MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người phụ nữ bỏ đàn con thơ cho cha mẹ già nơi quê nhà để đi "mang thai cho người lạ", hé lộ góc khuất ngành công nghiệp trăm tỷ đô

19-03-2023 - 09:00 AM | Tài chính quốc tế

Mang thai hộ mục đích thương mại là dạng hợp đồng, trong đó một người phụ nữ được trả khoản phí để mang thai hộ cho một người hoặc một cặp vợ chồng khác.

Dilara đã sống ở Tbilisi, Georgia được vài tháng rồi. Cô làm đủ thứ việc khác nhau để có tiền trang trải, từ làm tóc, đánh giày cho đến hầu bàn. Nhưng công việc duy nhất cô thực sự muốn làm là mang thai hộ.

Năm ngoái, người mẹ 34 tuổi này đã để 4 đứa con thơ cho cha mẹ già ở Uzbekistan nuôi để ra đi với hy vọng kiếm được khoản tiền kha khá nhờ vào ngành công nghiệp mới nổi này.

“Tôi nợ ngân hàng và phải nuôi 4 đứa con. Chúng cần đi học, cần đồ dùng sinh hoạt. Bạn biết đấy. Tôi thực sự rất khó khăn”, Dilara nói với phóng viên tờ tin tức CNBC.

Người phụ nữ bỏ đàn con thơ cho cha mẹ già nơi quê nhà để đi mang thai cho người lạ, hé lộ góc khuất ngành công nghiệp trăm tỷ đô - Ảnh 1.

Mang thai hộ mục đích thương mại là dạng hợp đồng trong đó một người phụ nữ được trả khoản phí để mang thai hộ cho một người hoặc một cặp vợ chồng khác. Nó khác hoàn toàn với mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, trong đó một phụ nữ tình nguyện mang thai hộ mà không có bất kỳ khoản bồi dưỡng nào ngoài các chi phí y tế.

Thông thường, mang thai hộ vì mục đích thương mại thì người mang thai không có mối liên hệ sinh học nào với đứa trẻ.

Các luật liên quan đến việc mang thai hộ rất khác nhau giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ. Ví dụ, ở Mỹ, hoạt động này được cho phép ở một số bang nhưng bị cấm ở những bang khác, trong khi ở Canada và Vương quốc Anh, chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Trong khi đó, ở Georgia, cũng như ở Ukraine và Nga, cả 2 hình thức đều hợp pháp.

Ngành công nghiệp đang trên đà phát triển

Dilara là một trong số ngày càng nhiều phụ nữ tìm đến công việc mang thai hộ như một nguồn thu nhập trong bối cảnh nhu cầu ngày càng tăng.

Theo công ty tư vấn nghiên cứu thị trường Global Market Insights, ngành công nghiệp đẻ thuê thương mại toàn cầu trị giá khoảng 14 tỷ đô la vào năm 2022. Thực tế, rất khó xác minh con số chính xác do tính chất riêng tư của nhiều thỏa thuận.

Người phụ nữ bỏ đàn con thơ cho cha mẹ già nơi quê nhà để đi mang thai cho người lạ, hé lộ góc khuất ngành công nghiệp trăm tỷ đô - Ảnh 2.

Một phụ nữ chăm sóc những đứa trẻ sinh ra nhờ phương pháp mang thai hộ.

Dự kiến đến năm 2032, con số đó được dự báo sẽ tăng lên 129 tỷ đô la, do vấn đề vô sinh gia tăng và ngày càng có nhiều cặp đồng giới và người độc thân tìm cách sinh con.

Nhu cầu đó được thúc đẩy chủ yếu bởi những người được gọi là "cha mẹ dự định" ở các quốc gia phương Tây giàu có. Nhiều người trong số này đang tìm kiếm các dịch vụ mang thai hộ xuyên biên giới để tránh phải chờ đợi lâu hoặc chi phí ở quốc gia của họ quá cao, hoặc vì luật pháp trong nước cấm mang thai hộ. Việc dỡ bỏ lệnh cấm đi lại do Covid-19 cũng khiến nhu cầu mang thai hộ trên toàn cầu gia tăng vào năm 2022.

Chuyên gia về lĩnh vực mang thai hộ Sam Everingham, giám đốc toàn cầu của Sydney - nhóm hỗ trợ đẻ thuê có trụ sở tại Úc - cho biết: “Đại dịch Covid-19 đã làm giảm hoạt động mang thai hộ quốc tế, nhưng chúng ta hiện đang chứng kiến sự bùng nổ do đã bị dồn nén".

