Người nước ngoài không giàu, phải vay tiền mua nhà ở Việt Nam
Đề xuất cho người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam đến 99 năm là không mới. Bởi thực chất, Luật Nhà ở 2014 được Quốc hội thông qua đã mở rất rộng quyền cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
- 03-08-2017Trong khi người Việt đổ 3 tỷ đô mua nhà ở Mỹ thì người nước ngoài lại ồ ạt đổ tiền vào BĐS Việt Nam
- 03-08-2017Bất ngờ với "khẩu vị mới" của người mua nhà cuối 2017
- 03-08-2017Khi mua nhà không chỉ để an cư
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, Luật Nhà ở 2014 cho phép người nước ngoài không chỉ được mua căn hộ chung cư mà còn được mua nhà ở gắn liền với đất, nhưng hạn chế trong các dự án phát triển nhà ở thương mại, các khu đô thị mới.
Đề xuất không mới
Thời hạn sở hữu nhà ở tại Luật Nhà ở đã quy định người nước ngoài được sở hữu nhà ở 50 năm và được gia hạn không quá 50 năm theo quy định tại Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn triển khai việc cho phép người nước ngoài sở hữu bất động sản tại Việt Nam có hiệu lực từ tháng 12/2015, cộng lại là 99 năm.
Chính vì vậy đề xuất người nước ngoài sở hữu nhà ở trong đặc khu kinh tế lên tới 99 năm là không mới, chỉ khác là người nước ngoài không cần gia hạn.
- Theo ông! Chính sách này sẽ tác động như thế nào đến thị trường bất động sản Việt Nam?
Chính sách này có tác động tích cực, thể hiện sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc thu hút đầu tư vào các khu kinh tế được thuận lợi hơn. Đề xuất được thông qua sẽ tạo điều kiện cho người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam có cơ hội tiếp cận nhà ở dễ dàng hơn để an tâm công tác, chứ không phải mục tiêu kinh doanh nhà ở.
Tuy nhiên khó khăn trong việc thực thi chính sách mới này là chưa có nhiều ngân hàng mạnh dạn trong việc hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài thực hiện các thủ tục cần thiết để tiến hành mua bất động sản tại Việt Nam. Do đó cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan nhà nước và tổ chức tín dụng cũng như nhà phát triển dự án trong việc thu hút và mở rộng đối tượng mua nhà tại Việt Nam.
- Ông nhận xét gì về chính sách mở cửa cho người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam, có sự khác biệt nào so với các nước trên thế giới?
Trước đây ở Hàn Quốc rất hạn chế cho nười nước ngoài mua nhà nhưng sau khi khủng hoảng Hàn Quốc bắt đầu mở cửa cho người nước ngoài mua nhà. Hay ở Indonesia vừa mới triển khai chính sách cho phép người nước ngoài sở hữu bất động sản. Thời gian sở hữu căn hộ là tổng cộng 80 năm, trong đó đầu tiên được cấp 30 năm, sau đó gia hạn tiếp 20 năm và gia hạn lần cuối cùng là 30 năm.
Tuy nhiên chính sách này tác động rất nhỏ đến thị trường bất động sản trong nước, vì yêu cầu để được mua nhà là phải có thị thực/giấy phép làm việc tại Indonesia một cách liên tục, nếu không thì bất động sản sẽ bị thu hồi.
So với các nước trong khu vực có thể nói rằng điều kiện cho phép người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam thoáng hơn, sau đó có thể chuyển nhượng cho người khác, điều này có tác động đến thị trường bất động sản trong nước vì sẽ thúc đầy nhu cầu đầu tư cũng như mong muốn sở hữu được bất động sản tại Việt Nam của nhiều người nước ngoài.
Thống nhất một đầu mối
- Luật Nhà ở đã quy định khống chế số lượng người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam, theo ông có nên quy định số lượng người nước ngoài sở hữu nhà tại các đặc khu kinh tế?
Hiện Việt Nam có 18 khu kinh tế cùng 325 khu công nghiệp. Cuối năm 2016, Chính phủ thống nhất thành lập 3 đặc khu kinh tế, gồm Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).
Luật Nhà ở đã quy định khống chế, trong một khu cấp phường dự kiến 2.500 căn hộ thì người ngước ngoài không được sở hữu quá 10% tức 250 căn. Nếu dân số một khu vực là 1 vạn người thì không được quá 10%, tức 1000 người. Trong 1 chung cư không được quá 30% bán cho người nước ngoài, và 70% là người trong nước. Luật Nhà ở đã quy định rồi. Nhưng trong Luật đặc khu kinh tế chưa thấy nói đến.
Dẫu biết khu vực kinh tế được khuyến khích đầu tư, chỉ hạn chế ở khu vực biên giới, quốc phòng nhưng về lâu dài vẫn nên khống chế số lượng người nước ngoài nhất định ở các đặc khu kinh tế.
- Phải chăng luật pháp chưa theo kịp nhu cầu chính là rào cản khiến nhiều người nước ngoài chưa thể mua được nhà tại Việt Nam?
Hiện nay chính sách đã có điểm tích cực là thu hút được sự quan tâm của nhiều đối tượng. Tuy nhiên, việc triển khai còn một số khó khăn cần được quan tâm, ví dụ việc chuyển tiền ra nước ngoài liên quan đến giao dịch bất động sản tại Việt Nam vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.
Các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn Luật nhà ở về vấn đề nhà ở như cư trú, xuất nhập cảnh, ngoại hối (đưa tiền vào, ra), tín dụng đối với người nước ngoài (Vay tiền, thế chấp)… còn rườm rà, chưa cụ thể, gây khó hiểu cho nhiều người. Cũng như chưa có quy định liên quan đến việc người nước ngoài được vay tiền mua nhà từ các ngân hàng trong nước.
Đừng nghĩ người nước ngoài nhiều tiền, họ cũng phải đi vay ngân hàng mua nhà. Việc vay tiền đối với người Việt Nam cực khó, đối với người nước ngoài còn khó hơn.
Do vậy các văn bản hướng dẫn cần thống nhất về một đầu mối và cần có phải có một cẩm nang riêng cho người nước ngoài tham khảo.
- Vâng! Xin cảm ơn ông.
Diễn đàn doanh nghiệp