Người trong cuộc “ngán toàn tập” với cư dân thiếu ý thức, mật độ quá đông đúc
Không phải nỗi lo an ninh mà câu chuyện ý thức mới là điều lo lắng, thậm chí sợ hãi của nhiều người sống tại chung cư. Không "chịu nổi nhiệt", có gia đình đã phải ngậm ngùi rao bán, cho thuê căn nhà mà trước đó họ từng mong mỏi an cư.
LTS: Tại các thành phố lớn, rất nhiều người lựa chọn sinh sống ở chung cư bởi sự tiện lợi, thoáng đãng, thoải mái và số tiền bỏ ra cũng khá linh hoạt. Tuy nhiên, điều kiện sống đông đúc cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề, trong đó ý thức kém của 1 bộ phận cư dân đang làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt chung và sự an toàn, văn minh của cộng đồng. Với loạt bài này, chúng tôi hy vọng mang đến cho bạn đọc một góc nhìn về cuộc sống chung cư cũng như cùng chung tay góp phần tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, giúp cuộc sống chung cư văn minh hơn.
Ngang nhiên chiếm dụng không gian chung
Có lẽ không có ai thấm thía câu nói "bán anh em xa, mua láng giềng gần" như cư dân chung cư. Cũng bởi, hàng xóm ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống của họ. Anh Nguyễn Tiến Hưng, một cư dân sống tại tòa nhà chung cư T. ở Hà Đông thở dài tâm sự: "Không giống như sống ở nhà đất, sống chung cư bị ảnh hưởng rất nhiều từ hàng xóm. Tôi có người bạn phải bán nhà vì vợ chồng hàng xóm bên tay phải thì cãi chửi nhau suốt ngày. Nhà phía trên thì vô ý thức, coi tầng dưới như cái... sọt rác ném hết cả bỉm, rác, thậm chí cả bao cao su xuống ban công.
Tôi may mắn không phải sống cạnh những người vô ý thức như vậy. Tuy nhiên, xuống tới sảnh không gian chung lại ức chế với những người coi sân chơi như... nhà họ. Họ chiếm dụng làm của riêng để dựng xe, thậm chí bán hàng la liệt... đến nỗi muốn vào chung cư là phải "lách" qua họ".
Đáng tiếc, câu chuyện bức xúc của anh Hưng là khá phổ biến ở rất nhiều chung cư hiện nay. Qua khảo sát của phóng viên, rất nhiều chung cư đang đau đầu giải quyết câu chuyện "ý thức" của cư dân mà chưa có hồi kết.
Thông báo của một ban quản lý chung cư nhắc nhở những hành vi thiếu ý thức của cư dân.
Điều dễ dàng nhìn thấy là tại rất nhiều chung cư là vỉa hè, sân chơi, khuôn viên khá nhỏ lại bị chủ đầu tư, cá nhân chiếm dụng. Chúng bị biến thành ki-ốt, thành chỗ để xe, thậm chí thành cả quán ăn vô tư nấu nướng giữa sảnh đi lại...
Thậm chí, những tấm biển “cấm để xe đạp, xe máy” được lắp đặt nhưng ban quản lý lại ngang nhiên chiếm dụng làm bãi trông xe. Lý do duy nhất mà những người này đưa ra là dưới hầm gửi xe bị quá tải, rồi thản nhiên thu vé 5000 đồng/xe/lượt.
Sảnh chung cư bị ban quản lý chiếm dụng làm bãi gửi xe.
Nói về việc này, chị Hoàng Thắm – một cư dân sống tại tổ hợp chung cư tại quận Thanh Trì cho biết: “Cứ nghĩ mua chung cư là văn minh, hiện đại và tiện lợi thế nhưng tất cả những gì vợ chồng mình mơ tưởng đều bị dập tắt khi chuyển về sinh sống. Dù ở đây chưa đầy 1 năm nhưng 2 vợ chồng đã chán ngấy những người thiếu ý thức, sự tấp nập, nhộn nhạo. Thậm chí phía ban quản lý nhà cũng chưa thật sự nghiêm khắc trong việc quản lý người ra/vào, chiếm dụng không chung gian làm bãi giữ xe…”.
