Người Việt không nên tiêu thụ thường xuyên 3 loại cơm này vì có thể phải đối mặt với ngộ độc và ung thư
Các chuyên gia khuyến cáo nên hạn chế tiêu thụ 3 loại cơm dưới đây để tránh nguy cơ ngộ độc, thậm chí hình thành tế bào ung thư.
- 15-05-2021Chuyên gia "bật mí" 4 loại rau không thể thiếu trên mâm cơm vào ngày nắng nóng cực điểm, vừa giúp giải nhiệt vừa tăng miễn dịch
- 05-05-2021Người Việt nếu cứ duy trì kiểu nấu cơm này thì khác nào loại bỏ hết dinh dưỡng, tự đưa ung thư vào cơ thể
- 27-04-2021Mỗi năm khiến 34.000 người mắc bệnh ung thư, WHO xếp hạng đây là loại thực phẩm gây ung thư nhóm 1 và thường có mặt trong mâm cơm các gia đình
Cơm là lương thực phổ biến bậc nhất của người Việt, thống kê của Viện Dinh dưỡng cho hay, trong gạo có chứa lượng protit cùng các chất dinh dưỡng quý như đạm, mỡ, canxi và vitamin nhóm B... nguồn dinh dưỡng này giúp trẻ nhỏ tăng trưởng, người lớn có đủ năng lượng để lao động nặng.
Dù vậy, không phải loại cơm nào cũng tốt, các chuyên gia khuyến cáo nên hạn chế tiêu thụ 3 loại cơm dưới đây để tránh nguy cơ ngộ độc, thậm chí hình thành tế bào ung thư.
1. Ăn cơm nguội đã để quá 24h
Từ trước đến nay, đã có rất nhiều lời đồn về việc ăn cơm nguội có thể gây bệnh ung thư. Tuy nhiên theo PGS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội) nhận định: Cơm nguội không thể gây bệnh ung thư cho người ăn, tuy nhiên chúng ta vẫn không nên ăn nhiều cơm nguội vì không tốt cho tiêu hóa.
Vị chuyên gia phân tích rằng gạo là lương thực dễ chứa bào tử gây ngộ độc thực phẩm đó là Bacillus cereus. Ở nhiệt độ cao, chúng sẽ chết. Tuy nhiên, việc bảo quản cơm nguội ở nhiệt độ phòng bình thường sẽ tạo điều kiện cho bào tử và các vi khuẩn sinh sôi và phát triển. Nếu ăn phải cơm nguội nhiễm khuẩn, mọi người có thể đối mặt với rối loạn tiêu hóa, ngộ độc cấp tính.
PGS Thịnh khuyến cáo cơm nguội chỉ an toàn nếu được nấu chín và để nguội đúng cách trong vòng 24 giờ. Nếu như cơm bị thiu là đã bị biến chất, tuyệt đối không nên ăn.
2. Cơm nấu bằng gạo mốc
Khi bị mốc, gạo sẽ đổi màu từ trắng sang trắng ngà, vàng đục, sau thời gian lâu sẽ bám màu xanh của nấm mốc rất rõ. Nhiều người cho rằng nấm mốc chỉ hình thành trên bề mặt gạo, chúng ta chỉ cần rửa sạch là có thể ăn bình thường. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của WHO, nấm mốc tồn tại trên các loại ngũ cốc như gạo, ngô, bánh mì... rất có thể là nấm Aspergillus flavus. Aspergillus flavus không chỉ tồn tại trên bề mặt mà còn phát triển sâu trong gạo.
Theo phân tích của Ths. Bs. Nguyễn Văn Tiến (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), nấm Aspergillus flavus tạo ra độc tố aflatoxin. Ngoài tác hại gây độc cấp tính, nó còn tích lũy dần dần trong cơ thể và sẽ là nguyên nhân gây bệnh ung thư gan .
Độc tố aflatoxin rất khó bị phân hủy bởi nhiệt độ cao hay hóa chất, do vậy ở nhiệt độ chế biến thông thường loại độc tố gây ung thư này vẫn sẽ tồn tại.
3. Cơm rang
Cơm rang là món khoái khẩu của cả người lớn lẫn trẻ nhỏ, đôi khi là cách "chữa cháy" khi trong gia đình có quá nhiều cơm nguội. Thế nhưng, rất ít người biết được việc dùng cơm nguội để rang hay chiên nóng sẽ không tốt cho sức khỏe, nhất là những loại cơm không được bảo quản hợp vệ sinh.
Theo TS.BS Trương Hồng Sơn (Viện trưởng Viện Y học Ứng Dụng), việc tiêu thụ nhiều cơm rang vào buổi sáng có thể gây ra tình trạng khó tiêu hóa, đầy bụng, khó chịu. Cơm rang nhiều dầu mỡ không tốt cho người ăn kiêng, người mắc bệnh chuyển hóa… Không những vậy, việc dùng cơm nguội từ ngày hôm trước để rang cơm cũng tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc.
Đối với những người thường xuyên ăn cơm rang ở ngoài quán, chuyên gia khuyên nên ăn cơm trắng thay thế vì ở những nhà hàng, quán ăn thường dùng cơm nguội, cơm thừa dồn nhiều ngày để rang cơm cho khách. Chưa kể phần dầu ăn để rang cơm cũng chưa chắc đã đảm bảo chất lượng... Nếu trước đó cơm đã bị thiu, biến chất, dầu ăn đã sử dụng lại nhiều lần thì khi ăn vào sẽ có nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất cao. Do vậy BS khuyến cáo mọi người cần tránh ăn cơm rang ở bên ngoài.
Trí thức trẻ