MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người phụ nữ Nam Á đầu tiên lên không gian: “Tôi sống để bay vào không gian và khi chết cũng sẽ về với vũ trụ”

10-03-2022 - 08:42 AM | Tài chính quốc tế

Người phụ nữ Nam Á đầu tiên lên không gian: “Tôi sống để bay vào không gian và khi chết cũng sẽ về với vũ trụ”

Kalpana Chawla là người phụ nữ gốc Ấn Độ đầu tiên cũng là người phụ nữ Nam Á đầu tiên bay vào vũ trụ. Mặc dù đã tử nạn trong thảm họa Tàu con thoi Columbia chấn động thế giới, hành trình trở thành phi hành gia NASA của Kalpana vẫn là một câu chuyện đầy cảm hứng.

Một ngôi sao le lói

Tại thị trấn nhỏ Karnal ở Haryana, Ấn Độ, một cặp vợ chồng dắt cô con gái nhỏ đến trường xin nhập học. Cô bé được ghi danh vào sổ nhập học của trường với tên gọi Kalpana, có nghĩa là "trí tưởng tượng".

Sinh ngày 17/3/1962, Kalpana nhập học sớm hơn 1 năm so với bạn bè đồng trang lứa. Là con gái út trong nhà, Kalpana lại tỏ ra thông minh xuất chúng khiến cha mẹ mong muốn con gái sớm được đến trường.

Khi bắt đầu đi học, Kalpana cũng thể hiện những suy nghĩ khác biệt của mình. Mẹ Kalpana đã sớm nhận ra niềm yêu thích của con gái với không gian bên ngoài trái đất. Bà thường thấy Kalpana nằm dài ngắm bầu trời rộng mở và nhìn chăm chú vào các vì sao trong hàng giờ đồng hồ.

Lên lớp 10, suy nghĩ bất chợt trong một buổi học của Kalpana lại trở thành hiện thực sau này. Trong tiết Toán học, giáo viên đã giải thích khái niệm tập hợp rỗng trong đại số bằng một ví dụ. Các nữ phi hành gia của Ấn Độ là một ví dụ dễ hiểu nhất về tập hợp rỗng. Đó là bởi vì chưa một nữ phi hành gia Ấn Độ nào bay vào vũ trụ.

Kalpana khi đó chậm rãi nói rằng có thể một vài năm nữa sẽ có người làm được. Khi ấy, các nữ phi hành gia của Ấn Độ sẽ không còn là ví dụ của tập hợp rỗng nữa. Các học sinh khác nhìn Kalpana đầy ngạc nhiên, nhưng những gì Kalpana nói đã trở thành sự thật.

Bền bỉ theo đuổi ước mơ

Mặc dù cha mẹ khuyên ngăn Kalpana nên lựa chọn trở thành bác sĩ hoặc giáo viên thay vì ngành kỹ thuật đầy xa lạ với nữ giới, Kalpana vẫn kiên quyết với lựa chọn của mình. Cô đã chọn ngành kỹ thuật hàng không, một ngành không có nữ sinh theo học ở thời điểm đó.

Sau khi lấy tấm bằng Cử nhân Kỹ thuật Hàng không của Đại học Kỹ thuật Punjab, Kalpana chuyển đến Mỹ để hoàn thành chương trình Thạc sĩ về Kỹ thuật hàng không vũ trụ của Đại học Texas. Năm 1986, cô lấy tấm bằng thạc sĩ thứ hai và cũng có bằng tiến sĩ trong cùng lĩnh vực. Năm 1988, Kalpana bắt đầu công việc mơ ước tại NASA.

Phần lớn nghiên cứu của Kalpana được đưa vào các tạp chí kỹ thuật và báo cáo hội nghị. Năm 1993, cô gia nhập Overset Method với tư cách là Phó chủ tịch kiêm Nhà khoa học nghiên cứu chuyên về mô phỏng cử động cơ thể. Sau khi nhập quốc tịch Mỹ vào tháng 4/1991, Kalpana nộp đơn xin gia nhập Quân đoàn Phi hành gia NASA.