Hí hửng nhận nhà rồi ngán ngẩm đem… cho thuê
Trên thực tế, những chung cư giá rẻ thường bị than vãn nhiều nhất về câu chuyện ý thức chung. Tuy nhiên, mỗi đợt mở bán những căn hộ này đã thu hút hàng ngàn khách đặt mua. Với những gia đình "chậm chân", họ thậm chí nhiều gia đình phải trả thêm từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu tiền "chênh giá". Tuy nhiên, khi về ở, sự bất cập trên đã khiến không ít gia đình ngậm ngùi cho thuê hoặc rao bán!
Nói về điều này chị Quỳnh – chủ nhân một căn hộ 60 mét vuông cho biết: “Mình có mua 1 căn hộ ở Linh Đàm với giá ngót 1 tỷ đồng, dự định sẽ là nơi 2 vợ chồng sinh sống sau khi chủ đầu tư bàn giao nhà. Tuy nhiên, khi bàn giao xong thấy cư dân quá đông, không gian chung không có khiến mình và chồng “chán toàn tập” luôn nên 2 vợ quyết định không chuyển xuống nữa. Hiện tại, căn hộ đó mình đang cho thuê với giá 4 triệu đồng/tháng”.
Nói thêm về điều này, chị Quỳnh cho rằng: “4 triệu/tháng cũng chẳng đáng bao nhiêu nhưng ở khu đó giá cho thuê nhà chung rồi nên chỉ được từng đó thôi. Hiện tại hai vợ chồng vẫn ở nhà đất trong nội thành, vợ chồng mình cũng tính nếu thời gian tới có khách và có lời sẽ tiến hành bán căn hộ đó đi”.
Không may mắn như chị Quỳnh bởi dù sao 2 vợ chồng chị đã có nhà đất riêng trong nội thành, nhiều người đang phải thuê trọ rồi dốc toàn bộ tiền để mua một căn hộ như trường hợp của chị Thu Hiền (29 tuổi trú tại Thanh Hóa) thì thật oái oăm.
Chị Quỳnh thở dài: “2 vợ chồng cùng quê lên Hà Nội lập nghiệp rồi cưới nhau, sau một thời gian dài dành dụm, chắt chiu thì đủ tiền mua được 1 căn hộ với diện tích chưa đầy 60 mét vuông. Nhưng khi chuyển đến ở thì có quá nhiều điều khiến 2 vợ chồng phải đau đầu, chủ yếu xuất phát từ chuyện vô ý thức của cư dân. Chẳng hạn như việc có người... đại tiện, tiểu tiện ra cầu thang bộ. Thang máy thì đông nghịt, giờ cao điểm chen chúc chờ đợi đến cả nửa tiếng mới lên được nhà... Bình thường thì bẩn thỉu bởi cơm cháo rơi vãi, có người khạc nhổ ra thang máy, thậm chí có người mang cả thuốc lá vào thang máy. Dân cứ kiến nghị, ban quản lý cứ nhắc nhở, nhưng đâu vẫn vào đấy".
Đến khi nào người dân mới có ý thức, bớt ích kỷ nhỏ nhoi thì cư dân mới cảm thấy căn hộ mình ở thực sự là lý tưởng?
Chị Hiền cho biết: “Hiện nay còn vướng hợp đồng với ngân hàng, nếu thời gian tới trả hết tiền chắc chắn mình và anh xã sẽ tiến hành bán đi để mua một chỗ khác chứ ở đây cư dân đông quá”.
Xét cho cùng thì nếu người dân sinh sống tại chung cư dù bình dân, trung cấp hoặc cao cấp thì cũng nên tạo dựng một cộng đồng đoàn kết, có ý thức, giữ gìn không gian chung… đơn vị quản lý tòa nhà có phương án để giúp cộng đồng cư dân thêm văn minh thì cũng sẽ giảm thiểu những hình ảnh đáng xấu hổ đáng nhẽ không có ở các chung cư cao tầng hiện nay.
Trí thức trẻ/Afamily