Người phụ nữ ở Hà Nội nhập viện cấp cứu sau khi ăn rau muống: Chuyên gia chỉ ra 2 yếu tố tăng nguy cơ
Sau bữa cơm với rau muống tự trồng, người phụ nữ đã phải nhập viện cấp cứu vì ngộ độc.
- 07-06-2024Người đàn ông 56 tuổi chỉ ăn rau, không ăn cơm, sau nửa năm đi khám, nhận kết quả bất ngờ
- 19-04-2024Ăn rau đúng cách mới có lợi: 4 loại rau củ không nên ăn quá nhiều và hằng ngày, cà chua đứng đầu danh sách
- 24-08-2023Chỉ cần làm thêm 1 bước đơn giản này khi ăn rau quả, cơ thể bạn sẽ có "liều thuốc bổ" cực mạnh
Bà Nguyễn Hồng Mai (64 tuổi, tại Nam Từ Liêm, Hà Nội) vừa được xuất viện sau khi điều trị ngộ độc thức ăn. Bà Mai không ngờ rằng nguyên nhân gây ngộ độc lại đến từ món rau bà chăm sóc hàng ngày.
Bà Mai sống cùng con gái, gần nơi bà sống có một bãi đất trống nên bà đã tận dụng để trồng rau theo mùa. Bà nghĩ rau mình tự trồng sẽ an toàn, khi ăn không sợ có thuốc trừ sâu hay phân bón hóa học.
Vào mùa hè mưa nhiều, bãi đất trũng nên bà Mai đã trồng rau muống. Sau mỗi trận mưa, rau của bà Mai trồng phát triển tốt. Tranh thủ rau còn non nên bà đã hái và ăn rau muống vài ngày liên tục.
Bà Mai chia sẻ các con đi làm cả ngày, thường chỉ ăn tối ở nhà nên rau muống chủ yếu là bà ăn. Tới ngày 5/7, bà Mai bị đau bụng, đi ngoài phân lỏng và nôn rất nhiều. Các con đã nhanh chóng đưa bà tới viện thăm khám.
Theo bà Mai, buổi tối hôm đó, bà có ăn rau muống xào, để giòn và ngon hơn bà chỉ xào tái qua và ăn ngay khi còn nóng. Ngoài ra, trong bữa cơm còn có các món khác như thịt luộc, lạc rang.
Tại bệnh viện, qua xét nghiệm các bác sĩ kết luận nguyên nhân gây bệnh của bà Mai là do ngộ độc, nhiễm khuẩn đường ruột. Món ăn được nghi ngờ gây ngộ độc chính là rau muống. Trong bữa ăn hôm đó, bà Mai là người ăn nhiều rau muống nhất nên bị ngộ độc nặng, phải nhập viện. Các thành viên khác trong gia đình ăn ít nên chỉ bị đau bụng, đi ngoài nhẹ.
Đất và nước không đảm bảo, rau có nguy cơ nhiễm chất độc hại
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia về Công nghệ thực phẩm, ăn rau muống hoàn toàn có thể gây ra tình huống ngộ độc nếu rau không đảm bảo an toàn. Ngay cả rau tự trồng, không phun thuốc, bón phân cũng chưa chắc đã an toàn. Nguyên nhân là do nguồn đất, nguồn nước, thậm chí chất lượng không khí có thể ảnh hưởng đến chất lượng của rau.
Trường hợp trồng rau ở nơi ngập úng, nước tù đọng sẽ có nhiều vi khuẩn gây hại phát triển. Khi mưa gây ngập nước, rau dù phát triển tốt nhưng cũng sẽ hấp thu nhiều chất độc hại từ đất và nước, từ đó gây ảnh hưởng tới chất lượng của rau.
Ngoài ra, do rau muống có thân đốt nên vi khuẩn, ký sinh trùng dễ xâm nhập vào trong các đốt rau, kẽ lá. Việc rửa rau thông thường không thể loại bỏ sạch hoàn toàn các tác nhân gây bệnh này. Thêm nữa, nếu rau không chế biến, nấu chín kỹ thì cũng có thể gây hại cho sức khỏe.
Ăn rau xào tái tăng nguy cơ nhiễm ký sinh trùng
Theo PGS Thịnh, nhiều người có sở thích ăn rau nấu tái, xào tái để rau có độ giòn. Cách chế biến này không tạo ra đủ nhiệt độ để tiêu diệt ký sinh trùng, vi khuẩn. Đây cũng là lý do gây ngộ độc, tiêu chảy.
Chuyên gia khuyến cáo việc đảm bảo ăn chín, uống sôi là rất quan trọng. Người dân tuyệt đối không ăn thức ăn nấu tái sống, nhất là các loại rau mua ngoài chợ, rau trồng ở nơi có nguồn đất, nguồn nước bị ô nhiễm.
"Đa số các vi khuẩn, ký sinh trùng thông thường sẽ bị tiêu diệt khi ở nhiệt độ 100 độ C. Vì thế, việc nấu chín thực phẩm sẽ hạn chế được nguy cơ ngộ độc hoặc nhiễm ký sinh trùng", ông Thịnh cho biết.
Đời sống & pháp luật