Người phụ nữ này tưởng mình bị sưng mắt do dị ứng nhưng hóa ra đó lại là triệu chứng của bệnh về mắt có liên quan tuyến giáp
Hiện tại, người phụ nữ này vẫn đang trong quá trình hồi phục sau cuộc phẫu thuật cho cả hai mắt.
- 15-11-2020BS dinh dưỡng: Người bị tiểu đường, mỡ máu cao nên chọn cà tím làm "bảo bối" trên bàn ăn
- 15-11-2020Món cá gây ung thư cao số 1 mà WHO cảnh báo hóa ra lại chính là "món ngon" hàng ngàn gia đình yêu thích
- 15-11-2020Nhiều nghiên cứu công bố tác dụng ngừa ung thư từ sữa chua nhưng để đạt hiệu quả bạn cần ăn theo 4 cách này
Vào tháng 11/2016, Karen Mathews cảm thấy cực kỳ mệt mỏi đến nỗi khó thể cúi người buộc dây giày. Vào thời điểm đó, người phụ nữ này đang phải làm việc 10 tiếng mỗi ngày, từ 6-7 ngày một tuần với tư cách là người vận hành robot tại một công ty sản xuất ô tô. Do làm việc trong nhiều giờ như vậy, Karen đã nghĩ mệt mỏi là hiện tượng rất bình thường.
Vào đầu tháng 12, các triệu chứng ngày một gia tăng. Cô chia sẻ: “Tôi bắt đầu bị run tay. Sau đó, một buổi tối nọ, tôi yếu đến mức không thể đứng dậy ra khỏi bồn tắm. Tôi đã phải nghỉ giải lao trong khi chuẩn bị cho công việc vào buổi sáng vì quá kiệt sức. Dù vậy, một lần nữa tôi vẫn nghĩ điều này là do làm việc quá sức”.
Tới tháng 1/2017, Karen cảm thấy cơ thể rất lạ khi đang làm việc nên đã đến phòng y tế ở công ty để đo huyết áp. Nhịp tim lúc nghỉ ngơi là 155 nhịp mỗi phút khiến cô hoảng hốt. Người phụ nữ này vội vàng gọi cấp cứu và được đưa đến bệnh viện.
Karen đã chia sẻ bức ảnh này sau khi được đưa đi cấp cứu với lời nhắn: "Tôi đã giảm hơn 3 kg trong vòng một tuần".
Sau khi xem kết quả xét nghiệm máu và xét nghiệm hình ảnh, bác sĩ chẩn đoán cô đang phải đối mặt với bệnh Graves, bệnh tự miễn khiến các kháng thể tấn công tuyến giáp và kích thích sản xuất hormone tuyến giáp trong cơ thể, dẫn đến tình trạng cường giáp. Tuy nhiên, mọi chuyện không hề dừng lại ở đó.
Dưới đây là những lời chia sẻ của Karen về hành trình phát hiện và điều trị bệnh nhãn giáp trong suốt những năm qua:
Hiện tượng bất thường
Vào tháng 3/2017, khoảng bốn tháng sau được chẩn đoán mắc bệnh Graves, tôi bắt đầu cảm thấy mắt có vấn đề. Một buổi sáng nọ, mí mắt trên của tôi sưng lên và đỏ. Mặc dù thường không bị dị ứng theo mùa vào thời điểm đó trong năm, tôi cho rằng đây là nguyên nhân vì dùng thuốc dị ứng đã làm dịu vết sưng một chút.
Mắt tôi cũng mỏi và cảm thấy có sạn ở bên trong. Nếu dụi mắt, các mạch máu có lẽ sẽ vỡ ra. Một người bạn cho rằng đây là điều bình thường vì đôi khi cô ấy cũng gặp phải hiện tượng như vậy.
Dấu hiệu nguy hiểm
Mãi đến giữa tháng 4/2017, Karen mới nhận ra có điều gì đó thực sự không ổn.
Vào ngày cuối tuần, cháu gái của tôi tới chơi và hoảng hốt khi nhìn vào mắt tôi. Lúc đó, tôi biết rằng những thay đổi trong mắt là có thật và đáng chú ý.
