Người mua xe mãi chịu cảnh bị đại lý 'móc túi' trắng trợn?
Nắm bắt tâm lý khách hàng muốn lấy xe sớm, các đại lý ô tô, xe máy hét giá chênh trắng trợn từ vài chục, đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng. Có đại lý hợp thức bằng gói mua phụ kiện nhưng giá trị bị thổi cao gấp nhiều lần.
- 05-04-2022Góc thị trường xe nhà người ta: 2 đại lý Nissan bị phạt 11 tỷ đồng vì bán ‘bia kèm lạc’
- 28-03-2022Mitsubishi Xpander giảm giá kỷ lục, Toyota Veloz Cross bán ‘bia kèm lạc’
- 25-02-2022Chuyện dở khóc dở cười đầu năm của thị trường ô tô Việt: Xe này tăng giá, xe kia mua ‘bia kèm lạc’, vui vui lại có xe ‘cắt’ tiện ích
Trong nhiều năm qua, tình trạng khách hàng mua ô tô mới phải trả thêm một khoản tiền chênh nằm ngoài giấy tờ, hợp đồng mua bán đã không còn xa lạ. Theo quan điểm của các nhân viên bán hàng và chủ đại lý, số tiền này họ có quyền thu thêm, miễn là khách hàng đồng ý. Vì vậy mà một số mẫu xe 'hot' trên thị trường trong nước hiện nay có giá tiền chênh cao ngất ngưởng, thậm chí lên tới cả tỷ đồng.
Nhà nhà, người người buôn 'lạc'
Tình trạng kinh doanh xe ô tô kèm 'lạc' (giá chênh) xảy ra tại hầu hết cửa hàng ủy quyền của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, từ phân khúc xe bình dân đến phân khúc xe sang, đặc biệt là ở những sản phẩm nhiều người quan tâm. Các lập luận mà tư vấn đưa ra để khách hàng chấp thuận nộp thêm tiền chênh hết sức "hợp lý". Họ nắm được tâm lý của khách hàng là muốn có xe sớm nên đã hét một khoản tiền chênh để giao xe ngay, còn không thì từ chối bán hàng.
Tại các đại lý của Toyota và Hyundai, các mẫu xe mới và có sức hút như Hyundai Creta 2022, Toyota Veloz Cross hay Toyota Raize đều bị chênh từ 20 đến 50 triệu đồng.
Các mẫu xe bình dân tại Việt Nam đang có giá chênh từ 20 triệu đồng.
Một trong những sản phẩm hiện được bán chênh nhiều nhất đó là Ford Explorer 2022. Đáng nói, tình trạng mua "bia kèm lạc" đối với Ford Explorer 2022 đã xuất hiện ngay từ khi xe mới ra mắt. Mức chênh thời điểm đó có lúc lên từ 300 đến 400 triệu đồng. Giá xe niêm yết là 2,366 tỷ đồng. Trong khi đó, nhân viên đại lý tại một cơ sở Ford tại số 313 Trường Chinh, Hà Nội nói Ford Explorer hiện có giá 2,546 tỷ đồng, tức có mức chênh 180 triệu đồng.Ở các phân khúc xe đắt tiền, khoản tiền chênh này cũng trở nên phình to ra. Điển hình, mẫu xe Land Cruiser đang rao bán với mức chênh hơn một tỷ đồng, Land Cruiser Prado kênh 400 triệu đồng còn các sản phẩm Mercedes-Benz GLS kênh không dưới 400 triệu đồng.
Ford Explorer sở hữu giá chênh biến động tùy theo quyết định riêng của từng chủ đại lý. |
Điều đáng nói, các khoản tiền chênh này sẽ được đại lý và người mua thoả thuận bằng... mồm. Khi tư vấn, đại lý giải thích cho khách hàng rất kỹ rằng trên giấy tờ, hợp đồng mua bán thì giá xe bán lẻ vẫn giữ y nguyên, còn khoản tiền chênh là do hai bên tự thoả thuận, giao tiền mà không có cơ sở pháp lý nào chứng thực điều đó.
Người tiêu dùng nhen nhóm 'ngọn lửa' tẩy chay các thương hiệu tiếp tay cho đại lý thổi giá sản phẩm
Ở các hãng xe có đại lý đang bán xe kèm giá chênh cao, mới chỉ có Toyota công khai thừa nhận xuất hiện tình trạng này và đưa ra khuyến cáo cho khách hàng để không bị mất thêm các chi phí không đáng có. Dù không thể giải quyết triệt để, nhưng sau khi hãng xe Nhật Bản có thông cáo, nhiều đại lý Toyota tại Hà Nội đã minh bạch giá xe hơn, cam kết bán xe mà không có tiền kênh, những sản phẩm nào hiện hết hàng chưa rõ được thời gian xe về thì không nhận cọc nữa. Tuy nhiên, các thương hiệu khác vẫn giữ thái độ im lặng, không có hành động quyết liệt để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Khi nhu cầu sở hữu phương tiện cá nhân tăng chóng mặt như hiện nay, vấn đề ngang nhiên làm giá của các đại lý càng được dư luận quan tâm, chú ý. Không khỏi bức xúc trước tình hình nhiều người phải chi tiền vô tội vạ, anh M.L., trú tại phường Tân Bình, tỉnh Bình Dương nói: "Hiện nay, các dòng xe cùng một phân khúc, có giá thành tương đương nhau rất đa dạng. Trong nền công nghiệp cạnh tranh khốc liệt như sản xuất ô tô, xe máy, các hãng xe luôn biết cách tung ra những sản phẩm mà đối thủ trực tiếp của chúng là những chiếc xe ngang bằng về chất lượng nhưng đến từ các thương hiệu khác. Do đó, không có lí do gì để chúng ta phải nhất nhất chọn một mẫu xe rồi chấp nhận chi thêm tiền chênh để sở hữu nó. Số tiền bỏ ra đó thực sự không đáng. Hãy tránh xa các thương hiệu có đại lý bán xe với các tiền chênh để tiết kiệm một khoản tiền lớn cho bản thân và gia đình".
Đồng ý với quan điểm này, anh T.B., trú tại Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ: "Đặc quyền của khách hàng là được lựa chọn. Vì vậy, hãy sử dụng triệt để đặc quyền đó. Khi mua một sản phẩm nào đó, người được hưởng lợi ích đầu tiên phải là người mua chứ không phải người mua phải chấp nhận thiệt thòi như hiện nay. Do đó, cộng đồng người tiêu dùng nên lên tiếng tẩy chay các đại lý bán xe kèm lạc, nên tích cực trao đổi thông tin giá cả, tình trạng số lượng hàng của các sản phẩm để ai cũng có thể tiếp cận được góc nhìn đa chiều khi chuẩn bị mua xe".
Cũng là một người tiêu dùng nói không với việc bia kèm lạc, ông Phạm Thành Lê, admin của diễn đàn Otofun lên tiếng: "Về vấn đề khách quan, dịch bệnh khiến các nhà sản xuất ô tô, xe máy thiếu các linh kiện để cung cấp đủ số sản lượng theo nhu cầu của người tiêu dùng. Do đó, các đại lý mới tung ra các chiêu trò mua xe có sẵn kèm gói phụ kiện, thêm tiền thì giao xe ngay. Điều này chứng tỏ họ không thể làm chủ nguồn cung. Bên cạnh đó, việc bán xe cao hơn giá đề xuất từ thương hiệu với số tiền chênh không xuất hiện trong giấy tờ, hợp đồng mua bán giữa đại lý và người mua là một hành động trốn thuế, vi phạm quy định pháp luật. Vì vậy, khách hàng hiện nay phải hết sức thận trọng, tỉnh táo khi đi mua xe để tránh tình trạng bị làm giá, không phải bỏ ra số tiền cao ngất ngưởng để sở hữu những gói phụ kiện không mong muốn hoặc đặt cọc rồi những ngày giao xe mãi còn xa".
Việc bán xe kèm tiền chênh không công khai là hành động trốn thuế. |
Có thể nói, các đại lý bán xe đang dùng thói kinh doanh chộp giật, không nghĩ đến đường dài. Thay vì góp phần phổ biến hóa các sản phẩm được tung ra thị trường, họ chỉ tập trung bán hàng cho những người có tiền, sẵn sàng mất thêm khoản tiền không đáng có để sở hữu phương tiện. Bên cạnh đó, việc tự thu lợi từ khoản tiền chênh là hành động trốn thuế, góp phần gia tăng lạm phát tại Việt Nam.
Vào đầu tháng 4, hai đại lý có tên ABC Nissan và Pinnacle tại bang Arizona, Mỹ đã bị phát hiện hành vi bán xe kèm lạc. Rất giống với ở Việt Nam, nhân viên ở hai cửa hàng này tuyên bố thẳng thừng với khách hàng rằng nếu người mua không chấp nhận mua thêm các gói trang bị bổ sung, họ sẽ bị từ chối mua xe. Tuy nhiên ngay sau đó, hai cửa hàng này sau đó đã bị phạt nặng với số tiền phạt lên tới nửa triệu USD.
Do đó tại Việt Nam, các nhà sản xuất, cơ quan chức năng nên có hành động để xử lý nghiêm minh các điểm bán xe làm giá. Quan trọng hơn cả, người tiêu dùng cần sử dụng đặc quyền của họ để thận trọng hơn khi mua xe, hãy nhớ rằng chúng ta chấp nhận trả thêm tiền chênh thì cũng là đang tiếp tay cho những hành vi làm lũng đoạn thị trường ô tô Việt Nam.
Tiền Phong