MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người Nhật bán xăng - đừng cứ tung hô hình thức!

14-10-2017 - 13:00 PM | Thị trường

Câu chuyện “người Nhật bán xăng” được dư luận bàn tán mấy ngày qua chủ yếu tập trung vào hình ảnh: Ông chủ người Nhật, cũng như nhân viên, cúi gập người chào khi có khách vào ra đổ xăng…

Cúi gập người thì sao và không cúi gập người thì sao…

Đừng tung hô hình thức để nói lên tất cả. Cái cúi gập người là văn hóa dân tộc. Người Nhật chào khách nghiêm trang và trịnh trọng bằng cách cúi gập người so với góc chân đứng thẳng thường là 145 -150 độ, thậm chí đến 130 độ; còn người Hoa, cũng có cách chào gần giống, nhưng cúi cạn hơn, từ 160 - 170 độ; người Thái chào khách bằng cái chắp tay trước ngực và gật đầu; phương Tây thì phổ biến bắt tay, hoặc huơ tay chào; người Việt thì có nhiều cách, thường thì dùng lời với câu “cảm ơn”…

Văn hóa ứng xử chưa thể khẳng định về chất lượng sản phẩm hay dịch vụ, dù có thể nó góp một phần nào đó. Hãy nhìn cách “người Nhật bán xăng”: Giá rẻ hơn 200 đồng/lít - chưa phải là ưu thế quá lớn, vì chẳng phải ai cũng “ăn một bát cháo chạy ba quãng đồng”. Song nếu mạng lưới cây xăng Idemitsu Q8 được mở rộng dần và rộng khắp, cùng với sự đo lường chính xác và thái độ phục vụ, dịch vụ sát sườn, ưu việt và chu đáo, thì dần dần sẽ ngấm vào người tiêu dùng Việt.

Và chúng ta, người tiêu dùng, hãy luôn đề cao cách cung cấp dịch vụ và phục vụ như thế, chứ không phải chỉ dựa vào kiểu cúi gập người chào - theo phong tục, tập quán, văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia.

Nhưng từ cái cúi gập người mang tính đặc trưng, đặt ra một câu hỏi là các chuỗi bán lẻ xăng dầu Việt Nam học được gì, thấy được gì để cải tiến năng cao chất lượng dịch vụ và sự phục vụ để cạnh tranh, khẳng định vị thế? Đừng để đến khi nước đến chân mới nhảy, lúc đó thì e rằng đã muộn…

Bài học này đang nhãn tiền với một điển hình đang nóng bỏng chính là cuộc “đại chiến taxi truyền thống với Uber và Grab” tại Việt Nam. Đã có lúc, không ít nhà quản lí của các hãng taxi truyền thống tuyên bố hùng hồn sẽ “dập tắt” Uber và Grab. Nhưng giờ thế nào thì ai cũng đã thấy. Không chịu thay đổi hay học hỏi để cách tân hoạt động hiệu quả hơn thì sẽ bị vượt qua và thay thế.

Hiện nay là Uber và Grab sẽ dần thay thế vai trò của taxi truyền thống. Ngày mai - tại sao không - sẽ là những cách bán xăng chuẩn mực hơn, cân đo đong đếm chuẩn xác hơn, phục vụ tốt hơn như Idemitsu Q8. Rồi sắp tới, sẽ là những phòng trọ dịch vụ cho thuê Air B&B theo mô hình kinh tế chia sẻ lấy dần thị phần của các khách sạn…

Vậy thì điều chúng ta nhìn thấy từ Idemitsu Q8 không phải là cái cúi gập người của ông chủ hay nhân viên mà chính là tâm điểm cần phải thay đổi. Thay đổi hay là chết - câu khẩu hiệu không bao giờ lỗi thời!

Theo Thế Lâm

Lao động

Trở lên trên