Ngay sau đó, tôi đến khám bác sĩ. Tôi thậm chí còn mang những bức ảnh cũ của mình để so sánh với ảnh chụp gần đây. Một bức ảnh chụp nghiêng cho thấy mắt phải bị lồi ra đáng kể. Tuy nhiên, bác sĩ lại cho rằng những bức ảnh đó trông khác nhau vì được chụp ở nhiều góc độ. Tôi rời khỏi phòng khám và không nhận được bất kỳ câu trả lời nào.
Tự tìm hiểu
Khi về nhà, tôi bắt đầu tìm kiếm trên Google với các từ khóa “mắt lồi” và “sụp mí mắt”. Tôi phát hiện ra bệnh Grave còn có tên gọi khác là bệnh nhãn giáp (TED). Mí mắt sưng húp, cảm giác có sạn trong mắt và lồi mắt đều do sưng, phản ứng miễn dịch ảnh hưởng tới các cơ và mô xung quanh mắt.
Theo Hiệp hội về Bệnh tuyến giáp Hoa Kỳ, 50% những người mắc bệnh Graves gặp phải các triệu chứng về mắt, chủ yếu trong vòng 6 tháng sau khi được chẩn đoán. Nguyên nhân có thể là do loại kháng thể tấn công tuyến giáp tác động tới mắt.
Để khẳng định chắc chắn, tôi đã tới gặp một chuyên gia về mắt, người thường điều trị cho các bệnh nhân mắc TED. Trong lần khám thứ nhất, bác sĩ chưa thể đưa ra kết luận và cho rằng nếu có mắc thì cũng chỉ là trường hợp nhẹ nên đã hẹn tôi tái khám sau 6 tháng.
Khi trở lại, họ nói không có cách nào để chữa mí mắt bị sưng và lồi. Nói cách khác, tôi chỉ còn cách sống chung với chúng. Tôi hoàn toàn suy sụp và khóc trên đường về nhà.
Mỗi lần nhìn vào gương lại gây tổn thương về tinh thần. Tôi trở thành người sống ẩn dật và thậm chí sợ ra khỏi nhà. Điều này kết hợp với việc tăng cân do dùng thuốc điều trị tuyến giáp đã phá hủy sự tự tin của tôi. Khi phải ra ngoài, tôi đeo tận kính hai tròng và cố gắng che mắt phải bằng tóc.
Chẩn đoán muộn màng
Vào giữa năm 2018, cuối cùng tôi cũng được chẩn đoán mắc bệnh nhãn giáp. Tôi chỉ còn cách theo dõi và chờ đợi. Thông thường, trong trường hợp nhẹ, khu vực bị sưng có thể được cải thiện trong vòng nửa năm đến hai năm. Trái lại, nếu bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm, phẫu thuật là việc làm cần thiết. Trong khoảng thời gian này, tôi bắt đầu sử dụng thuốc nhỏ mắt để chữa khô mắt.
Sau ba năm phải vật lộn với bệnh nhãn giáp, hiện tại người phụ nữ này đã có thể tự tin nhìn mình trong gương.
Vào tháng 7/2020, tôi bay đến California để phẫu thuật cả hai mắt. Khi đó, tình trạng của tôi đã được kiểm soát, mắt vẫn như vậy trong một năm rưỡi. Triệu chứng sưng ở mí mắt đã giảm bớt nhưng mỡ thừa lại xuất hiện ở má và mí mắt vẫn phồng. Hình dạng mắt của tôi cũng đã thay đổi sau khi các cơ thắt lại.
Tôi vẫn chọn phẫu thuật vì muốn nhận ra mình trong gương một lần nữa. Để trả lại hình dạng bình thường cho đôi mắt, bác sĩ đã phẫu thuật giảm áp hốc mắt cho cả hai mắt, sửa mí mắt đồng thời loại bỏ mỡ thừa ở hai bên mặt. Hiện tại, tôi vẫn đang trong quá trình hồi phục và có thể mất đến ba tháng để biết được kết quả cuối cùng. Dù vậy, tôi đã có thể nhận ra mình trong gương thay vì một người xa lạ.
Trải nghiệm này đã giúp tôi rút ra bài học quý giá. Nếu bạn cảm thấy cơ thể có điều gì đó không ổn nhưng bác sĩ lại phủ nhận điều này, hãy tự nghiên cứu và hỏi ý kiến từ những chuyên gia khác. Hãy tìm một người sẵn sàng lắng nghe và hiểu những gì bạn đang trải qua. Bạn không hề lạc lõng.
(Nguồn: Pre)
Pháp luật và Bạn đọc