Người tiêu dùng không quan tâm "Made in Vietnam" hay sản xuất tại Mỹ và Tổng thống Trump không thích điều này
Trong rất nhiều các cuộc khảo sát, những người Mỹ được phỏng vấn luôn nói rằng họ ưa thích mua sản phẩm được làm từ Mỹ hơn, nhưng khi bắt đầu phải rút ví tiền, câu chuyện lại hoàn toàn khác.
- 15-03-2017Ông Trump thu nhập 150 triệu USD năm 2005
- 15-03-2017Trump đang dần từ bỏ Trung Quốc, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung rồi sẽ đi về đâu?
- 15-03-2017Ông Trump sẽ quyên góp lương vào cuối năm
Bà Cathy Paraggio là một phụ nữ Mỹ chuộng hàng Mỹ. Bà luôn kiểm tra bất cứ thứ gì mình mua xem chúng được sản xuất tại đâu trước khi rút ví. Thậm chí, người phụ nữ này có quan điểm bảo hộ sản phẩm Mỹ từ trước khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền với phương châm dùng hàng Mỹ, thuê lao động Mỹ.
Tuy nhiên, mọi chuyện bắt đầu thay đổi từ năm 2012 khi bà Paraggio mở một thương hiệu quần áo đi biển cho nam giới mang tên Nonetz với ưu điểm dành cho da nhạy cảm, chống phát ban hay mẩn ngứa.
Ban đầu, bà Paraggio định sản xuất sản phẩm tại Mỹ và thậm chí đã tìm được nhà cung ứng MCM Enterprise tại Brooklyn.
Tuy nhiên, một sự thật trớ trêu là sản xuất cùng một bộ đồ bơi tại Trung Quốc và chuyển đến văn phòng của bà Paraggio chỉ mất tổng cộng chưa đến 10 USD/bộ, trong khi nếu sản xuất tại Brooklyn, khách hàng sẽ phải trả 20 USD/bộ.
"Nếu sản xuất tại Mỹ, chúng tôi sẽ phải tốn thêm tiền", bà Paraggio nói.
Theo bà Paraggio, ý tưởng “Made in America” khiến bà giống một kẻ ngốc trong kinh doanh, nhưng vị nữ doanh nhân này vẫn đặt hàng tại Mỹ vì cho rằng người tiêu dùng sẽ quan tâm sản phẩm được làm tại đâu.
Trớ trêu thay, hầu như chẳng người Mỹ nào quan tâm xem họ mua hàng được sản xuất tại đâu mà chỉ để ý đến giá cả. Hậu quả là bà Paraggio buộc phải chuyển các đơn hàng cung ứng sang phía Trung Quốc.
Bà Paraggio cho biết mình đã thực sự rơi lệ khi các tư vấn tài chính cho biết bà nên nhìn vào thực tế chứ không nên hão huyền với các mác “Made in America”.
Ví dụ của bà Paraggio điển hình cho thị trường hiện nay tại Mỹ. Tổng thống Trump là người cổ xúy phong trào mua hàng Mỹ, dùng người Mỹ nhưng có một thực tế là chẳng người tiêu dùng Mỹ nào quan tâm xem sản phẩm được làm ở đâu. Cái mà họ nhìn trước tiên luôn là giá cả.
Khi tấm bìa in giá quan trọng hơn cái mác sản xuất
Trong rất nhiều các cuộc khảo sát, những người Mỹ được phỏng vấn luôn nói rằng họ ưa thích mua sản phẩm được làm từ Mỹ hơn, nhưng khi bắt đầu phải rút ví tiền, câu chuyện lại hoàn toàn khác.
“Người tiêu dùng Mỹ luôn nói muốn dùng hàng Mỹ cho đến khi họ bắt đầu phải rút ví thanh toán”, chuyên gia Greg Portell của hãng AT Kearney nhận định.
Người dân Mỹ đã quen với những sản phẩm giá rẻ sau nhiều năm mua sắm tại các cửa hàng bán lẻ giảm giá như Walmart hay Target. Nói chung, hãng tin CNN cho rằng người tiêu dùng Mỹ chỉ mua sản phẩm của Mỹ nếu chúng không quá đắt hơn các hàng hóa cùng loại được làm từ Việt Nam, Trung Quốc hay Đức.