Olga Pysana, làm việc tại công ty chuyên môi giới mang thai hộ World Center of Baby cho biết: "Chúng tôi đang có rất nhiều cặp vợ chồng dự định làm cha mẹ đang chờ đợi được mang thai hộ. Chúng tôi phải nhanh chóng đưa ra một giải pháp thay thế".

Người phụ nữ bỏ đàn con thơ cho cha mẹ già nơi quê nhà để đi mang thai cho người lạ, hé lộ góc khuất ngành công nghiệp trăm tỷ đô - Ảnh 3.

Nhà phôi học đánh giá chất lượng của tế bào trứng thu được - một tế bào mầm nữ - trước khi thụ tinh.

World Center of Baby, đã hoạt động tại Cộng hòa Síp vào năm 2022, có kế hoạch mở văn phòng tại Georgia trong tháng này. Trong khi đó, Mexico và một số khu vực của Mỹ Latinh cũng chứng kiến sự gia tăng đột biến.

Ở Georgia, mang thai hộ thương mại có giá khoảng 40.000-50.000 USD (tương đương 943 triệu đồng - 1,17 tỷ đồng), trong khi ở Mexico là khoảng 60.000-70.000 USD (1,41-1,65 tỷ đồng). Còn ở Mỹ, mức trung bình 120.000 USD (2,8 tỷ đồng) trở lên.

Ernesto Noriega, giám đốc điều hành và người sáng lập của Egg Donors Miracles, một cơ quan sinh sản có trụ sở tại Cancun, Mexico, cho biết: "Ở Mexico, ngành công nghiệp mang thai hộ lại bùng nổ".

Người phụ nữ bỏ đàn con thơ cho cha mẹ già nơi quê nhà để đi mang thai cho người lạ, hé lộ góc khuất ngành công nghiệp trăm tỷ đô - Ảnh 4.

Bản đồ cho thấy ước tính mức độ tăng trưởng của ngành công nghiệp mang thai hộ.

Nguồn thu nhập chính

Sự bùng nổ toàn cầu đã thúc đẩy sự gia tăng nhu cầu về người đẻ thuê, với các nhóm Facebook và quảng cáo của đại lý thu hút phụ nữ với lời hứa về thu nhập khá.

Lauragh đến từ miền Đông Nam Ireland, có con trai sinh vào tháng 10 năm 2021, cho biết người đẻ thuê cho cô đã có thể mua nhà cho bản thân và 2 con gái bằng tiền kiếm được từ hợp đồng.

“Yếu tố thúc đẩy họ, cho dù ở Georgia hay Mexico, là động lực tài chính đằng sau nó”, Olga Pysana nói về những người chuyên đi đẻ thuê.

Người phụ nữ bỏ đàn con thơ cho cha mẹ già nơi quê nhà để đi mang thai cho người lạ, hé lộ góc khuất ngành công nghiệp trăm tỷ đô - Ảnh 5.

Các nhóm bảo vệ quyền của phụ nữ đang kêu gọi quy định chặt chẽ hơn đối với ngành công nghiệp mang thai hộ thương mại.

Thật vậy, Dilara đã bị cuốn hút theo con đường này vì khoản tiền cô kiếm được khi lần đầu tiên được một đồng nghiệp làm việc cùng tại một trung tâm chăm sóc khách hàng giới thiệu về mang thai hộ.

“Nếu chị mang thai hộ, họ sẽ cho chị rất nhiều tiền”, cô nhớ lại lời kể của một nữ đồng nghiệp trẻ tuổi.

Tuy nhiên, việc thu hút phụ nữ vào ngành này đã làm dấy lên mối lo ngại, nhất là về sự chênh lệch lớn giữa phí môi giới và thu nhập mà người đẻ thuê nhận được. Trong nhiều trường hợp, người đẻ thuê chỉ được hưởng 1/4 trong số hàng chục nghìn đô la mà các cặp đôi trả.

"Có một điều mà tôi đã nhận ra trong 2 tháng về công việc này, đó là các bác sĩ lấy khoảng 50.000 USD - 60.000 USD (tương đương 1,17-1,41 tỷ đồng) từ cặp cha mẹ nhờ mang thai và đưa từ 12.000-20.000 USD (283-471 triệu đồng) cho người mang thai hộ", Dilara nói. "Thật không công bằng với những gì họ làm".

