Người vay mua nhà, mua xe dễ thở hơn
Mở rộng quy định cho khách hàng trả nợ tại ngân hàng khác đối với các khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống, mua nhà... sẽ tạo điều kiện để nhiều người tiếp cận thêm vốn tín dụng, tăng sự cạnh tranh để giảm lãi suất
Từ ngày 1-9, Thông tư 06/2023 sửa đổi, bổ sung Thông tư 39/2016 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có nhiều quy định tạo điều kiện tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp (DN) và người dân. Trong đó, cho phép khách hàng đang có khoản vay mua nhà, phục vụ đời sống tại NH này được chuyển sang vay NH khác. Báo Người Lao Động đã trao đổi với ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP HCM, xung quanh nội dung này.
Phóng viên: Thưa ông, với quy định mới, người đang vay tiền mua nhà, mua xe hoặc vay tiêu dùng... có thể vay NH khác để tất toán trước hạn?
- Ông NGUYỄN ĐỨC LỆNH: Theo quy định tại khoản 2 điều 1 Thông tư 06/2023, tổ chức tín dụng có thể cho vay để trả nợ trước hạn khoản vay đáp ứng đầy đủ các điều kiện gồm: thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn cho vay còn lại của khoản vay cũ, khoản vay chưa thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP HCM
Như vậy, đối với các khoản vay cũ, không phân biệt là khoản vay phục vụ hoạt động kinh doanh hay phục vụ đời sống, nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định và được NH thẩm định, đồng ý cho vay, khách hàng có thể vay NH khác để trả nợ trước hạn.
Sự điều chỉnh này của NHNN tạo điều kiện cho khách hàng cá nhân và DN sử dụng vốn vay linh hoạt hơn; phù hợp với nhu cầu thực tế phát sinh trong quá trình hoạt động sản xuất - kinh doanh; bảo đảm tối đa hóa hiệu quả sử dụng vốn trong việc lựa chọn sản phẩm tín dụng phù hợp; lựa chọn NH cung ứng dịch vụ.
Quy định này cũng thúc đẩy sự cạnh tranh và phát triển dịch vụ tín dụng của các NH?
- Điều nhiều người quan tâm là việc cho phép vay của NH này để trả nợ NH khác (thực chất là đảo nợ) liệu có thúc đẩy sự cạnh tranh trong việc giảm lãi suất cho vay, tăng ưu đãi để giữ chân khách hàng hay không.
So với Thông tư 39/2016, Thông tư 06/2023 mở rộng hơn cho các khoản vay ngoài khoản vay phục vụ hoạt động kinh doanh. Chính yếu tố này sẽ đòi hỏi các tổ chức tín dụng không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ NH, dịch vụ tín dụng, từ tiện ích, quy trình thủ tục đến thời gian giao dịch, kể cả các yếu tố lãi suất, phí... cho phù hợp để thu hút, mở rộng và tăng trưởng.
Thông tư 06/2023 cho phép người vay tiền mua nhà, tiêu dùng sẽ được đảo nợ từ ngân hàng này sang ngân hàng khác. Ảnh: TẤN THẠNH
Tuy nhiên, quy định về cho vay để trả nợ trước hạn khoản vay tại NH khác (theo Thông tư 39/2016 và Thông tư 06/2023) đòi hỏi cả tổ chức tín dụng lẫn khách hàng phải thực hiện nghiêm, tuân thủ đầy đủ các quy định của NHNN; xây dựng quy trình thủ tục chặt chẽ; kiểm tra giám sát... Việc này nhằm phát huy mặt tích cực nêu trên cũng như hạn chế mặt không tích cực, như lợi dụng chính sách để cạnh tranh không lành mạnh, để đảo nợ làm ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng, đến sự tăng trưởng và phát triển ổn định, bền vững hoạt động NH và thị trường tiền tệ.
Khi chuyển sang vay NH mới để trả nợ vay NH cũ, các khoản phí như thẩm định, công chứng, mua bảo hiểm, lãi phạt trước hạn... ra sao? Người vay cần lưu ý gì để tránh "chạy tới chạy lui" giữa các NH, thưa ông?
- Như tôi đã nói, đây là sự điều chỉnh bổ sung, cho phép mở rộng khoản vay ngoài khoản vay phục vụ hoạt động kinh doanh nên về nghiệp vụ và cung cấp sản phẩm tín dụng, các NH đã và đang thực hiện. Vấn đề là tổ chức tín dụng và cả khách hàng phải thực hiện nghiêm quy định; công khai, minh bạch về thủ tục, lãi suất, phí... để DN và người dân nắm rõ, có lựa chọn phù hợp và hiệu quả nhất.
Các NH phải thông tin, tư vấn, hướng dẫn thủ tục cho DN và người dân; thực hiện nhiệm vụ truyền thông chính sách, nhất là về những điểm mới, điểm điều chỉnh bổ sung của chính sách tín dụng theo Thông tư 06/2023. Điều này giúp bảo đảm người vay tiếp cận thuận lợi chính sách, tuân thủ nghiêm các quy định, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng và đời sống, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.
Người lao động