Người trẻ nên bước ra khỏi vùng an toàn thế nào?
Bạn có bao giờ tự hỏi chính mình rằng mình đã ở trong vùng thoải mái của bản thân bao lâu rồi không? Bạn có tự hỏi rằng tại sao mình vẫn chưa dám bước ra vùng an toàn để được vùng vẫy, để được sống với cuộc đời mình muốn?
- 09-09-2020Lo âu không phải yếu đuối, tức giận không phải mạnh mẽ: Chỉ khi hiểu được bản chất của cảm xúc, bạn mới kiểm soát được chính mình
- 09-09-2020Doanh nhân Đỗ Thùy Dương: Thời này không còn công việc ổn định cả đời, lộ trình thăng tiến theo năm, muốn thành công bạn chỉ có một cách duy nhất!
- 08-09-2020Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Chỉ khi từ bỏ được tiền tài, danh vọng và vật chất thì tâm trí mới tự do, mới thực sự hạnh phúc
Vùng an toàn luôn cho người ta cảm giác dễ chịu nhưng với người trẻ, vùng thoải mái này có thể giết chết sự can đảm, sự tò mò, hứng thú và sự bứt phá để chinh phục mục tiêu, giấc mơ của bản thân. Tuy nhiên, để biết cách vượt ra khỏi giới hạn của bản thân, bạn cần rất nhiều những chỉ dẫn và động lực.
Hiểu được những trăn trở của người trẻ về con đường tương lai, cuốn sách "Rạng danh tài trí Việt năm châu" truyền tải thông điệp không gì là không thể nếu chúng ta dám sống hết mình, dám tiến về phía trước. 21 câu chuyện về những gương mặt Việt đã và đang ghi dấu ấn về các thành tích học tập, nghiên cứu và khởi nghiệp ở khắp trời Tây - đều là những tấm gương vượt qua vùng an toàn của bản thân để tiến về phía trước.
1. Họ dám từ bỏ cuộc sống ổn định để dấn thân vào thử thách mới
Nếu đang có một vị trí cao trong tập đoàn đa quốc gia, một mức lương bao người ngưỡng mộ, liệu bạn có dám từ bỏ tất cả để bắt đầu bằng con số 0 cho giấc mơ của mình? Có người từng nói rằng, để trở nên vĩ đại, bạn cần biết chấp nhận hy sinh một điều gì đó. Họ là những con người đã ổn định cuộc sống nhưng họ cần thử thách mới, cần dấn thân nhiều hơn cho sứ mệnh cuộc đời, cho đam mê cháy bỏng luôn thôi thúc phải hành động.
Có một công việc ổn định tại Việt Nam với vị trí Giám đốc Quản lý khách hàng ở ngân hàng Anh quốc Standard Chartered, vậy mà Jennifer Nguyễn quyết định nghỉ để theo đuổi giấc mơ thạc sĩ tại xứ cờ hoa. “Việc đi du học không được sự hậu thuẫn từ gia đình cũng là một trải nghiệm khó khăn. Vì đi theo mong muốn mạnh mẽ của bản thân, mình thông báo cho bố mẹ là bố mẹ ơi, con có visa rồi, hai tuần nữa con bay đến Mỹ”. Chỉ vậy thôi, rồi Jennifer một mình xách vali lên để đến vùng trời xa, rất mới. Cho đến khi vật lộn với các công việc thực tập, việc làm thêm, việc học ở trường cùng với khoản tài chính eo hẹp mới làm cho Jennifer nhận ra - du học thực sự khó khăn như thế nào.”, giai đoạn đầu khó khăn của Jennifer được kể lại trong cuốn sách.
Cô gái trẻ đã chiến thắng qua 5 vòng phỏng vấn cam go trong một tháng trời để xông pha vị trí Quản lý dự của một startup về công nghệ tại Newport Beach, California. Nhận thấy dù có một công việc ổn định, mức lương cao nhưng trái tim và khối óc Jennifer lại không nằm trong lĩnh vực IT. Năm 2015, cô về Thung lũng Silicon để bắt đầu khởi sự công ty của mình - American Education Alliance (AEA) làm về lĩnh vực du học. Dù khó khăn về vốn và kinh nghiệm nhưng không nản chí, cô đã có được cho mình những thành quả bước đầu. Năm 2019, AEA có 98% các em du học đến Canada thành công và 90% học sinh du học thành công đến Mỹ.
Như Tôn, sáu năm cho một giấc mơ nhà hàng Việt tại New York.
“Mặc dù Mỹ đã trao cho chị tấm vé thông hành nhưng niềm vui vẫn chưa thực sự trọn vẹn vi khi qua tới nửa vòng bên kia trái đất, Như bị vỡ mộng ở chính nơi mình thực tập - Baton Rouge - một vùng quê hẻo lánh của Mỹ. “Nơi mình đến như ở quê, mỗi ngày trôi qua đều chậm chạp, đó không phải thứ mình muốn, cuộc sống thử thách bản thân mới là nơi mình cần tìm”, Như nhớ lại.
Với số tiền ít ỏi dành dụm được trong thời gian thực tập, Như bắt đầu đi xuyên Mỹ để khám phá thế giới, tìm kiếm cơ hội được ở lại Mỹ tiếp tục thử thách và chinh phục từng ngọn núi mà bản thân đã đặt ra. Cơ duyên đưa cô gái trẻ đến với New York, chị quyết định bắt đầu cuộc sống mới đầy chông gai và thử thách nhiều lần mà trước kia chưa bao giờ trải nghiệm” - Hành trình gian nan của Như Tôn trong "Sáu năm cho một nhà hàng Việt tại New York".
Nếu không trải qua khó khăn, nếu không vượt qua ý nghĩ tự tử nhiều lần vì quá áp lực thì Như Tôn sẽ không có được thành quả đáng tự hào sau sáu năm vật lộn tại Mỹ. Nhà hàng Cơm Tấm Ninh Kiều của cô đã lọt vào top 5 nhà hàng Việt tốt nhất thành phố New York theo Michelin Guide và top 1 Vietnamese restaurant theo Eater New York bình chọn.
2. Trở ngại, khó khăn để vượt qua chứ không phải để kêu ca
Trong cuộc sống, chắc hẳn tất cả chúng ta đều đã gặp không ít thất bại, khó khăn không dưới một lần. Người thành công và người thất bại khác nhau ở cách nhìn nhận khó khăn, cách đối diện với nó để vượt lên hay bỏ cuộc sẽ quyết định bạn là ai, bạn sẽ đạt được gì trong tương lai.
Những người thành công họ luôn tin rằng trở ngại, khó khăn để vượt qua chứ không phải để kêu ca. Chính những phút giây khó khăn sẽ khiến khoảnh khắc đạt được thành tựu trở nên vô giá hơn.
“Chân không đi được, tay bất lực, miệng nói không rõ chữ, một mình với chiếc xe lăn, Trần Mạnh Chánh Quân (sinh năm 1992) vẫn tự tin vươn ra thế giới và hơn thế, chàng trai quê Vũng Tàu còn trở thành “Người hùng thầm lặng” truyền cảm hứng mạnh mẽ tại Mỹ. Nghị lực và trí tuệ của Chánh Quân khiến người đối diện tin rằng bại não chỉ làm khó chàng trai trẻ nhưng mãi mãi không khuất phục được cậu. Quân luôn nghĩ đến việc giúp đỡ người khác thay vì đòi hỏi cộng đồng quan tâm tới mình.” , những dòng miêu tả Trần Mạnh Chánh Quân - “Người hùng thầm lặng” giữa đất Mỹ.
Chàng trai sinh thiếu tháng, đến 8,5 tháng mẹ nhận được kết quả chẩn đoán mắc chứng bại não. Những tưởng Quân sẽ khổ sở như thế nào nếu không có gia đình và người thân chăm sóc. Vậy mà sau khi phát hiện tố chất học hành của Quân sau một lần mẹ mua bảng chữ cái về cho học đã mở ra một con đường ánh sáng cho cả gia đình. Ban đầu bố mẹ không muốn cho Quân tới trường, nhưng ngay từ nhỏ Quân đã bộc lộ tính cầu tiến và hòa nhập.
Bất lực trong việc điều khiển tay, chân theo ý mình, không thể giao tiếp với thế giới theo cách bình thường như bao người nhưng Quân không đầu hàng. Với nỗ lực vượt bậc, cùng thành tích xuất sắc, Quân được trường Utica College ở New York (Mỹ) nhận vào học.
Trần Mạnh Chánh Quân - “Người hùng thầm lặng” trên đất Mỹ.
“Khi được hỏi về thử thách trong quá khứ, Ngọc Mỹ luôn trả lời bằng những bài học quý giá cô tích luỹ trong những năm tháng sống và học tập ở Hoa Kỳ. Món quà cô nhận được từ những trải nghiệm đó là sức chịu đựng, tinh thần lạc quan và cách nhìn vào khó khăn để tìm giải pháp thay vì lo lắng hay sợ hãi.
“Thời gian đầu sang Mỹ, đối mặt với cái lạnh âm 20, 30 độ C, sách vở cũng nhiều mà hàng ngày đều phải mang về để đọc và tra từ, cộng thêm quần áo thể thao, nên suốt một thời gian dài mình kéo vali trên đường phủ tuyết đi bộ tới trường. Trời Wisconsin quá lạnh, băng nhiều nên không thể đi xe đạp, thời điểm đó cũng chưa có phương tiện công cộng nên chỉ có cách đi bộ. Hàng ngày mình đến trường trước một tiếng để thay quần áo cho khô và cất vali trước khi vào lớp như các bạn” – Ngọc Mỹ nhớ lại.
Là học sinh quốc tế duy nhất của trường, Ngọc Mỹ đối mặt với rất nhiều rào cản về văn hoá, ngôn ngữ cũng như phải làm quen với đồ ăn mới lạ. Cuối cùng thì chính quãng đường đi bộ với vali nặng trĩu sách, chính cái rét buốt của tuyết trời cũng như những khó khăn giai đoạn đầu thích nghi cuộc sống xa gia đình tới nửa vòng trái đất đã giúp Ngọc Mỹ trở nên mạnh mẽ hơn.”
Du học ở độ tuổi 14, chấp nhận sự cô đơn, vượt qua những khó khăn về ngôn ngữ, thời tiết, môi trường sống và học tập, Nguyễn Ngọc Mỹ đã trở nên trưởng thành, độc lập và bản lĩnh hơn. Với cô khó khăn là cách luyện ý chí tốt nhất để đạt được thành công sau này.
Nguyễn Ngọc Mỹ và hành trình nâng tầm du lịch Việt.
3. Con đường nào cũng có đích đến nhất định của nó
Khi bắt đầu những lựa chọn về con đường sự nghiệp của bản thân, chúng ta hay nghĩ đến việc được gì, mất gì sau sự lựa chọn ấy. Hãy vững một niềm tin rằng bất cứ con đường nào cũng có đích đến nhất định của nó để tiến về phía trước, để học hỏi, để trưởng thành và để ghi dấu ấn nơi biển lớn.
Đầu năm 2015, cô gái Thu Hà đã mở công ty nhỏ chuyên bán đồ trang sức với những thiết kế đậm chất nghệ thuật được đông đảo yêu thích. Những sản phẩm này đang được bán tại hầu khắp các cửa hàng tại Mỹ. Thời gian đầu Hà cũng gặp đôi chút khó khăn vì tay ngang trong nghề lại chưa từng học qua bất kỳ khóa kinh doanh nào, Hà đã phải tự mình vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, thiếu kiến thức liền bổ sung để phục vụ cho công việc.
