Người trẻ Mỹ mắc kẹt trong cuộc khủng hoảng lạm phát tồi tệ nhất kể từ những năm 1970: Do thế hệ các phụ huynh đã quá tham lam?
Theo phân tích của Business Insider, thế hệ các phụ huynh ở Mỹ đã khiến thị trường lao động thiếu nhân lực và "giữ khư khư" tài sản người trẻ khó làm giàu.
Thế hệ baby boomer ở Mỹ đang bước vào những năm tháng cuối đời. Và khi đi về “phía bên kia dốc núi”, họ đã bỏ lại sau lưng một nền kinh tế không sẵn sàng để đáp ứng nhu cầu của thế kỷ 21. Business Insider nhận định, trong vài thập kỷ qua, thế hệ này đã định hình thế giới theo hướng khiến cuộc khủng hoảng lạm phát càng tồi tệ hơn và các thế hệ tương lai tiếp tục rơi vào cảnh thiếu đủ thứ.
Nền kinh tế mà thế hệ boomer trải qua được đánh giá là yếu ớt, sức chi tiêu kém và được hình thành trong tình trạng thiếu nguồn cung. Dù lạm phát nay đã hạ nhiệt một chút, nhưng sự giàu có trong tương lai của thế hệ Y, Z hay những người trẻ hơn sẽ phụ thuộc vào việc gỡ bỏ “nút thắt cổ chai” của nền kinh tế do thế hệ các phụ huynh gây ra.
“Làn sóng nghỉ hưu”
Ngoài những tác động về kinh tế, một vấn đề phổ biến trong thời kỳ sau đại dịch là thiếu lao động. Khi Covid-19 xảy ra, nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này: thiếu người chăm sóc trẻ em, lo lắng mặc bệnh và nhu cầu mua sắm lớn bất ngờ khiến nhu cầu về nhân sự bị xáo trộn. Nhiều người cho rằng các gói hỗ trợ người dân trong đại dịch và bảo hiểm thất nghiệp tăng lên là nguyên nhân chính.
3 năm trôi qua, tình trạng thiếu lao động vẫn tiếp diễn. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở Mỹ vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở độ tuổi 25-54 rất gần so với mức trước đại dịch, trong khi độ tuổi từ 55 trở lên vẫn giảm đáng kể. Một bài báo về thị trường lao động của Fed đã phát hiện ra rằng số người về hưu tăng đã khiến gần như toàn bộ tỷ lệ tham gia lực lượng lao động đến tháng 10 sụt giảm.
Phân tích của nhóm chuyên gia của viện nghiên cứu Employ America vào tháng 11 cho thấy tỷ lệ tham gia của lao động bán thời gian từ 70 tuổi trở lên chiếm hơn 1 nửa mức sụt giảm trong việc làm của nhóm người lớn tuổi. Dù đây là tuổi nghỉ hưu, nhưng việc thế hệ boomer đồng loạt “lùi về hậu trường” lại dẫn đến tình trạng khó tìm người thay thế.
Theo các chuyên gia của Bank for International Settlements, cấu trúc tuổi của người dân và lạm phát có mối liên hệ cực kỳ chặt chẽ. Cụ thể là, nếu lạm phát diễn ra do mất cân bằng cung - cầu, thì số người về hưu tăng lên sẽ làm tăng nhu cầu với 1 số loại công việc thâm dụng lao động, được trả lương thấp trong khi khiến lực lượng lao động bị thu hẹp.
Thế hệ boomer làm thu hẹp lực lượng lao động
Thế hệ này có ít con hơn nhiều so với mỗi hộ gia đình của thế hệ trước. Kể từ khi thời kỳ “bùng nổ trẻ sơ sinh” năm 1960 kết thúc cho đến khi hầu hết thế hệ này tham gia lực lượng lao động vào cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980, tỷ lệ sinh của Mỹ đã giảm từ 3,7 ca sinh/phụ nữ xuống còn khoảng 2. Nguyên nhân có thể kể đến là nhiều phụ nữ học cao hơn và theo đuổi sự nghiệp thay vì chỉ chăm sóc gia đình.
Một cách để Mỹ bù đắp cho tỷ lệ sinh chậm lại đó là mở cửa cho lao động nhập cư. Tuy nhiên, các chính trị gia Mỹ từ lâu đã áp dụng những chính sách nhập cư rất gắt gao. Những người sinh ra từ cuối Thế chiến II đến khi Đạo luật Nhập cư năm 1965 được triển khai đã lớn lên trong bối cảnh người nhập cư sống trong điều kiện rất khó khăn, bởi vậy họ cũng không có quan điểm cởi mở với nhóm người này.
Theo đó, hậu quả của việc quy mô gia đình nhỏ hơn cùng chính sách nhập cư là lực lượng lao động thiếu hụt trầm trọng mà không có kế hoạch để cải thiện. Và nhu cầu về lao động tăng lên đã dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực và đẩy giá cả tăng cao.
Tình trạng thiếu hụt không chỉ dừng lại ở thị trường lao động
Thế hệ boomer đã có nhiều năm gây ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ. Một trong những lĩnh vực chịu tác động rõ ràng nhất chính là bất động sản. Vào năm 2019, những người thuộc thế hệ này, dù chỉ chiếm khoảng 22% dân số Mỹ nhưng sở hữu 42% số nhà ở nước này. Đặc biệt, họ cũng “thống trị” thị trường nhà ở ven biển.
Dù đang đồng loạt nghỉ hưu, nhưng thế hệ boomer tại Mỹ mới chỉ bắt đầu bán những ngôi nhà đã sở hữu trong lâu năm và không thu hẹp quy mô đủ nhanh để theo kịp nhu cầu. Trong khi đó, việc hình thành hộ gia đình đang tăng lên, khi thế hệ Y đang lập gia đình và ổn định cuộc sống. Dẫu vậy, những người ở độ tuổi cuối 20 và 30 gặp rất nhiều khó khăn vì không có đủ nhà để định cư gần các thị trường việc làm mạnh nhất.
Một số thành phố, như Houston và Atlanta, đã tung ra thêm nguồn cung nhưng nhiều nơi khác, đặc biệt là các đô thị ven biển giàu có như New York và San Francisco, thì lại không làm như vậy. Trong thời kỳ làm việc từ xa “lên ngôi”, thế hệ Y chán nản vì không đủ khả năng mua bất động sản các khu ven biển nên đã chuyển đến các thành phố nhỏ hơn.
Việc thời gian xây dựng ở các thị trường nhà ở được nhiều người săn đón nhất tại Mỹ bị kéo dài phần lớn là do các quy định phân vùng kiểm soát xem loại toà nhà nhà có thể được xây dựng và ở đâu. Những quy định này nhằm bảo tồn “điểm đặc biệt” của địa phương và ngăn chặn tình trạng xây dựng quá nhiều. Tuy nhiên, việc hạn chế số lượng nhà ở lại khiến giá cao ngất ngưởng.
Nhìn chung, thế hệ Y và Z chịu ảnh hưởng lớn nhất. Một “cuộc chiến” đã diễn ra giữa thế hệ chủ nhà lớn tuổi muốn gia tăng giá trị nhà của họ và những người đi thuê trẻ tuổi nỗ lực leo lên “nấc thang tài sản bằng nhà ở”.
Tham khảo BI
Nhịp sống thị trường
Sự kiện: Chuyển động thị trường
Xem tất cả >>- Dow Jones tăng dựng đứng 1.500 điểm, S&P 500 phá đỉnh mọi thời đại khi ông Trump đánh bại bà Harris
- Chứng khoán Mỹ tiếp tục phá đỉnh mọi thời đại, Dow Jones lần đầu tiên chọc thủng mốc 43.000: Tâm lý nhà đầu tư vẫn căng thẳng vì hàng loạt vấn đề nóng
- Chứng khoán Mỹ lập đỉnh chưa từng có trong lịch sử sau khi biên bản họp Fed được công bố, áp lực đè nén tâm lý nhà đầu tư dần được tháo gỡ
- Thị trường toàn cầu giật thót khi căng thẳng Trung Đông leo thang: Chứng khoán chìm trong sắc đỏ, giá dầu bật tăng
- Chứng khoán Mỹ tăng kỷ lục sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell lên tiếng về nền kinh tế và lãi suất