Người trồng tiêu đứng ngồi không yên
Đến cuối tuần qua, giá hồ tiêu đã giảm xuống mức 103.000 đồng/kg, tức giảm một nửa so với cùng kỳ năm 2015 và là mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Điều này khiến hàng trăm nghìn hộ nông dân ở Tây Nguyên thấp thỏm lo âu, đối mặt với nguy cơ thua lỗ, nợ nần. Bởi theo thống kê, có đến một nửa diện tích hồ tiêu tại các tỉnh Tây Nguyên là… tiêu mới trồng trong vài năm gần đây.
- 12-03-2017Nông dân 'thấp thỏm' nợ nần vì giá hồ tiêu giảm mạnh
- 10-01-2017Trồng tiêu bằng mọi giá - Nông dân nhận trái đắng
- 11-01-2016Cảnh báo phá quy hoạch trồng tiêu
Nông dân “ngồi trên lửa”
Gia đình ông Phạm Hồng Nhật (thôn 3, xã Nâm J’ang, Đắk Song, Đắk Nông) có 4ha hồ tiêu, thu hoạch được 20 tấn từ sau tết nhưng vẫn chưa dám bán, mà phải đi vay tiền trang trải nợ nần. Ông Nhật lo lắng: “Với giá 200.000 đồng/kg như năm ngoái, tôi lãi hơn 2 tỉ đồng, còn giá này thì thu nhập chỉ còn một nửa”. Ông Nhật đã trúng đậm mấy vụ liên tiếp nên khá tự tin. Còn nhiều người mới trồng tiêu, chưa kịp giàu thì giá tiêu rớt thảm, không thể cầm cự được dù là trong ngắn hạn.
Bà Nguyễn Thị Đô (xã Nâm N’Jang) rầu rĩ nói: “Biết là giá thấp, nhưng thu hoạch xong tôi phải bán hết để trả nợ vật tư, nhân công, lãi vay ngân hàng và lãi nóng. Mỗi hécta tiêu phải đầu tư 300 - 500 triệu đồng, mà giá tiêu như bây giờ thì cầm chắc thua lỗ, nếu giá không tăng tôi phải bán đất để trả nợ”. Mà nợ của bà Đô là không phải ít. Cách đây mấy năm, thấy người ta một bước thành tỉ phú, bà dồn hết gia sản, còn vay mượn thêm 4 tỉ đồng đầu tư trồng 10ha tiêu. Đến nay mới có 4ha cho thu hoạch, số còn lại vẫn đang ngốn tiền của bà.
Ông Trần Quang Tây - Trưởng phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đắc Lắc - cho hay, toàn tỉnh có hơn 27.000ha hồ tiêu, trong đó diện tích kinh doanh chiếm 14.000ha, còn lại 13.000ha là tiêu mới trồng, trong đó 5.500ha trồng năm 2015. Như vậy có tới hàng chục nghìn hộ nông dân chưa kịp “hái quả ngọt” thì hồ tiêu đã rớt giá, họ đang “ngồi trên lửa” với gánh nặng thua lỗ, nợ nần. Còn tại Đắk Nông, toàn tỉnh cũng có khoảng 27.000ha, riêng diện tích mới trồng đã chiếm hơn 50%, trong khi hồ tiêu có mức đầu tư ban đầu lớn nhất trong tất cả các loại cây công nghiệp dài ngày.
Diện tích trồng gấp đôi quy hoạch
Theo các doanh nghiệp thu mua nông sản ở Tây Nguyên, từ sau tết đến nay, giá tiêu giảm mạnh khiến việc mua bán cũng diễn ra cầm chừng. Bà Nguyễn Thị Hà - Giám đốc Cty TNHH Cương Hà Đắk Nông - cho biết, thông thường vào niên vụ thu hoạch hồ tiêu, mỗi ngày Cty thu mua khoảng 60 - 70 tấn, còn bây giờ mua chưa được 20 tấn/ngày. Đáng nói là nông dân đang có tâm lý găm hàng chờ giá, mà các dự báo đều cho thấy giá tiêu khó tăng trở lại trong ngắn hạn. Còn ông Lê Hoàng Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Đắk Song - cho biết: “Xét về tổng thể thì giá tiêu năm 2017 giảm mạnh do giá thị trường thế giới giảm. Nhưng mặt khác, giá hồ tiêu giảm đã được dự báo từ trước, khi diện tích tăng ồ ạt khắp nơi...”.
Xã Nâm N’Jang (huyện Đắk Song) là thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Đắk Nông, với hơn 3.000ha hồ tiêu trên tổng số 3.000 hộ dân. Ông Nguyễn Hữu Tầm - Chủ tịch UBND xã - cũng cho rằng: “Thực ra giá tiêu giảm không phải bất ngờ, mà được dự báo từ 5 năm trước. Nhưng đó là dự báo, chừng nào giá chưa giảm thì dân vẫn trồng, đến lúc rớt thảm họ mới kêu la”. Còn theo Sở NNPTNT Đắk Nông, diện tích hồ tiêu quy hoạch toàn tỉnh đến năm 2020 mới có 14.000ha, nhưng hiện nay dân đã trồng gấp đôi, riêng năm 2016 trồng 11.000ha. Tương tự ở Đắc Lắc, diện tích hồ tiêu hiện lên tới 27.000/17.000ha quy hoạch đến năm 2020. Ông Trần Quang Tây - Trưởng phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đắc Lắc - cho biết, các loại cây trồng ở Đắc Lắc rất ổn định về diện tích, năm sau không tăng hơn năm trước bao nhiêu, nhưng riêng cây tiêu thì tăng đột biến. “Ngành nông nghiệp không khuyến khích người dân mở rộng diện tích, nhưng do giá cao nên (người dân) vẫn trồng, không thể kiểm soát được” - ông Tây nói.
Cho đến nay, chưa có cơ quan chức năng nào khẳng định diện tích hồ tiêu của Việt Nam tăng nhanh làm giá giảm. Nhưng giá giảm mà diện tích tăng, thiệt hại lớn hơn là điều không tránh khỏi.
Lao động