Hiện thực hóa ước mơ

Sau bao năm tháng miệt mài kiên trì với ước mơ vươn ra vũ trụ, Kalpana đã có cơ hội đầu tiên tham gia vào sứ mệnh STS-87 của Tàu con thoi Columbia năm 1997. Cùng với một phi hành đoàn gồm 6 người, Kalpana Chawla đã hiện thực hóa khát khao được bay vào không gian vào ngày 19/11/1997. Cô đã dành 372 giờ làm việc để triển khai vệ tinh Spartan. Cô trở về Trái Đất ngày 5/12/1997.

Năm 2001, Kalpana có cơ hội thứ hai để tham gia cùng phi hành đoàn của STS-107. Tàu con thoi Colombia đã bay vào vũ trụ ngày 16/1/2003, chở theo một phi hành đoàn gồm 7 phi hành gia. Họ đã có một cuộc hành trình kéo dài 16 ngày và hoàn thành hơn 80 thí nghiệm về Trái đất, khoa học không gian, công nghệ và sức khỏe phi hành gia.

Nhưng chẳng may, ngày 1/2/2003, chuyến tàu chở Kalpana cùng phi hành đoàn trở về trái đất đã gặp tai nạn khiến cả thế giới không khỏi bàng hoàng thương tiếc. Chỉ còn 16 phút trước khi con tàu đáp xuống Trung tâm không gian Kennedy, tàu con thoi Columbia đã phát nổ trên bầu trời Texas khi tiến vào bầu khí quyển của Trái Đất. Toàn bộ phi hành đoàn, trong đó có Kalpana, đã tử nạn.

Người phụ nữ Nam Á đầu tiên lên không gian: “Tôi sống để bay vào không gian và khi chết cũng sẽ về với vũ trụ” - Ảnh 1.

Phi hành đoàn STS-107 (Kalpana Chawla ở giữa)

Ngôi sao sáng trên bầu trời

Kalpana và các cộng sự đã được vinh danh vì những cống hiến của họ cho khoa học. Riêng đối với Kalpana Chawla, cô đã trở thành một ngọn hải đăng chiếu sáng hy vọng cho các cô gái ở Ấn Độ.

Từ cô bé sinh ra ở thị trấn nhỏ của Ấn Độ đến một phi hành gia chạm tới các vì sao, Kalpana đã khẳng định với mọi người rằng với ý chí quyết tâm và sự siêng năng, mọi ước mơ đều có thể thành hiện thực.

Một năm rưỡi sau thảm họa tàu Columbia vỡ vụn khi vừa hoàn thành sứ mệnh, chính quyền New York đã quyết định lấy tên của phi hành gia người Mỹ gốc Ấn Kalpana Chawla đặt cho một con phố để tôn vinh những đóng góp của cô.

Giải thưởng Kalpana Chawla cũng được Chính phủ Karnataka thiết lập vào năm 2004 để công nhận các nhà khoa học nữ trẻ tuổi. Ngoài ra, nhiều quỹ học bổng và giải thưởng khuyến khích sinh viên cũng được đặt theo tên của cô. Tên gọi Kalpana Chawla cũng được đặt cho tiểu hành tinh 51826 Kalpana Chawla và miệng núi lửa Mặt trăng Chawla.

Kalpana Chawla luôn nói rằng cô được sinh ra để bay vào không gian và cô cũng sẽ ra đi trong vũ trụ ấy. Kalpana đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình và từ biệt thế giới. Từ đó, một ngôi sao mới tỏa sáng rực rỡ trên bầu trời.

https://cafef.vn/nguoi-phu-nu-nam-a-dau-tien-len-khong-gian-toi-song-de-bay-vao-khong-gian-va-khi-chet-cung-se-ve-voi-vu-tru-20220309162135112.chn

Thiên Di

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên