Người nuôi dê, cừu ở Ninh Thuận khổ với giá cả bấp bênh
Sau thời điểm rớt giá thê thảm thì thời điểm này giá thịt dê, cừu ở Ninh Thuận có dấu hiệu tăng nhẹ. Tuy nhiên, việc giá dê cừu lên xuống thất thường khiến người chăn nuôi khổ sở.
- 31-12-2021Hải Dương: Người nuôi cá lồng điêu đứng, cầm cự chờ hết dịch
- 09-12-2021Người chăn nuôi lợn đối mặt với nhiều khó khăn
- 17-11-2021Giá giảm sâu, người nuôi lươn không bùn ở Hậu Giang gặp khó
- 07-11-2021Người chăn nuôi tỉnh Bình Định gặp khó do giá heo hơi xuống thấp
Giá nhích lên nhưng vẫn thấp
Theo các thương lái ở Ninh Thuận, giá dê bán tại chuồng hiện dao động từ 90.000- 105.000 đồng/kg, còn cừu thì từ 85.000 - 90.000 đồng/kg. So với thời điểm cách đây hơn 1 tháng thì giá dê đã tăng 30.000- 35.000 đồng/kg, giá cừu tăng 35.000 - 40.000 đồng/kg.
Ông Dương Đăng Hải ở thôn Khánh Nhơn 2, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận cho biết, mức giá dê, cừu như hiện nay vẫn thấp so với những năm trước, nhưng người nuôi cũng đã có lãi.
"Nuôi 1 con dê khoảng 15 kg đổ lại thì trước đây bán được với giá 180.000 đồng/kg. Hiện nay giá còn 90.000 đồng/kg, giảm một nửa mà có khi thương lái không mua. Còn nếu con dê trên 15 kg thương lái vẫn mua mua với giá 15 kg. Còn con dê già hiện nay rớt giá thê thảm" - ông Hải chia sẻ.
Theo ông Lê Hoàng Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH dê cừu Nguyên Phát ở tỉnh Ninh Thuận, giá dê hơi bắt đầu tăng trở lại là do thời gian gần đây, hàng quán trong và ngoài tỉnh Ninh Thuận đã dần hoạt động sau thời gian dài đóng cửa vì dịch COVID-19. Bên cạnh đó, khâu vận chuyển thuận tiện hơn, có thể giúp đưa sản phẩm dê cừu từ Ninh Thuận đi xa hơn, đến tận Hà Nội, Quảng Ninh, TP.HCM, Đồng Nai. Nhưng giá dê cừu lên xuống thất thường khiến cho người nuôi cũng như người buôn khổ sở.
Ông Lê Hoàng Nguyên cho biết: "Giá bị chi phối bởi thị trường ngoài Bắc. Ngoài Bắc mà xuống thì trong này phải xuống. Ví dụ, giá dê lên cao thì hàng Thái nhập về, lúc này họ không lấy hàng trong Nam nữa, hàng trong Nam tự động hạ xuống để cạnh tranh với hàng Thái. Còn nếu hàng Thái về không được thì giá lại tăng lên. Còn hàng Thái về nhiều, ngoài Bắc họ lấy hàng Thái vì giá rẻ hơn".
Cần mở rộng thị trường cho sản phẩm chủ lực
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, chăn nuôi dê, cừu là 2 trong 6 sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Ninh Thuận. Toàn tỉnh hiện có 5 cơ sở giết mổ và kinh doanh dê, cừu. Sản phẩm dê, cừu chủ yếu cung ứng cho các cửa hàng, quán ăn trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Ông Đặng Kim Cương – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, về lâu dài, tỉnh sẽ nghiên cứu đưa sản phẩm dê cừu vào bán tại các siêu thị. Để làm được điều này, cần có sự chung tay và phối hợp từ các sở ngành khác như Sở Công thương, các doanh nghiệp, cơ sở chế biến…Làm được như vậy thì thịt dê, cừu vừa có thêm đầu ra vừa ổn định được giá cả.
Theo ông Cương: "Đầu năm 2022 tới đây sẽ có sự liên kết trong chuỗi nông nghiệp tuần hoàn. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến sản phẩm dê cừu của Ninh Thuận và có quảng bá. Chúng tôi cũng liên hệ lại các cơ sở giết mổ, các siêu thị, những nhà chế biến thực phẩm, kết nối lại 69 sản phẩm OCOP của tỉnh".
Hiện tỉnh Ninh Thuận có tổng đàn dê cừu hơn 250.000 con, trong đó cừu gần 120.000 con và dê trên 130.000 con. Sản phẩm thịt dê Ninh Thuận được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp văn bằng Bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Dê Ninh Thuận;” sản phẩm thịt cừu được cấp bảo hộ Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thịt cừu có xuất xứ từ “Ninh Thuận” nhằm khẳng định chất lượng và uy tín sản phẩm đặc thù của địa phương.
Để người nuôi dê cừu an tâm phát triển đàn, các cấp chính quyền cùng các sở ban ngành liên quan cần có sự liên kết chặt chẽ hơn để đưa sản phẩm dê cừu Ninh Thuận đi xa hơn, giá cả ổn định hơn.
VOV