Người mua, thuê mua nhà ở xã hội gần như không tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi
Theo Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA), Chính phủ áp dụng thống nhất mức lãi suất cho vay nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội và tại các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định là 4,8%/năm. Tuy nhiên, có thực tế người mua, thuê nhà ở xã hội (NOXH) gần như không tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi.
Đại diện HoREA cho rằng, trong 5 năm qua, do Nghị quyết 1023/NQ-UBTVQH13 ngày 28/08/2013 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về danh mục ưu tiên sử dụng vốn ngân sách đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 không có "danh mục chi thực hiện chính sách nhà ở xã hội", nên gần như chưa bố trí được nguồn vốn ngân sách nhà nước để tái cấp vốn, hoặc cấp bù lãi suất cho Ngân hàng Chính sách xã hội và 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước chỉ định thực hiện chính sách nhà ở xã hội, nên người mua, thuê mua nhà ở xã hội gần như không tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Đến ngày 26/04/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới có Văn bản 102/UBTVQH14-TCNS gửi Chính phủ "về phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đối với phần vốn còn lại, đồng ý bổ sung 2.000 tỷ đồng cho Ngân hành Chính sách xã hội, trong đó dành một phần bổ sung để thực hiện chính sách nhà ở xã hội".
Đến tháng 4/2020, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất bổ sung thêm 3.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách nhà ở xã hội (Ngân hàng Chính sách xã hội được phân bổ 1.000 tỷ đồng; 4 ngân hàng thương mại được phân bổ 2.000 tỷ đồng). Theo kinh nghiệm từ gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng giai đoạn 2013-2016, với một đồng tái cấp vốn, cấp bù lãi suất từ ngân sách nhà nước, thì các ngân hàng thương mại có thể huy động thêm được 31 đồng, tạo ra nguồn vốn hỗ trợ thực tế rất lớn cho người mua nhà.
Do vậy có thể nhận định việc chưa bố trí được đủ nguồn "vốn mồi" từ ngân sách nhà nước để tái cấp vốn, hoặc cấp bù lãi suất cho Ngân hàng Chính sách xã hội và 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước chỉ định, là một trong 3 nguyên nhân chủ yếu: Do thiếu vốn; Do thiếu quỹ đất; Do vướng mắc về cơ chế chính sách, thủ tục đầu tư xây dựng, dẫn đến không thực hiện được mục tiêu phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn 2015-2020, chỉ đạt 42% kế hoạch đề ra.
Theo HoREA, pháp luật về nhà ở quy định chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chỉ để cho thuê được hưởng ưu đãi nhiều hơn về thuế, nhưng trên thực tế chưa được áp dụng. Có rất ít doanh nghiệp có tâm và có năng lực, đã dành quỹ đất do mình tự tạo lập và tự bỏ vốn đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội chỉ để cho thuê cần được khuyến khích và cần phải "được giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp nhiều hơn". Theo đó, Hiệp hội kiến nghị thực hiện quy định chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chỉ để cho thuê được hưởng ưu đãi nhiều hơn về thuế, được giảm 70% thuế suất thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp.
Cùng với đó, do tác động của đại dịch Covid-19 và do Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã thống nhất áp dụng một mức lãi suất 4,8%/năm cho vay ưu đãi nhà ở xã hội, nên Hiệp hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo cho tạm dừng thực hiện quy định phải gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Chính sách xã hội để được vay vốn ưu đãi mua, thuê mua nhà ở xã hội, trước mắt áp dụng cho năm 2021 và có thể xem xét kéo dài thêm thời gian tạm dừng.
Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định về lãi suất cho vay ưu đãi 4,8%/năm, áp dụng cho cả người mua nhà ở xã hội và nhà ở thương mại theo Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ (gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng), để đảm bảo tính thống nhất và liên tục của chính sách.
Về lâu dài, khi nền kinh tế phát triển mạnh hơn, Hiệp hội đề nghị Chính phủ xem xét áp dụng mức lãi suất ưu đãi vay mua nhà ở xã hội từ 3-3,5%/năm để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người có thu nhập trung bình, có thu nhập thấp đô thị, như nhiều nước đã thực hiện.