại tổ chức những hoạt động từ thiện để chia sẻ với các bệnh nhân tại bệnh viện. Dần dần, chị trở thành cái tên quen thuộc được nhiều người biết đến trong việc giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là bà bầu và trẻ nhỏ.
"Ban đầu chị chỉ dừng lại ở việc san sẻ những gì mình có cho những người cần, đến khi chị gặp Thanh Tâm. Thấy con bé được mẹ ẵm đi đội mưa, đội nắng ở bến xe buôn bán cực khổ quá, nhà lại đông con. Sau một hồi nói chuyện, mẹ bé ngỏ ý muốn chị nhận nuôi hộ.
Thanh Tâm là đứa con đầu tiên của Nga nhận nuôi, hiện bé đang theo học ở lớp mẫu giáo công lập gần nhà trọ
Từ chỗ 1 con, giờ chị Nga đã là mẹ của 6 đứa trẻ
Lúc đó, chị cứ nghĩ đơn giản là dù sao chị cũng chỉ mới có một đứa con trai (4 tuổi), nhận thêm Thanh Tâm về cho có trai, có gái nên đồng ý, rồi đi làm giấy tờ nhận con này nọ… Sau này có nhiều mẹ bầu đến nhờ hỗ trợ, sinh xong kế bỏ đi luôn, khi chị xuống quê để tìm lại thì họ từ chối nhận con, buộc lòng chị phải nhận nuôi. Từ 1, 2 đứa…, giờ hết thảy là 5 đứa đã có giấy tờ thành con nuôi của chị. Chị nghĩ tụi nhỏ đã bị bố mẹ bỏ rơi rồi, giờ chị lại đưa vô viện mồ côi thì không nỡ, mà kham nhiều quá lại đuối, nhưng biết sao giờ…", chị Nga nói.
"Đã là con của mình rồi, sao không thương cho được"
Kể từ lúc nhận thêm những đứa con, cuộc sống của chị Nga trở nên bận rộn hơn bao giờ hết. Cả ngày đi làm, từ công việc này đến công việc kia, khi nào rảnh thì chị lại tranh thủ chạy về nhà trọ để thăm các con. Vì vậy, để chăm sóc tốt cho 6 đứa trẻ (5 con nuôi, 1 con ruột), chị Nga đành phải thuê thêm 2 bảo mẫu để trông coi việc ăn uống, tắm giặt cho tụi nhỏ.
Để chăm sóc cho các con được chu đáo, chị Nga còn thuê thêm 2 bảo mẫu để hỗ trợ chị
"Giờ chị ở nhà để lo cho con thì ai đâu mà đi làm. Trước kia chưa có dịch, chị còn kinh doanh, buôn bán được, từ ngày dịch công ty đóng cửa, shop đồ thì ế hơn, mấy tháng nay chị phải vật lộn mới xoay xở đủ tiền để lo cho mấy bé hàng tháng. Nói thật là trước kia chị làm ăn khá lắm, cũng có tý vốn, mà giờ rút dần, rút mòn rồi, chẳng biết cầm cự đến khi nào", chị Nga cười nghẹn.
Sau thời gian làm việc vất vả, chị Nga hòa mình vào việc làm mẹ, chăm lo các con
Hoài Tâm (2 tuổi) bị não úng thủy đã được phẫu thuật, hiện bé đang phát triển tốt
Chị Nga cho biết, khó khăn lớn nhất mà chị gặp phải lúc này là chuyện thuê trọ. Bởi nhà tận 6 đứa trẻ, chị cần phải kiếm một chỗ ở đủ rộng để cả nhà cùng sinh sống, tụi nhỏ có không gian để sinh hoạt. Chưa hết, chuyện nhiều trẻ con trong nhà, lại hay đau ốm nên để kiếm được chủ cho thuê cũng khá vất vả, trong vòng một năm, chị phải chuyển trọ đến 3 lần.
