Người Việt "lướt web" tới 6,5 tiếng mỗi ngày
Mức độ thâm nhập internet, thời gian sử dụng mỗi ngày tới 6,5 tiếng của người Việt Nam được xem là cơ hội lớn cho thương mại điện tử Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Mức độ thâm nhập internet của người Việt Nam chiếm hơn 53%, thời gian sử dụng hằng ngày hơn 6,5 tiếng. Đây là thông tin được bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc miền Bắc, Neilsen Việt Nam, cho biết tại diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam phối hợp tổ chức sáng 26-3 tại Hà Nội.
Từ con số nêu trên, bà Hà nhìn nhận đây là cơ hội để cho thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Từ những nghiên cứu của Neilsen, bà Hà cho biết 77% người dùng internet ở Việt Nam đã từng mua hàng online với các mặt hàng phổ biến như thời trang, mỹ phẩm, sách...
Diễn đàn toàn cảnh thương mại điện tử Việt Nam thu hút sự quan tâm của nhiều người bán hàng online
Bà Hà đặc biệt nhấn mạnh đến con số hơn 6,5 tiếng sử dụng internet mỗi ngày của người Việt để nói về cơ hội của thương mại điện tử trong thời gian tới, kỳ vọng sẽ bùng nổ việc mua sắm online.
Năm 2018 là năm sôi động nhất của kinh doanh trực tuyến với tốc độ tăng trưởng đạt trên 30%. Với điểm xuất phát thấp khoảng 4 tỉ USD vào năm 2015, nhưng nhờ tốc độ tăng trưởng trung bình trong 3 năm liên tiếp nên quy mô thị trường thương mại điện tử năm 2018 lên tới 7,8 tỉ USD. Nếu tốc độ tăng trưởng của năm 2019 và 2020 tiếp tục ở mức 30%, thì năm 2020 quy mô thị trường sẽ lên tới 13 tỉ USD.
Sở dĩ thương mại điện tử có những bước phát triển như vậy, bà Đặng Thúy Hà cho rằng động lực mua hàng online là yếu tố quyết định. Theo bà Hà, động lực là vấn đề giá cả, các chương trình khuyến mại, các chính sách bán hàng, giao hàng mà các sàn thương mại điện tử đã đưa đến với người tiêu dùng.
Tuy nhiên, đặt vấn đề về phát triển bền vững thương mại điện tử, bà Hà cho rằng các doanh nghiệp không thể dựa mãi vào chính sách khuyến mại, như vậy rất khó giữ chân người tiêu dùng mà cần cạnh tranh bằng hạ tầng, bằng chất lượng sản phẩm, bằng các phương thức giao hàng nhanh, tiện lợi, uy tín...
Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Hữu Tuấn, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), cho biết cơ quan này đã và đang tiếp tục hoàn thiện các khung, hành lang pháp lý về hoạt động thương mại điện tử.
"Việc hoàn thiện khung pháp lý phải bảo đảm thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhưng cũng đáp ứng yêu cầu về quản lý nhà nước"- ông Tuấn nhấn mạnh.
Người lao động