Về phần mình, Olga Pysana và Ernesto Noriega cho biết phí môi giới của họ là hợp lý do chi phí y tế cao liên quan đến quá trình này, cũng như chi phí nhà ở và thức ăn cho người mang thai hộ trong những tuần cuối cùng của thai kỳ. Tuy nhiên, họ thừa nhận rằng tham nhũng luôn tồn tại ở các công ty.

Đạo đức và rủi ro

Ngoài ra còn có các vấn đề đạo đức quan trọng xung quanh việc mang thai hộ thương mại. Các nhà phê bình cho rằng ngành công nghiệp này lợi dụng những phụ nữ dễ bị tổn thương.

Chẳng hạn, một điều kiện tiên quyết là những người sẽ mang thai hộ phải là góa phụ hoặc độc thân và họ đã có ít nhất một con.

Điều này là để chứng minh rằng người phụ nữ đã chuẩn bị sẵn sàng về mặt thể chất và tâm lý cho việc mang thai, đồng thời để tránh bất kỳ tranh chấp nào với bạn đời của họ.

“Đây không phải là một ngành công nghiệp tốt cho phụ nữ”, Teresa Ulloa Ziaurriz, giám đốc khu vực của Liên minh chống buôn bán phụ nữ và trẻ em gái ở Mỹ Latinh và Caribe (CATWLAC) cho biết. “Đối với tôi, họ là nạn nhân”.

Ulloa Ziaurriz nói rằng theo kinh nghiệm của cô khi làm luật sư sinh sản cho phụ nữ trên khắp Châu Mỹ Latinh - chủ yếu ở Argentina, Colombia, Ecuador và Mexico - các công ty môi giới mang thai hộ đặc biệt nhắm mục tiêu đến những người gặp khó khăn về tài chính.

“Sau đại dịch, rất nhiều phụ nữ mất việc làm. Họ tìm kiếm những phụ nữ độc thân có con đang rất cần hỗ trợ kinh tế”, cô mô tả quá trình này giống như một hình thức buôn người.

Quá trình mang thai hộ cũng đòi hỏi khắt khe về thể chất và tâm lý, và trong khi hầu hết các công ty môi giới yêu cầu những người mang thai hộ tiềm năng phải trải qua kiểm tra sức khỏe thể chất và tinh thần trước khi tham gia thỏa thuận. Nếu quy trình này không làm cẩn thận, dễ dẫn đến việc ngược đãi.

“Không có tiêu chuẩn quốc tế và các chương trình mới đang được tung ra ở những nơi không được kiểm soát”, Everingham nói.

Một số quốc gia hiện đang cố gắng khắc phục những thiếu sót này. Ví dụ, tại Vương quốc Anh, các cơ quan quản lý đang tiến hành đánh giá để cải thiện các biện pháp bảo vệ việc mang thai hộ trong nước.

“Mặc dù chúng ta khó có thể can thiệp để thay đổi luật mang thai hộ ở nước ngoài, nhưng những gì chúng ta có thể làm là đảm bảo rằng chế độ ở Anh được quản lý tốt và vì lợi ích tốt nhất của đứa trẻ, người mang thai hộ và các cặp đôi muốn có con”, giáo sư luật gia đình Nick Hopkins, ủy viên tại Ủy ban Pháp luật của Anh và xứ Wales, cho biết.

Trong 3 quý đầu năm 2022, hơn 400 trường hợp mang thai hộ đã diễn ra ở Anh. Theo Ủy ban Pháp luật, số trẻ em sinh ra nhờ mang thai hộ ngày nay có thể cao hơn gấp 10 lần so với một thập kỷ trước.

Nhưng không có sự phối hợp quốc tế, Lauragh cho biết trách nhiệm của các cặp đôi muốn nhờ mang thai hộ là phải nghiên cứu và đảm bảo rằng các bà mẹ mang thai hộ được đối xử công bằng.

Trong khi đó, Dilara cho biết hành trình mang thai hộ của cô vẫn đang tiếp diễn.

"Nếu có một bệnh viện tốt và họ trả giá tốt cho tôi, tất nhiên tôi sẽ muốn mang thai hộ", cô nói.

Theo Minh Nhật

Thể thao văn hóa

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên