Người Việt kể về đợt nắng nóng kỷ lục ở châu Âu: Quạt cháy hàng nhưng điều hòa vẫn "thất sủng"
Đức Hoàng, một người đang sống tại Anh, chia sẻ nhiệt độ 40 độ C là điều "rất kinh khủng" với người dân châu Âu nhưng do nắng nóng đỉnh điểm thường chỉ kéo dài 1-2 tuần nên ít người có ý định lắp điều hòa.
- 22-07-2022Ngồi điều hoà 24/24 giữa nắng nóng đỉnh điểm tại Anh bỗng thành một trải nghiệm xa xỉ
- 21-07-2022Nắng nóng kỷ lục nhưng hiếm điều hòa, người dân Anh đang phải sống ra sao?
- 19-07-2022Đợt nắng nóng "như địa ngục" ở Anh khủng khiếp đến mức nào?
Có lẽ chưa bao giờ, người dân châu Âu lại nghĩ tới cảnh một ngày nào đó, đường cao tốc, đường băng hay thậm chí mái nhà ở nơi họ sống bị nóng chảy bởi nhiệt độ cao. Tuy nhiên, tất cả những thứ đó đều đã xảy ra trong mùa hè năm nay, khi nền nhiệt ở một số nơi lên tới hơn 40 độ C, mức cao kỷ lục.
Sống và làm việc ở châu Âu giữa những ngày nắng nóng kỷ lục, anh Đức Hoàng, người đang định cư tại Nottingham, Vương quốc Anh, cho biết nhiệt độ lên tới 39-40 độ C là rất kinh khủng với người dân Anh bởi họ đã quen với khí hậu ôn đới.
"Mức nhiệt cao kết hợp với khả năng chịu nhiệt kém khiến cuộc sống của của người dân Vương quốc Anh bị ảnh hưởng không nhỏ. Một lý do khác khiến mức nhiệt cao gây khó chịu là hầu hết các hộ gia đình tại Anh chỉ dùng lò sưởi chứ không dùng máy lạnh. Điều hòa làm mát chỉ được lắp tại các trung tâm mua sắm hoặc văn phòng", anh Hoàng nói.
Đợt nắng nóng khiến nhiều người đổ xô đi mua quạt để giải nhiệt, khiến mặt hàng này bán rất chạy. Tuy nhiên, vì mùa nóng thường không kéo dài nên nhiều người không có ý định mua điều hòa. Với nản thân anh Hoàng, mức nhiệt 40 độ C cũng không phải điều gì quá khinh khủng với mình, dù cũng ít, nhiều cảm thấy khó chịu.
Không chỉ ở Anh, đợt nắng nóng dữ dội quét qua châu Âu khiến rừng bùng cháy. Nhiều vùng của Ý, Hy Lạp và Pháp chìm trong khói lửa. Bên cạnh đó, hàng trăm người thiệt mạng vì sốc nhiệt và nhiều người phải tạm sơ tán.
Đức cũng ghi nhận ngày nóng nhất trong năm khi nhiệt độ lên tới 40,4 độ C tại một trạm đo ở Bad Mergentheim-Neunkirchen. Trong khi đó, Hungary và Ý có mức nhiệt cao khoảng gần 38 độ C.
Lưu Phương Hoa, một du học sinh người Việt hiện đang sinh sống tại thành phố Leipzig của Đức, cho biết: “Vào mùa hè năm nay, nhiệt độ lên tới đỉnh điểm là 38-39 độ C, nhưng thời gian nắng gay gắt nhất chỉ kéo dài tầm 3-4 ngày và cả mùa chỉ có vài lần nóng đến vậy, mấy hôm sau tiết trời sẽ lại dịu đi. Tính đến hiện tại, nhiệt độ ở nơi tôi sống chưa có hôm nào lên tới 40 độ C”.
Cũng giống như ở Anh, Phương Hoa cho biết phần lớn các hộ gia đình đều không sử dụng điều hòa và cũng không có ý định lắp chúng. Nắng nóng chỉ khiến mọi người thấy khó chịu khi di chuyển ngoài đường, còn trong nhà nhiệt độ vẫn khá mát mẻ.
"Kể cả trong những ngày oi bức, nhiệt độ về đêm cũng giảm đi đáng kể, thường ở ngưỡng 20 độ C. Mình thậm chí còn phải mặc một chiếc áo khoác mỏng. Nóng thế, nóng nữa vẫn không thể bằng ở Việt Nam đâu", Phương Hoa chia sẻ.
Theo chia sẻ của Phương Hoa, một số người bản địa đã nhanh chóng thích nghi được với điều kiện thời tiết ngày một nóng dần. Trong những tháng hè, người dân châu Âu thường dành thời gian để đi nghỉ mát. Bây giờ, họ có cơ hội tận hưởng cái nắng nhiệt đới ngay tại nơi mình sống. Họ tranh thủ tắm nắng và đi bơi. Tuy nhiên, nắng nóng vẫn khiến mọi người dễ cáu gắt.
Cô Thanh Cao, người gốc Việt đang sinh sống và kinh doanh cửa hàng tạp hóa tại Cộng hòa Séc, chia sẻ: "Vì nằm tại Trung Âu, khí hậu tại Cộng hòa Séc khá ổn định, nhưng những tuần qua cũng đã cảm nhận được cái nóng chưa từng có trong vài chục năm đổ lại. Những ngày nắng nóng gần đây, doanh số những mặt hàng như mũ, kính, đồ bơi… tăng mạnh".
Thông qua một du học sinh đã về nước, chúng tôi đã kết nối được với Rebecca George, 23 tuổi, sinh ra và lớn lên tại Devon, Vương quốc Anh. Với trải nghiệm của một người bản địa, George kể rằng: "Sau khi trải qua một số đợt sóng nhiệt từ vài mùa hè trước, chúng tôi mua rất nhiều quạt để trong phòng ngủ. Tiền điện là một vấn đề lớn hiện tại vì giá cả trên khắp châu Âu đang tăng. Chúng tôi vẫn may vì có hệ thống pin mặt trời hỗ trợ điện cho sinh hoạt".
Theo Rebecca George, thông thường ở châu Âu rất hiếm khi xảy ra nắng nóng khắc nghiệt, thậm chí là 10 năm chỉ xuất hiện một vài đợt sóng nhiệt và mỗi lần chỉ kéo dài vài ngày. Nhưng đợt nắng nóng này đã kéo dài nửa tháng và nhiệt độ tăng lên mức chưa từng ghi nhận trước đây.
Cha của Rebecca cho biết đợt sóng nhiệt gần nhất mà họ nhớ là vào năm 1976. Tuy nhiên, thời tiết khi ấy không nóng như hiện tại. Nhiệt độ chỉ ở ngưỡng 20 độ C và kéo dài hơn một tháng.
Nhiệt độ cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động giao thông ở châu Âu. Các cơ quan chức năng đã phải đưa ra cảnh báo về việc đường xá bị chảy nhựa do nắng nóng. Hầu hết những con đường ở Vương quốc Anh không chịu được nhiệt độ cao. Rebecca cho biết những con đường ở Nam Âu thường sẽ có khả năng chịu nhiệt tốt hơn.
Em gái của Rebecca làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Đợt nắng nóng đã gây khó khăn không nhỏ cho những người như cô, vì họ phải đeo khẩu trang phòng tránh dịch bệnh và làm việc trong môi trường ngột ngạt, thiếu hệ thống thông gió hoặc điều hòa.
Những người phải làm việc trong điều kiện thời tiết nắng nóng gặp rất nhiều khó khăn. Người dân châu Âu thường chủ quan, không biết đến tầm quan trọng của việc chống nắng hoặc mất nước, đơn giản vì họ không thường xuyên sống trong môi trường nắng nóng khắc nghiệt như vậy.
Trong đợt nhiệt độ tăng sốc, người cao tuổi là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Vì thế, số ca tử vong do nắng nóng tại châu Âu không ngừng gia tăng. Người đứng đầu cơ quan y tế của Bồ Đào Nha cho biết có 1.063 ca tử vong do nắng nóng đã được ghi nhận từ ngày 7-18/7.
Theo như rất nhiều nghiên cứu và phân tích của các nhà khoa học, nắng nóng tại châu Âu chính là hệ quả của biến đổi khí hậu. Việc khí thải CO2 không ngừng sản sinh và tích tụ trong bầu khí quyển khiến trái đất nóng lên. Vì thế, các đợt nắng nóng diễn ra thường xuyên và gay gắt hơn trên toàn thế giới.
Nikos Christidis, nhà khoa học tại Met Office, cho biết: "Khả năng chứng kiến mức nhiệt 40 độ C ở Anh có thể cao gấp 10 lần so với khi khí hậu tự nhiên không bị ảnh hưởng bởi tác động của con người".
Christidis cho biết những đợt nắng nóng như thế này sẽ trở nên thường xuyên hơn trong những thập kỷ tới, ngay cả khi các chính phủ thực hiện cam kết cắt giảm khí thải.
Rebecca cho biết: "Về lâu dài, khi những sóng nhiệt này trở nên phổ biến hơn, chúng ta sẽ cần phải tăng cường cung cấp điều hòa không khí trong các không gian công cộng như trường học để duy trì hoạt động. Chúng ta sẽ cần phải thích nghi với nhiệt độ cao vào những buổi chiều mùa hè bằng cách hạn chế hoạt động như ở Nam Âu. Nhưng quan trọng nhất là chúng ta cần giảm lượng khí thải carbon để cứu lấy chính chúng ta trong tương lai".