Thời gian đầu khởi nghiệp, Hà đã bắt đầu khi bản thân chưa từng có kinh nghiệm trong lĩnh vực mình làm, thế nhưng kiên trì, và luôn tin rằng những nỗ lực sẽ có được thành quả. “Hà cho biết thêm, muốn khởi nghiệp cần có sức bền. Vài tháng đầu tiên luôn luôn khó khăn và cần nhiều nỗ lực nhất, từ việc huy động vốn, thử thị trường, đến đạt được những con số đầu tiên. Nhưng càng về sau, mọi thứ càng dễ dàng hơn khi đã tích lũy đủ để dần quen và tạo nên nhiều khác biệt cho thương hiệu mình.” - cô nàng 9X với hành trình xây dựng hai công ty khởi nghiệp tại Mỹ.
Hà đã thu về trái ngọt sau hơn 3 năm miệt mài với con đường mình chọn. Hà có hai công ty nhỏ hoạt động dưới cùng một công ty mẹ. Tổng doanh thu hằng năm chị đạt được khoảng 15 tỷ đồng. Cô gái trẻ luôn tâm niệm rằng, con đường nào cũng có đích đến nhất định của nó, vì thế, nếu đã lựa chọn sẽ làm hết mình và luôn nhẫn nại để có được những thành quả như mong muốn.
"Rạng danh tài trí Việt năm châu" với 21 câu chuyện đặc biệt của các nhân tài Việt của 2 tác giả trẻ Hạnh Nguyễn và Lệ Thu.
“Đối với nhà khoa học trẻ Nguyễn Việt Hùng, sự thành công đã đến từ sự rộng mở của anh để tiếp nhận ý kiến mới và tạo cho mình con đường riêng rồi từ đó cứng đầu đi theo con đường đã chọn. Phương châm sống của Hùng có thể gói gọn trong một câu “Be resilient, and keep on persevering”, nghĩa là “hãy luôn kiên cường và kiên định”. Kiên cường vì trong cuộc sống sẽ luôn có những thứ tồi tệ xảy ra và nếu mỗi lần bị khuất phục hoàn toàn thì mình sẽ luôn luôn bị bắt đầu lại từ số không hoặc bị trì trệ.
Chính lúc đó, sự cứng rắn giúp mình hiểu rằng (hầu hết) chuyện gì xảy ra cũng là việc rồi mình cũng sẽ phải vượt qua. Còn kiên định, vì phải hiểu nhiều sự thành công chỉ có thể đến được sau một thời gian dài cố gắng, kiên trì phấn đấu. Nếu bị gặp phải một, hai khó khăn bạn đã bỏ cuộc thì sẽ không bao giờ thành công.” Đó là những gì chàng trai tiến sĩ trẻ Nguyễn Việt Hùng chia sẻ trong bài viết "Nhà khoa học 9X phát hiện 8 loài vi khuẩn mới".
Nếu không kiên định với con đường mình chọn, Nguyễn Việt Hùng sao có được thành công với thành quả nghiên cứu của mình? Năm 2018, anh chàng nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học New South Wales đã phát hiện ra 8 loài vi khuẩn mới. Đặc biệt, 8 loài vi khuẩn này thuộc 7 bộ hoàn toàn mới của lớp vi khuẩn Gammaproteobacteria – một phát hiện bất ngờ, khi mới có 14 bộ vi khuẩn Gammaproteobacteria được phát hiện bởi các nhà khoa học trong vòng 200 năm vừa qua.
Nguyễn Việt Hùng, nhà khoa học 9X phát hiện 8 loài vi khuẩn mới.
Bạn đã có được cho mình sự dũng cảm để thoát khỏi vùng an toàn của bản thân chưa? Hãy nhìn câu chuyện của người thành công và rút ra cho mình những bài học đáng giá để tự mình bước đi trên hành trình chinh phục giấc mơ bạn nhé!
Báo Dân Sinh