MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người Việt đầu tiên giành HCV Olympic Thiên văn học Quốc tế: BTC không công nhận kết quả do lời giải hay hơn đáp án, phải phản biện giành lại huy chương

14-11-2018 - 07:42 AM | Sống

Trần Xuân Tùng - học sinh lớp 12 Lý 1, trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, là nam sinh người Việt đầu tiên giành Huy chương Vàng Olympic Thiên văn học và Vật lý Thiên văn Quốc tế. Do lời giải quá xuất sắc, BTC ban đầu đã không công nhận kết quả này, phải thành lập hội đồng phản biện mới giành lại được huy chương.

Hành trình để giành huy chương của học sinh Việt Nam tại các cuộc thi Olympic Quốc tế chưa bao giờ là một con đường bằng phẳng, từ những khó khăn trong việc ôn luyện, thiếu thốn cơ sở vật chất, lại phải thi bằng Tiếng Anh - môn học chưa bao giờ là thế mạnh đến những chuyện không mong muốn xảy ra trong suốt quá trình thi cử.

Chiếc Huy chương Vàng đầu tiên của ngành Thiên văn học Việt Nam tại đấu trường Olympic Thiên văn học và Vật lý thiên văn quốc tế - International Olympiad on Astronomy and Astrophysics - IOAA 2018 cũng có một hành trình như vậy.

Người học sinh đáng được vinh danh này là cậu bạn Trần Xuân Tùng, học sinh lớp 12 Lý 1 Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam, giúp Việt Nam giành được giải vàng khi chỉ mới tham gia năm thứ 3. Olympic Thiên văn học và Vật lý thiên văn quốc tế năm nay có 38 nước tham dự với 46 đội, 313 người tham dự gồm 71 giáo viên, 214 học sinh và 28 quan sát viên.

Người Việt đầu tiên giành HCV Olympic Thiên văn học Quốc tế: BTC không công nhận kết quả do lời giải hay hơn đáp án, phải phản biện giành lại huy chương - Ảnh 1.

Người Việt Nam đầu tiên giành Huy chương Vàng Olympic Thiên văn học và Vật lý Thiên văn Quốc tế - Trần Xuân Tùng - Học sinh trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam

Lời giải của học sinh Việt Nam quá xuất sắc, hay hơn đáp án của BTC nên không được công nhận, phải thành lập hội đồng phản biện để giành lại huy chương.

Đề thi năm nay phía Ban tổ chức Trung Quốc ra đề khó hơn rất nhiều lần so với các năm trước, không chỉ Việt Nam mà các đoàn khác đều nhận định như vậy.

Theo chia sẻ của Trưởng đoàn Bùi Thị Minh Nga (Phó trưởng phòng Giáo dục Trung học - Sở GD&ĐT Hà Nội, trong phần thi Trần Xuân Tùng, cậu bạn đã có bài giải hay hơn đáp án của ban tổ chức nhưng lại không được tính điểm vì họ cho rằng không đúng so với đáp án.

Còn thí sinh Lê Trần Đạo, do giải tắt, giải nhanh ra được đáp án nhưng Ban giám khảo lại cho rằng quy trình giải không đúng nên không cho điểm.

Quyết không từ bỏ dễ dàng, thầy cô trong đoàn đã có màn phản biện chặt chẽ khiến Tổng thư ký và phó Giám đốc của đài thiên văn Bắc Kinh phải gật gù ghi nhận đây là lời giải hết sức xuất sắc và tính điểm cho thí sinh Việt Nam, mang về tấm Huy chương Vàng đầu tiên cho ngành Thiên văn của chúng ta.

Ban giám khảo và hội đồng phản biện của các nước đều gồm những giáo sư đầu ngành về thiên văn học, vật lí thiên văn. Trong khi đó đoàn Việt Nam chỉ là các giáo viên dạy cấp 3 và chuyên viên của Sở. Việc tranh luận để giành lại huy chương thực sự là một thành tích đáng tự hào.

Cô Lê Thị Oanh - hiệu trưởng trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam chia sẻ rằng, trong đêm, hàng loạt tin nhắn tới tấp được gửi về từ Trung Quốc, khi thì sắp được Huy chương Vàng rồi, khi thì, không, vẫn là Huy chương Bạc. Và đến lúc kết quả cuối cùng được công bố, tất cả đều vỡ oà: Chúng ta đã làm được, đã đổi màu được huy chương rồi, kỳ tích đã về!

Người Việt đầu tiên giành HCV Olympic Thiên văn học Quốc tế: BTC không công nhận kết quả do lời giải hay hơn đáp án, phải phản biện giành lại huy chương - Ảnh 2.

Những chàng trai làm nên kỳ tích cho ngành Thiên văn học Việt Nam

Thiên văn là một ngành đòi hỏi đầu tư rất nhiều tiền về trang thiết bị để nghiên cứu, trong khi gia đình Tùng không đủ điều kiện đáp ứng

Cô Lê Thị Ngọc Diệp, mẹ của Xuân Tùng, hiện đang là giảng viên một trường đại học chia sẻ: "Ở nhà nói thật là không thể nào có đủ điều kiện để mua các trang thiết bị đắt tiền như kính thiên văn để cho Tùng tìm tòi nghiên cứu. Thành quả này là nhờ sự hỗ trợ rất lớn của Sở giáo dục, thầy cô ở trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam cùng các giáo viên hướng dẫn."

Tùng rất thích Vật lý, niềm đam mê Thiên văn là bắt nguồn từ các anh chị khoá trước, khi thấy anh chị trong trường đi thi là cậu đã đăng ký ngay và được lựa chọn vào đội tuyển. Ngay từ bé cậu bạn này đã tìm tòi, nghiên cứu, đọc sách những thứ liên quan đến ngành học này.

Người Việt đầu tiên giành HCV Olympic Thiên văn học Quốc tế: BTC không công nhận kết quả do lời giải hay hơn đáp án, phải phản biện giành lại huy chương - Ảnh 3.

Gia đình của Trần Xuân Tùng

Có một điều đặc biệt nữa là Xuân Tùng rất thích chơi game, trò chơi mà cậu bạn soái ca 2002 - Hồ Phi Dũng, người giành HCB trong kỳ thi Olympic Quốc tế Thiên văn và Vật lý thiên văn năm nay cũng cực kỳ mê.

Những người học giỏi thì làm gì cũng giỏi, họ chơi game là để giải toả stress, cho đầu óc bớt căng thẳng, để có những phút giây thư giãn sau những ngày tháng nghiên cứu miệt mài.

Khi được hỏi liệu đam mê một ngành nghiên cứu sẽ đánh mất thanh xuân, chỉ biết vùi đầu vào các kiến thức khô khan, không được bay nhảy bên ngoài như bạn bè cùng trang lứa, mẹ Tùng cho biết, Thiên văn chính là đam mê của cậu ấy rồi. Có người thích nhiếp ảnh, người thích bóng đá, người thích kinh doanh... còn Tùng, điều mà cậu bạn này khát khao theo đuổi là nghiên cứu Thiên văn, đưa ngành này của Việt Nam lên một tầm cao mới.

Đặc biệt, Tùng cũng không quá hứng thú với các hoạt động ngoại khoá hay hoạt động xã hội. Gia đình cũng tạo mọi điều kiện để Tùng phát triển hết khả năng trong ngành này. Ngoài học, Xuân Tùng dành hết thời gian để đọc sách về Thiên văn và Vật lý.

Người Việt đầu tiên giành HCV Olympic Thiên văn học Quốc tế: BTC không công nhận kết quả do lời giải hay hơn đáp án, phải phản biện giành lại huy chương - Ảnh 4.

Sau quá trình phản biện, Xuân Tùng đã giành lại được tấm Huy chương Vàng danh giá

Tùng nói: "Mình thích ngành này vì nó là chuỗi những câu hỏi mở, mình hoàn toàn có thể sáng tạo, giải đáp trong khả năng, nó kích thích óc tò mò của bản thân."

Với những người chỉ mới 19 tuổi đầu như Tùng, việc nhận định tương lai của ngành Thiên văn ở Việt Nam có lẽ còn quá sớm, với họ, chỉ cần được tạo điều kiện để họ thoả mãn đam mê nghiên cứu là hạnh phúc rồi.

Từ những đêm thức trắng ngắm sao trời đến những tháng miệt mài nghiên cứu ở Nha Trang và hành trình rét buốt 0 độ tại Trung Quốc, chiếc Huy chương Vàng như một món quà vô giá, không gì có thể đong đếm được giá trị của nó. Không chỉ là tấm huy chương đầu tiên của ngành Thiên văn Việt Nam, nó còn là thành quả của những nỗ lực, cố gắng, những khát khao của bao thế hệ thầy và trò đang theo đuổi ngành này.

Người Việt đầu tiên giành HCV Olympic Thiên văn học Quốc tế: BTC không công nhận kết quả do lời giải hay hơn đáp án, phải phản biện giành lại huy chương - Ảnh 5.
Người Việt đầu tiên giành HCV Olympic Thiên văn học Quốc tế: BTC không công nhận kết quả do lời giải hay hơn đáp án, phải phản biện giành lại huy chương - Ảnh 6.

Tùng trong vòng tay bạn bè

Theo Hà Duy - Đức Thắng

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên