Người nuôi cá Đà Lạt lao đao vì cá tầm ngoại nhập
Dù bắt đầu bước vào cao điểm tiêu thụ cuối năm và chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán 2021 nhưng người nuôi cá tầm ở Đà Lạt và vùng phụ cận thuộc địa bàn tỉnh Lâm Đồng vẫn lao đao do phải cạnh tranh với cá tầm nhập ngoại, giá rẻ hơn rất nhiều.
- 31-12-2020Giật mình trước nguy cơ “vỡ trận” nhập khẩu cá tầm vào Việt Nam
- 10-11-2020Cá hồi, cá tầm Việt Nam tìm hướng đi trong cuộc cạnh tranh mới
Kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2021 vừa qua là chuỗi ngày không vui với ông Khuất Duy Vinh, người nuôi cá tầm tại huyện Lạc Dương (Lâm Đồng). Lý do bởi đây là cao điểm tiêu thụ nhưng lượng cá thịt nuôi tại trang trại của công ty ông đang bị tồn đọng khá nhiều, không thể xuất đi do bị cạnh tranh bởi cá tầm nhập khẩu từ Trung Quốc bán ngoài thị trường với giá rẻ hơn nhiều so với cá tầm Đà Lạt.
“Thực trạng này ảnh hưởng rất lớn đến những người nuôi cá tầm như chúng tôi. Cá đạt trọng lượng 2kg phải xuất bán rồi nhưng lại phải nuôi tiếp, vừa tốn thêm chi phí lại vừa không có vốn để xoay vòng cho lứa nuôi mới” – ông Vinh phân tích.
Tương tự, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên (TNHH MTV) Thủy hải sản Trường Toàn có trang trại nuôi cá tầm rộng 3ha ở Đà Lạt cho biết, những năm trước, đến thời điểm này cơ bản công ty đã bán hết cá thương phẩm, nhưng năm nay vẫn còn tồn đọng gần 200 tấn cá do sức tiêu thụ chậm. Tình trạng này khiến công ty gặp không ít khó khăn do cá không bán được nhưng vẫn phải chăm sóc, riêng tiền thức ăn cho cá mỗi ngày đã mất 60 triệu đồng.
Những khó khăn của người nuôi cá tầm Đà Lạt gặp phải do chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong thời gian qua. Tuy nhiên, nguyên nhân chính vẫn do thị trường xuất hiện cá tầm nhập từ Trung Quốc bán với giá rất rẻ, chỉ khoảng 125.000 đồng/kg so với giá bán sỉ từ 160.000 đồng/kg của cá tầm Đà Lạt. Do phải cạnh tranh, người nuôi cá tầm trong nước cũng hạ giá bán xuống còn 130.000 đồng/kg nhưng sức tiêu thụ vẫn chậm, mặc dù mức giá này chỉ giúp hòa vốn để tránh bị bị tồn dư.
Đáng chú ý, phần lớn cá tầm nhập từ Trung Quốc chỉ qua đường tiểu ngạch. Bởi theo Hiệp hội Cá nước lạnh Lâm Đồng, tại Việt Nam muốn nhập khẩu cá tầm phải có giấy phép của Tổng cục Thủy sản. Tuy nhiên, đơn vị này chưa cấp phép nhập khẩu trường hợp nào. Do đó cá tầm Trung Quốc có mặt trên thị trường đều nhập lậu, không qua kiểm dịch đúng quy định và trà trộn trên thị trường gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Đình An, Chủ tịch Hiệp hội Cá nước lạnh Lâm Đồng cho biết, chất lượng cá tầm Trung Quốc chắc chắn không thể bằng cá tầm nuôi trong nước do họ sử dụng nhiều cám tăng trọng. Trong khi đó, các đơn vị nuôi tại Lâm Đồng đều tuân thủ quy trình nuôi không dùng cám tăng trọng, nguồn gốc cá giống cũng được nhập khẩu rõ ràng và được quản lý chặt chẽ về chất lượng.
Theo Hiệp hội Cá nước lạnh Lâm Đồng, năm 2020, trên địa bàn tỉnh vẫn ổn định với khoảng 50ha cá nước lạnh, chủ yếu là cá tầm với khoảng 50 trang trại, doanh nghiệp, hộ gia đình khoanh nuôi. Sản lượng cá tầm năm 2020 đạt gần 3.000 tấn, tiêu thụ chủ yếu ở thị trường phía Nam. Năm 2013, sản phẩm "Cá nước lạnh Đà Lạt" đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ và truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2020 có khoảng 700 tấn cá tầm nuôi tại địa phương không thể xuất bán.
Liên quan đến vấn đề trên, mới đây Hiệp hội Cá nước lạnh Lâm Đồng đã có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Bộ chỉ đạo các cơ quan chức năng có liên quan, các tỉnh biên giới phía Bắc tăng cường quản lý đối với sản phẩm hàng hóa cá tầm tươi sống của Trung Quốc nhập vào Việt Nam nhằm tháo gỡ khó khăn cho người nuôi cá nước lạnh tại Lâm Đồng nói riêng và cả nước nói chung.
Báo Tin tức/TTXVN