MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người người, nhà nhà mê “bỏ phố về rừng”, tôi có 1000m2 nhưng cũng chẳng dám về làm farmstay

18-08-2021 - 09:16 AM | Bất động sản

Người người, nhà nhà mê “bỏ phố về rừng”, tôi có 1000m2 nhưng cũng chẳng dám về làm farmstay

Có nguồn tài chính ổn định, có xe ô tô, thậm chí sở hữu mảnh đất tới 1000m2 ở khu vực thiên nhiên đẹp, nhưng một số người trẻ lại lựa chọn đứng ra khỏi làn sóng “bỏ phố về rừng”.

Khi những người đồng nghiệp rủ nhau đang "bỏ phố về rừng" làm farmstay, chị Vân Khánh (38 tuổi, Hà Nội) lại chọn đứng ngoài câu chuyện bàn thảo đó. Chị kể, cứ khoảng 10 người bạn của chị lại có tới 3 người về Hòa Bình hay Ba Vì, Sóc Sơn (Hà Nội) mua đất để xây nhà, ngắm mây trời, núi rừng.

Dù chị được một số người bạn rủ chung vốn hay về cùng mua mảnh đất gần cạnh nhau làm hàng xóm nhưng chị đều từ chối. Lý do đơn giản mà chị đưa ra, đó là: "Tôi không thích đầu tư tiền để làm farmstay rồi nghỉ dưỡng".

Chị chia sẻ thêm: "Quê tôi ở Thường Tín, Hà Nội. Bố mẹ tôi cho hẳn hơn 1000m2. Mảnh đất này còn có vị thế rất đẹp, ven sông Hồng, cảnh thiên nhiên khá hấp dẫn. Nhưng nói thật, dù có xây cả biệt phủ giữa mảnh đất này tôi cũng chẳng dám "bỏ phố" mà về đây nghỉ dưỡng".

Người người, nhà nhà mê “bỏ phố về rừng”, tôi có 1000m2 nhưng cũng chẳng dám về làm farmstay - Ảnh 1.

(Ảnh minh hoạ)

Quan điểm của chị Vân Khánh là "cố thủ" ở Hà Nội và khi có thời gian rảnh, sẽ đến nghỉ dưỡng resort hay homestay nào đó đẹp, chứ không bao giờ sẽ tự xây nhà, trồng cây để tận hưởng.

"Tôi chỉ nghĩ tới đến mảnh đất đẹp ở quê. Giả dụ tôi mà xây farmstay nhưng cũng không thể chịu nổi mùi ô nhiễm từ các trang trại lợn mà người dân. Cảm giác không khí trong lành thì ít mà ô nhiễm thì nhiều. Chưa kể, quê tôi chưa phát triển nhiều nên mua bất kỳ hàng hóa nào cũng bất tiện. Hơn nữa, tôi thấy để làm farmstay, chi phí tốn kém mà thực tế bản thân mình và gia đình cũng không có nhu cầu dành quá nhiều thời gian để nghỉ dưỡng, thụ hưởng"- chị Vân Khánh nói.

Bởi lý do đó mà người phụ nữ đến từ Hà Nội khẳng định chắc nịch: "Tôi xác định sẽ không dành tiền để mua đất làm farmstay rồi nghỉ dưỡng. Nhưng nếu mua đất rừng để đầu tư, lướt sóng bán cho khách có nhu cầu làm farmstay thì tôi lại thấy hào hứng".

Cũng tương tự như chị Vân Khánh, sống ở Hà Nội đã gần 15 năm, khi bạn bè, người thân ai ai tậu mảnh đất ven đô để làm nhà vườn, chị Nguyễn Quỳnh xác định ở căn nhà đất chật chội giữa ngõ nhỏ đông đúc trên phố. Hiện tại, gia đình chị Quỳnh có đủ tài chính để mua đất, xây nhà và đang sở hữu xe ô tô để dễ dàng di chuyển nhưng quan điểm của chị chỉ đi nghỉ dưỡng tại biển mà không hề có khái niệm "du lịch núi".

"Bạn bè tôi hay rủ về Ba Vì mua đất để làm farmstay, thi thoảng trải nghiệm cuộc sống hòa mình vào với thiên nhiên nhưng thú thực, tôi không hào hứng. Tôi sinh ra và lớn lên ở Sơn La nên có tới gần 20 năm để hít thở, ngắm mây núi cũng như trải qua cuộc sống vắng lặng, buồn tẻ vì đi vài km mới thấy người. Muốn mua đồ gì phải phi xe thật xa mới có thể mua được.

Có lẽ vì thế nên tôi chưa từng nghĩ tới việc sẽ mua đất, xây nhà để nghỉ dưỡng dù bố mẹ dành cho tôi mảnh đất rất rộng Trong khi, khoảng 3 năm trở lại đây, nhiều người Hà Nội cũng bỏ nhà lên Sơn La mua đất làm farmstay nghỉ dưỡng. Có một số bạn trẻ còn lên tận Tà Xùa để mua đất làm homestay".

Theo quan điểm của chị Quỳnh, những người mua đất xây farmstay đều hướng tới mục đích để nghỉ dưỡng. Nhưng thực tế, quá trình để xây được nhà, trồng được cây là tốn thời gian, công sức và rất vất vả.

"Bỗng dưng vừa mất tiền, vừa mất tới 1 năm để "hành hạ" bản thân với việc xây nhà, trồng cây. Tôi thấy rất tốn công sức và vất vả, không đúng nghĩa nghỉ dưỡng. Xây xong, muốn ở được thì phải chăm chỉ về tu chỉnh, sửa chữa, lại là những công việc tay chân vất vả.

Các bạn trẻ bỏ Hà Nội lên Sơn La xây homestay mà tôi biết, họ vất vả vô cùng. Điện nước thì không ổn định, hàng hóa khan hiếm, ốm đau để tìm cơ sở khám chữa bệnh không có. Nhất là các vùng sâu vùng xa ở Sơn La, dù cảnh đẹp thật nhưng để đánh đổi về đó nghỉ dưỡng dài ngày thì không phải là chuyện đơn giản"- chị Quỳnh nói.

Hải Nam

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên