MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người Việt giảm tiêu dùng, tăng mua nhà, đầu tư chứng khoán và gửi tiết kiệm tín dụng

Người Việt giảm tiêu dùng, tăng mua nhà, đầu tư chứng khoán và gửi tiết kiệm tín dụng

Trong các báo cáo mới từ Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đang giảm liên tục trong 4 tháng gần đây. Tuy nhiên, người Việt lại đang dùng tiền nhiều vào mua nhà hay đầu tư chứng khoán nhiều hơn.

Xu hướng giảm chi tiêu các dịch vụ tiêu dùng, chỉ chi cho các mặt hàng thiết yếu

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam trong tháng 8/2021 ước tính đạt 279,8 nghìn tỷ đồng. Con số này giảm 10,5% so với tháng trước và giảm 33,7% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Tính chung 8 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 3.044,5 nghìn tỷ đồng. Nếu loại trừ yếu tố giá giảm 6,2% (cùng kỳ năm 2020 giá giảm 5,8%) thì tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 4,7%.

Nhìn vào số liệu qua các tháng trong năm nay, người tiêu dùng Việt chi tiêu tăng nhẹ trong 3 tháng đầu năm, tăng vọt trong giai đoạn tháng 3-4. Sau đó, dưới ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, người tiêu dùng Việt đang có xu hướng chi tiêu ít đi. 

Người Việt giảm tiêu dùng, tăng mua nhà, đầu tư chứng khoán và gửi tiết kiệm tín dụng - Ảnh 1.

Nguồn: GSO

Xu hướng giảm này không chỉ mới diễn ra trong 8 tháng đầu năm 2021 mà còn đã bắt đầu từ năm 2020. Theo Statista, trong năm 2020 chi tiêu tiêu dùng trong các ngành của Việt Nam cũng hầu hết có xu hướng giảm nhiều so với năm 2019. Trong đó, chỉ có 3 ngành vẫn giữ được mức tăng gồm vận tải, mua sắm online và đồ gia dụng. 

Người Việt giảm tiêu dùng, tăng mua nhà, đầu tư chứng khoán và gửi tiết kiệm tín dụng - Ảnh 2.

Xu hướng giảm chi tiêu tại các ngành tại Việt Nam trong năm 2020. Nguồn Statista

Theo báo cáo về Hành vi tiêu dùng của người Việt Nam năm 2021 thực hiện bởi Deloitte, người Việt đang có xu hướng dành nhiều ưu tiên chi tiêu vào các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu. Deloitte đánh giá việc tập trung chi tiêu vào các nhu cầu thiết yếu đồng nghĩa với việc người Việt cắt giảm nhiều cho việc tiêu dùng các sản phẩm dịch vụ khác. Trong năm 2020, người tiêu dùng đã giảm mua sản phẩm điện tử dân dụng từ 10% xuống 0,2% và dịch vụ giải trí và du lịch giảm từ 4% xuống chỉ còn 0,4% so với năm 2019. 

”Nếu như cắt giảm ngân sách cho giải trí và du lịch được giải thích là do tình trạng hạn chế đi lại để phòng tránh dịch bệnh bùng phát, thì việc giảm chi tiêu cho điện tử dân dụng đã phản ánh tâm lý thận trọng của người dân trong thời kỳ bất ổn này.”, Deloitte cho biết thêm. 

Người Việt chuyển qua mua nhà, đầu tư chứng khoán và tiết kiệm nhiều hơn

Bất chấp tình hình kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, người Việt vẫn mua nhà, chung cư nhiều. Theo báo cáo mới nhất từ Bộ Xây dựng, trong quý II/2021, cả nước có 29.949 giao dịch bất động sản (bao gồm căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền chuyển nhượng) thành công. 

Theo đó, tổng lượng giao dịch bình quân bằng khoảng 118% so với quý trước và bằng khoảng 101% so với cùng kỳ năm 2020. Tinh riêng, Hà Nội có 1.094 giao dịch thành công và  TP. Hồ Chí Minh có 3.002 giao dịch thành công. 

Trong năm 2021, tiêu dùng ở Việt Nam ít đi và việc tiết kiệm tăng nhiều lên. Tuy nhiên, xu hướng này đã bắt đầu từ năm 2020 và vẫn kéo dài đến hiện nay. Theo báo cáo của Nielsen, trong năm 2020, có đến 72% số người trả lời khảo sát nói rằng họ sử dụng số tiền nhàn rỗi của mình cho mục đích tiết kiệm. 

Việc tiết kiệm tiền cũng tăng trong năm 2021, thể hiện ở việc tiền gửi vào các tổ chức tín dụng gia tăng. Trong nửa đầu năm 2021, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam tăng 3,13%, cùng với đó tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 5,47%. 

Người Việt đang có xu hướng chuyển qua đầu tư vào chứng khoán nhiều. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm, tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế của thị trường chứng khoán ước tính đạt 116,4 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu tăng 302,3%, đạt 22.428 tỷ đồng/phiên. Giá trị giao dịch bình quân trên thị trường trái phiếu tăng 17,2%, đạt 11.622 tỷ đồng/phiên. Ngoài ra, khối lượng giao dịch bình quân trên thị trường chứng khoán phái sinh tăng 90,9%, đạt 24.041 tỷ đồng/phiên.

Sự dịch chuyển nguồn tiền chi tiêu sang đầu tư còn thể hiện ở việc xu hướng gia tăng mua bảo hiểm ở người Việt. Điều đó cho thấy người Việt đang muốn sử dụng số tiền nhàn rỗi của mình cho nhiều mục đích khác nhau. 

Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 6 tháng đầu năm 2021 tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 22%; lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 7%.

Đặng Sơn

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên