MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người trẻ tranh luận: Tuổi 25 nên sống tiết kiệm hay chi tiền cho bản thân? - Trả lời sai có thể khiến bạn hối hận về tài chính khi về già

13-07-2024 - 13:42 PM | Lifestyle

Tuổi 25 là cột mốc mà bạn cần đưa ra nhiều quyết định tài chính quan trọng.

Bước sang tuổi 25 là cột mốc lớn của đời người. Khi ở độ tuổi này, chúng ta phải đưa ra hàng loạt quyết định quan trọng, từ tình cảm cho đến sự nghiệp. Trong số đó, câu hỏi: "Nên tiêu tiền hưởng thụ hay sống tiết kiệm?" có thể khiến nhiều người hoang mang, khó tìm được lời giải đáp.

"25 tuổi thì còn trẻ mà, tiết kiệm sớm làm gì?"

Ngọc Linh (26 tuổi) cho rằng, quan điểm phải tiết kiệm tiền hoặc tích luỹ tài sản càng sớm càng tốt, để chứng tỏ tài chính cá nhân vững vàng là quan điểm phổ biến từ thế hệ trước. Còn người trẻ như Ngọc Linh thì có những suy nghĩ khác biệt.

Ngọc Linh chia sẻ: "Hiện mình chưa quá áp lực chuyện tiết kiệm vì nghĩ bản thân vẫn còn trẻ, có cơ hội được tiêu tiền và nếu sai thì còn sửa được. Nhiều người thường đặt ra cột mốc cho bản thân, chẳng hạn 25 tuổi tích 100 triệu đồng hay 30 tuổi mua được nhà. Với mình, chúng có thể tạo nên áp lực tài chính và giới hạn khả năng của bản thân nếu chỉ chăm chăm theo đuổi mục tiêu vật chất. Thay vì gây dựng quỹ tiết kiệm và mua tài sản, mình muốn dùng tiền để gia tăng trải nghiệm và theo đuổi sự nghiệp hơn".

Người trẻ tranh luận: Tuổi 25 nên sống tiết kiệm hay chi tiền cho bản thân? - Trả lời sai có thể khiến bạn hối hận về tài chính khi về già- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Một trường hợp khác, Việt Dũng được bạn bè nhận xét là người "thích ăn chơi". Bởi lẽ trong nhóm bạn, hầu hết những địa điểm ăn uống, du lịch hoặc các trend thì đều được Việt Dũng cập nhật nhanh chóng, kéo theo đó là số tiền lớn dành cho sở thích cá nhân. Tuy nhiên, chàng trai cho rằng đó là khoản chi tiêu xứng đáng.

Việt Dũng cho hay: "25 tuổi thì còn trẻ mà, mình chưa muốn tiết kiệm sớm đâu. Sở dĩ mình có tiêu nhiều hơn cho sở thích cá nhân và nhu cầu cuộc sống so với bạn bè đồng trang lứa bởi mình kiếm được thu nhập khá ổn. Tuy nhiên, mình không phải người tiêu tiền hoang phí, tức luôn đảm bảo chi tiêu dưới thu nhập, không bao giờ vay mượn chỉ để mua cái áo, lọ nước hoa hay đi du lịch đâu nhé".

Với Việt Dũng, vừa làm và vừa hưởng thụ thì cuộc sống mới vui, vì "đời người chỉ có một". Bên cạnh đó, tiêu nhiều tiền cũng là động lực để anh chàng nỗ lực trong sự nghiệp và gia tăng mức lương.

Anh chàng chia sẻ: "Mình lấy ví dụ về công thức trong kinh tế học, nếu một người quá tiết kiệm thì không tốt hơn một người tiêu nhiều, thậm chí là vay tín dụng và cố gống mình để trả nợ. Vì bạn có tiêu dùng thì mới có sản xuất và tăng trưởng. Với cá nhân mình, đảm bảo tiêu nhiều nhưng không sa vào tệ nạn và vay mượn đến mức không thể trả nổi, sau đó kiếm được không kém mới là mục đích đúng đắn".

25 tuổi không bắt đầu tiết kiệm thì còn đợi đến bao giờ?

Ở diễn biến ngược lại, có những người trẻ lại nhận định, tuổi 25 là dấu mốc quan trọng. Do đó, họ không thể vô tư tiêu xài tiền, hoặc kiếm được bao nhiêu thì xài hết bấy nhiêu giống như khi còn trẻ tuổi hơn nữa.

Khánh Linh (27 tuổi) bày tỏ quan điểm: Từ sau khi bước sang tuổi 25, cô nàng đã có nhiều quyết định quan trọng với cuộc đời. Trong số đó, tiêu biểu nhất là lựa chọn tiết kiệm tiền, để nhờ đó nhanh chóng đạt được sự tự chủ về tài chính, đủ khả năng mua những thứ tốt nhất cho chính mình và phụ giúp gia đình.

Người trẻ tranh luận: Tuổi 25 nên sống tiết kiệm hay chi tiền cho bản thân? - Trả lời sai có thể khiến bạn hối hận về tài chính khi về già- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Khánh Linh chia sẻ: "Sau tuổi 25, mình đã gần như có thể bỏ đi thói quen 'vung tay quá trán', tiêu tiền quá mức vì chúng rất nguy hiểm, có thể khiến mình mất kiểm soát. Cảm giác thoả mãn khi tiêu tiền chỉ có trong chốt lát, nhưng hệ luỵ về sau thì còn kéo dài mãi.

Ngoài ra, với mình tiết kiệm tiền là thói quen tốt, nhưng chưa đủ, mà bạn cần tiết kiệm đúng cách. Trước kia, mình chỉ gửi tiết kiệm ở ngân hàng. Nhưng mình nhận ra, rằng phải đem tiền dư đổ vào nguồn nào đó, khiến tiền đẻ ra tiền, để hạn chế tình trạng mất giá nhất có thể.

Vì không có nhiều kinh nghiệm trong đầu tư tài chính, nên mình lựa chọn chia đôi số tiền tiết kiệm, 1 nửa tiếp tục gửi ngân hàng và 1 nửa mình đầu tư vào tích trữ vàng. Và mục tiêu sắp tới, mình sẽ dành thời gian để tìm hiểu thêm về đầu tư để củng cố thêm nền tảng tài chính của bản thân".

Đồng tình với quan điểm của Khánh Linh là Thục Hạnh (26 tuổi). Cô nàng cho hay, trái ngược với những bài đăng trên MXH chỉ trích thói quen tiêu xài hoang phí của GenZ thì thực tế cô nàng lại thấy mình sống tiết kiệm vô cùng.

Thục Hạnh nhận định: "Mình nghĩ mỗi thế hệ sẽ có người này người kia, có người người thích tiêu xài hoang phí nhưng cũng có người tiết kiệm từng đồng một. Mình và một vài người bạn xung quanh nằm ở vế sau.

Mình luôn tiết kiệm ít nhất 70% thu nhập vì suy nghĩ 'tương lai không ai biết trước được'. Mình nấu ăn đi làm mỗi ngày, ở nhà thuê chỉ 3 triệu đồng/tháng, xài đồ điện tử 3 năm mới thay và săn đồ secondhand. Với mình, tiết kiệm tiền từ sớm là đầu tư cho tương lai. Nếu bạn không có xuất phát điểm tốt thì cần chăm chỉ tích luỹ tiền bạc, để phòng ngừa cho rủi ro và chuẩn bị khi cơ hội đến".

Còn bạn, bạn chọn tiết kiệm hay tiêu xài tiền khi bước sang tuổi 25?


Theo Nguyệt

Nhịp Sống Thị Trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên