Người phụ nữ nhận được hơn 2,4 tỷ đồng tiền chuyển khoản nhầm, muốn trả lại ngay nhưng bị tòa án ngăn lại vì 1 lý do
Nhận được khoản tiền lạ, người phụ nữ Trung Quốc đến ngân hàng rút tiền trả cho đối phương nhưng lại phát hiện tài khoản của mình đã bị phong tỏa.
- 13-10-2024Đến ngân hàng yêu cầu tăng hạn mức chuyển tiền lên 351 tỷ đồng/ngày, người đàn ông nghe nhân viên nói 1 câu liền rút toàn bộ tiền gửi: Chủ tịch ngân hàng phải đến xin lỗi
- 12-10-2024Biết rõ khách hàng là kẻ lừa đảo, nữ nhân viên ngân hàng vẫn giúp đối phương rút hơn 1,7 tỷ đồng: Vài ngày sau bất ngờ được cảnh sát khen thưởng
- 11-10-2024Phát hiện số dư tài khoản đang từ hơn 386 tỷ đồng bỗng đột ngột về 0, người đàn ông đến ngân hàng hỏi nguyên do thì được thông báo: "Chúng tôi đã trả nợ giúp anh rồi”
Vào tháng 6 năm 2022, chị Lý, một giáo viên ở quận Thanh Sơn, thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, bất ngờ nhận được cuộc gọi từ một đầu số lạ. Đối phương họ Trương, là phụ huynh của một học sinh mà chị Lý từng dạy đàn 1 năm trước.
Ông Trương cho biết ngày hôm đó, ông có chuyển khoản hơn 700.000 NDT (hơn 2,4 tỷ đồng) để trả khoản vay cho một người bạn. Trùng hợp là người này lại cùng tên, cùng họ với cô giáo Lý. Trước đó, ông Trương từng lưu tài khoản của chị Lý trong app ngân hàng khi chuyển khoản tiền học cho con. Vậy nên lần này khi thực hiện giao dịch, ông Trương vì không để ý nên đã chuyển nhầm 700.000 NDT nói trên vào tài khoản của chị Lý thay vì bạn mình.
Sau khi được phụ huynh học sinh liên hệ và giải thích sự việc, chị Lý đã đồng ý trả lại số tiền mà đối phương đã chuyển nhầm. Tuy nhiên, khi cả hai cùng đến ngân hàng địa phương để rút tiền, họ lại nhận được nhân viên thông báo rằng tài khoản của chị Lý đã bị tòa án quận Thanh Sơn yêu cầu phong tỏa do liên quan đến một khoản nợ chưa thanh toán. Do đó, sự việc này vẫn chưa thể giải quyết ngay được.
Không còn cách nào khác, ông Trương và chị Lý đành phải trực tiếp đến tòa án địa phương để xin được giúp đỡ. Thẩm phán cho biết với các vụ việc chuyển nhầm tiền thông thường, người chuyển nhầm tiền chỉ cần thông báo ngay cho ngân hàng để tra soát giao dịch. Nếu xác minh được việc giao dịch là nhầm lẫn, ngân hàng sẽ liên hệ với người nhận và yêu cầu họ chuyển hoàn lại.
Trong trường hợp người nhận nhầm không tự nguyện giao trả thì có thể bị cưỡng chế theo bản án, quyết định của tòa án trong khuôn khổ vụ kiện đòi lại tài sản. Nếu cố ý chiếm đoạt tài sản nhận nhầm thì có thể bị xử lý hình sự về tội chiếm giữ trái phép tài sản. Tuy nhiên, trường hợp của ông Trương lại không đơn giản như vậy do tài khoản ngân hàng của người nhận là chị Lý đã bị đóng băng.
Lúc này, chị Lý xin tòa án tạm thời hủy bỏ lệnh phong tỏa tài khoản để trả lại tiền chuyển nhầm cho ông Trương. Tuy nhiên, yêu cầu này đã bị thẩm phán tòa án bác bỏ. Về mặt pháp lý, sau khi chuyển khoản nhầm, số tiền của ông Trương đã đổi chủ. Nếu ông Trương muốn lấy lại số tiền trên thì phải dùng các kênh hợp pháp khởi kiện chị Lý và yêu cầu trả lại tiền.
Trong trường hợp chị Lý có nhiều khoản nợ, ông Trương cũng được hưởng quyền của chủ nợ, ngang bằng với quyền của các chủ nợ khác. Trong quá trình thi hành án, chủ nợ nào yêu cầu trả trước sẽ được xử lý trước. Sau khi trao đổi kỹ càng, ông Trương làm theo lời khuyên của thẩm phán và khởi kiện chị Lý ra tòa, yêu cầu đối phương trả lại số tiền 700.000 NDT đã chuyển nhầm. Vụ kiện này được Tòa án quận Thanh Sơn tiếp nhận và tiến hành xét xử. Kết quả, tòa tuyên án chị Lý phải trả lại tiền cho ông Trương và số tiền 700.000 NDT bị chuyển nhầm đã được trả lại chủ nhân của nó.
Hiện nay, giao dịch chuyển tiền online đã trở nên rất phổ biến với người dùng. Dù rất tiện lợi và nhanh chóng nhưng quá trình giao dịch vẫn sẽ có những sự cố nhầm lẫn, chuyển tiền sai số tài khoản. Để hạn chế tình trạng này, khách hàng cần lưu ý nhập chính xác số tài khoản thụ hưởng. Kiểm tra lại thông tin của người nhận trước khi chuyển tiền bao gồm họ tên, số tài khoản, tên ngân hàng thụ hưởng. Trong trường hợp chuyển tiền với số tiền lớn, người dùng có thể đến trực tiếp tại quầy giao dịch để được hỗ trợ, tránh xảy ra sai sót không đáng có.
(Theo Baiyin.gov.cn)
Nhịp sống thị trường