"Cái nhà này chị thuê được mấy tháng rồi, mỗi tháng chi phí nhà cửa, thuê bảo mẫu, sinh hoạt phí cũng tốn vài chục triệu đồng. Cũng may có nhiều anh chị thiện nguyện hay gửi sữa, tã để cho tụi nhỏ, chị chỉ lo khoản tiền nhà, bảo mẫu thôi. Có điều tụi nhỏ ở đây đứa nào cũng bệnh cả, đứa thì bị chậm phát triển, đứa não úng thủy, đứa bệnh tim…, nên hay đi viện lắm.
Những giấy tờ của tụi nhỏ được chị Nga làm đầy đủ, đảm bảo mọi quyền lợi cho các con sau này
Như Hoài Tâm này (vừa nói chị Nga vừa chỉ vào bé trai đang nằm trong góc phòng), nó bị não úng thủy, mẹ nó ôm con đến nhà chơi rồi bỏ đi biệt tích. May mắn là được mọi người quan tâm nên bé phẫu thuật xong rồi, đang hồi phục rất tốt.
Nhiều lúc chị mệt mỏi lắm, đi làm về con lại nheo nhóc, tiền bạc giờ cũng khó khăn hơn lúc trước, muốn buông bỏ mà làm không được. Lỡ quen chân quen tay tụi nhỏ, giờ đứa nào cũng là con của mình, sao không thương cho được", chị Nga tâm sự.
Ngoài lúc đau ốm hay làm nũng, những đứa trẻ đều rất ngoan ngoãn
Theo chị Nga, để có được giấy tờ đầy đủ cho 5 đứa con nuôi, chị phải vất vả tìm về quê của bố mẹ tụi nhỏ để xác minh, nhờ chính quyền hỗ trợ mới đủ thủ tục pháp lý làm mẹ nuôi của tụi nhỏ. May mắn đến thời điểm hiện tại, tất cả các bé đều có giấy tờ, bảo hiểm y tế theo chế độ của nhà nước, Thanh Tâm cũng đã được đi học ở trường công lập trên địa bàn.
"Chị sợ nhất là lúc mấy đứa này thi nhau bệnh, mấy mẹ con lại chạy cuống cuồng lên. Đứa nào đau ốm, sút cân là chị buồn lắm, thà mình đau thay con, chứ tụi nó nhỏ xíu, bệnh tật hoài sao chịu nổi. Đi làm cực đến đâu không sợ, chứ con bệnh là chị lo", chị Nga chia sẻ.
Cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc (hiện tại chị Nga đã ly thân với chồng) nên động lực duy nhất của chị lúc này là được nhìn thấy những đứa con của mình ngày một lớn lên. Tâm nguyện lớn nhất của chị là có thể lo học hành, giúp tụi nhỏ trở thành người có ích cho xã hội
Nhìn những đứa trẻ từ đỏ hỏn đến khôn lớn nằm ngủ ngon lành trên chiếc nệm ấm, bao khó khăn, mệt nhọc dường như tan biến. Trong căn phòng nhỏ, tiếng nói cười của lũ trẻ chốc chốc lại vang lên kèm theo nỗi lo về chi phí hàng tháng của người mẹ đặc biệt.
"Chị chỉ mong mấy đứa nhỏ đủ sữa tã, có một chỗ ở che mưa nắng là mừng lắm rồi".
Hi vọng những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với chị Nga cùng với những đứa con thân yêu của mình
Trước hoàn cảnh của những đứa trẻ mồ côi đang được chị Nga cưu mang, chăm sóc, chúng tôi hi vọng có thêm sự hỗ trợ, giúp đỡ để tụi nhỏ có điều kiện để lớn lên, học hành đến nơi đến chốn.
Mọi sự giúp đỡ xin vui lòng liên hệ số điện thoại chị Đoàn Thị Nga: 0905164596.
Hoặc thông qua số tài khoản ngân hàng Vietcombank: 0911000037927.
Chủ tài khoản: Đoàn Thị Nga, chi nhánh Tân Sơn Nhất, quận Gò Vấp, TP.HCM.
Địa chỉ hiện tại: Hẻm 256/70, đường Phan Huy Ích (phường 12, quận Gò Vấp).
Xin chân thành cảm ơn!
Báo Dân sinh