Trường hợp của bà Paraggio là một ví dụ điển hình khi vị nữ doanh nhân này luôn nhận được phản hồi tích cực của khách hàng về chất lượng sản phẩm nhưng tất cả mọi người đều e ngại khi nhìn vào mức giá.
Khảo sát của Asociated Press GFK vào năm 2016 cho thấy có đến 75% số người tiêu dùng Mỹ muốn mua hàng nội địa, nhưng ưu tiên mua hàng của họ lại là mức giá chứ không phải xuất xứ.
Một nghiên cứu khác của hãng tư vấn Boston Consulting Group (BCG) cho thấy vấn đề phức tạp hơn một chút. Đúng là người Mỹ vẫn quan tâm đến chất lượng sản phẩm và xuất xứ khi đi siêu thị, nhưng giá cả sẽ chiếm yếu tố chủ chốt khi sự chênh lệch quá xa với chất lượng không khác mấy.
Báo cáo của BCG chỉ ra rằng 85% người tiêu dùng Mỹ nhận định hàng trong nước có chất lượng tốt hơn hàng ngoại, đồng thời chấp nhận trả đắt hơn cho một số sản phẩm như sữa bột trẻ em. Tuy nhiên, những sản phẩm như giày dép thì họ chấp nhận mua của nước ngoài với giá rẻ hơn.
Hô hào khẩu hiệu không là chưa đủ
Rõ ràng, Tổng thống Trump cũng hiểu rõ bài toán lợi nhuận này khi dòng thương hiệu quần áo mang tên ông được sản xuất tại Trung Quốc.
Ông Chung Yu là chủ của nhà máy may mặc MCM tại Brooklyn và là cơ sở sản xuất cho Nonetz của bà Paraggio. Người đàn ông này đã làm trong ngành được 35 năm nhưng ngày một lo lắng hơn cho chuyện kinh doanh ở Mỹ khi chi phí nhân công tăng cao.
Theo đó, quy định của thành phố New York, bao gồm quận Brooklyn, là mức lương tối thiểu sẽ phải đạt 11 USD/giờ cho các doanh nghiệp có 11 lao động trở lên. Con số này sẽ lên đến 15 USD/giờ vào năm 2018.
“Tại Trung Quốc, mức lương tối thiểu chỉ khoảng 2-3 USD/giờ và thậm chí Trung Quốc giờ đây cũng đã trở nên đắt đỏ. Các nhà bán lẻ hiện nay đang tìm đến những nguồn cung rẻ hơn như Bangladesh”, ông Yu nói.
Ông Chung YU và nhà máy MCM tại Brooklyn
Hiện MCM vẫn có nhiều đơn đặt hàng nhưng phần lớn là các hợp đồng nhỏ lẻ, vào khoảng dưới 300 sản phẩm. Phần lớn khách hàng của ông Yu là những thương hiệu nhỏ như NoNetz. Ông Yu thậm chí cho biết mình sẽ chuyển hướng sản xuất ra nước ngoài nếu lợi nhuận không còn đủ.
“Mọi người thường nghĩ rằng Made in America sẽ cho chất lượng tốt hơn nhưng điều đó không đúng. Trên thực tế, chúng phụ thuộc vào chất lượng máy móc cũng như nhân công”, ông Yu nói.
Hiện có rất nhiều tranh cãi về việc làm cách nào để Tổng thống Trump đưa ngành sản xuất trở lại Mỹ cùng với việc làm cho người lao động, nhất là khi công nghệ tự động hóa đang ngày một phát triển.
Nhiều chuyên gia cho rằng chính quyền Washington sẽ phải làm rất nhiều việc hơn là chỉ hô hào khẩu hiệu.
Nghiên cứu của BCG cho thấy xu thế chi phí nhân công tăng ở nhiều nước khiến một số ngành thực sự muốn quay lại Mỹ kinh doanh và sản xuất. Tuy nhiên may mặc cùng nhiều ngành cần lao động cao lại không nằm trong số đó.
“Làm sao bạn có thể mua một chiếc quần lửng chỉ với giá 5 USD mà chúng vẫn được sản xuất ở Mỹ được? Điều này hoàn toàn không thể. Hãy tin tôi bởi tôi đã từng thử làm rồi”, bà Paraggio nói.
Thời Đại