MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người nuôi tôm "trắng tay"

01-11-2019 - 19:27 PM | Thị trường

Năm nay, người nuôi tôm ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam thua lỗ nặng do tôm bị bệnh chết. Nhiều hộ "trắng tay" thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Trước đây, nhiều hộ nuôi tôm nước lợ ở xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam làm ăn có hiệu quả. Thế nhưng, vụ vừa rồi, tôm bị bệnh chết, người nuôi tôm hết sức khó khăn. Ông Võ Tấn Trung, ở thôn Nhơn Bàn, xã Duy Thành cho hay: Diện tích nuôi tôm của gia đình gần 1 ha, năm ngoái, khấm khá, nhưng năm nay xem như trắng tay. Theo ông Trung, nếu vụ vừa rồi tôm không bị bệnh chết gia đình ông sẽ thu lãi chừng 600 - 700 triệu đồng.

“Nuôi tôm thì năm nay dịch bệnh rất nhiều từ đầu năm đến cuối năm xảy ra liên tục. Năm nay nuôi 2 vụ thấy khó quá, thiệt hại hơn 100 triệu đồng. Hầu hết tôm bị đường ruột, bệnh đốm trắng có xảy ra. Chừ cải tạo lại làm mức độ cũng không giám đầu tư lớn, thời tiết năm nay khó nuôi” - ông Trung nói.

Người nuôi tôm trắng tay - Ảnh 1.

Người nuôi tôm ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam thua lỗ nặng do tôm bị bệnh chết.

Không riêng gì gia đình ông Trung mà hầu hết những người nuôi tôm ở địa phương này đều rơi vào cảnh tượng tự. Ông Lê Tấn Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết cả xã có gần 60 hộ dân nuôi tôm trên diện tích gần 30 ha đều bị thua lỗ, nhiều hộ mất trắng.

"Những năm trước họ nuôi tôm rất thành công dẫn đến nhiều người tham gia nuôi tôm. Bà con thu nhập rất cao, mua xe, nhà cửa. Vừa rồi tôm bị bệnh thua lỗ rất nặng. Trung tâm khuyến nông Khuyến ngư của tỉnh tổ chức tập huấn kỹ thuật, quan tâm đến bệnh đốm trắng, bệnh hồng thân để bà con biết phát hiện đỡ thiệt hại về kinh tế. Đề nghị cấp trên hỗ trợ hóa chất tiêu trùng, khử độc tránh trường hợp mầm bệnh lây lan" - ông Bảo cho biết.

Theo ông Thành Châu Giang, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, tôm chết một phần do thời tiết, nguồn nước thả nuôi tôm trong ao bị ô nhiễm. Mới đây, các ngành chức năng tổ chức tập huấn, hướng dẫn bà con kỹ thuật nuôi trồng thủy sản.

"Nuôi tôm thì đầu vụ cũng bị dịch bệnh do tình hình thời tiết, môi trường nước. Về thiệt hại người dân cũng khắc phục. Về chính sách hỗ trợ vẫn chưa triển khai được mà thực tế thì người nông dân họ vẫn chủ động nguồn vốn" - ông Giang nói.

Năm nay, nông dân tỉnh Quảng Nam thả nuôi trên 2.000 ha tôm nước lợ, hiện có khoảng 100 ha ao nuôi có tôm bị bệnh như đốm trắng, vi khuẩn hoại tử gan tụy. Theo bà Phạm Thị Hoàng Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam thì hầu hết cơ sở nuôi tôm trên địa bàn tỉnh chưa có hệ thống cấp thoát nước riêng biệt, hệ thống xử lý nước, con giống chưa bài bản nên tôm bị bệnh chết xảy ra thường xuyên.

"Sắp tới UBND tỉnh phê duyệt những vùng nào không ảnh hưởng, chồng lấn Khu kinh tể mở Chu Lai sẽ định hướng phát triển lâu dài và hình thành các vùng nuôi tôm tập trung, thu hút doanh nghiệp hoặc kêu gọi nhà đầu tư vào, hình thành vùng nuôi tôm công nghiệp theo chủ trương chung của UBND tỉnh" bà tâm nói.

Theo Tuyết Lê - Phương Cúc

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên