Người Việt nói nhiều về đa cấp, nhưng ít ai được cảnh báo về trò lừa kinh khủng không kém - Ponzi?
Cùng là một hệ thống lừa đảo, khi không sinh ra lợi nhuận mà lấy tiền của người sau chia cho người trước, nhưng Ponzi có lẽ mới chỉ được những người chăm chỉ đọc sách báo về ngành tài chính biết tới.
Thời gian gần đây, các trò lừa đảo với lời quảng cáo siêu lợi nhuận ngày càng xuất hiện dày đặc, và những cảnh báo sớm sẽ giúp người dân tránh được những mất mát không đáng có.
Hãy thử tưởng tượng, bạn đang có tiền và băn khoăn không biết làm thế nào để khoản tiền này sinh sôi nảy nở. Gửi tiết kiệm thì lãi suất quá thấp, vàng thì lên xuống thất thường, thị trường chứng khoán thì quá nhỏ bé và dễ bị lũng đoạn...
Rồi một ngày đẹp trời, có một thanh niên bước xuống từ một chiếc ô tô mới coóng, diện một bộ vest lịch lãm, trên tay là một chiếc đồng hồ hàng hiệu còn dưới chân là đôi giày bóng loáng. Mang diện mạo của một doanh nhân thành đạt, chàng thanh niên đó tự xưng là người của một quỹ đầu tư và muốn bạn đưa số tiền bạn có vào quỹ đầu tư của công ty anh ta, với cam kết sẽ đem lại lợi nhuận cao và đều đặn.
Bạn nghi ngờ, tất nhiên rồi, đã có quá nhiều người mắc bẫy đa cấp thời gian gần đây. Qua các phương tiện truyền thông, bạn đã quá hiểu những lời sáo rỗng này sẽ không đi đến đâu và mình có lẽ là cấp thứ 100 trong cái mô hình kim tự tháp lừa đảo này.
Thế nhưng có vẻ như không phải, chàng thanh niên không yêu cầu bạn phải mua sản phẩm và cũng không nhắc đến chuyện bạn phải đi tìm người mới, càng không nói về hoa hồng, mà chỉ đơn thuần muốn huy động vốn cho quỹ đầu tư một cách bài bản và chuyên nghiệp. Vậy, bạn có quyết định rót vốn vào quỹ này không?
Nếu câu trả lời là có, thì có 1 tin vui và một tin buồn dành cho bạn. Tin vui là bạn đã phán đoán đúng, đây hoàn toàn không phải kinh doanh đa cấp. Còn tin buồn là vẫn bị lừa và sẽ mất hết vốn liếng của cải vì đây là mô hình lừa đảo Ponzi.
Một chút định nghĩa
Ponzi được lấy theo tên của ông Charles Ponzi, người đã phát hiện ra sự chênh lệch về giá của cùng một loại tem phiếu giữa nước Mỹ và nước Ý. Ông đã quyết định mua hàng ở Ý sau đó đem về Mỹ bán. Tính sơ sơ, tỷ suất sinh lời khoảng 400%, sau khi đã trừ tất cả chi phí.
Đứng trước siêu lợi nhuận, Ponzi nhanh chóng có nhiều tiền và ông lại càng cần nhiều tiền hơn nữa. Ông vay mượn tiền của bạn bè với cam kết trả lãi khoảng hơn 1%/ngày (khoảng 400%/năm). Với hoạt động thuận buồm xuôi gió, Ponzi trả được lãi đúng như cam kết, khiến bạn bè của ông hài lòng.
Tiếng lành đồn xa, người người, nhà nhà nghe tiếng Ponzi đều muốn gửi tiền vào hệ thống của ông, với mong muốn lợi nhuận đột biến. Ponzi có lúc đã huy động được tới 8 triệu USD.
Tuy nhiên, hệ thống của Ponzi do phát triển quá nhanh nên cũng nhanh chóng sụp đổ. Trước lượng người khổng lồ, số tem phiếu buôn bán không đủ để đem lại lợi nhuận cho tất cả. Ponzi bị phát hiện dùng tiền của người vào sau để trả lãi cho người vào trước. Ông bị bắt và phải ngồi tù, sau đó trục xuất về nước Ý.
Thương vụ đình đám
Nhắc tới Ponzi, không thể không nhắc tới Bernie Madoff, người nổi tiếng nhất trong số những vụ lừa đảo bằng mô hình Ponzi, với tổng giá trị lừa đảo tới 65 tỷ USD.
Madoff là người sáng lập công ty đầu tư chứng khoán Bernard L. Madoff từ năm 1960, hoạt động theo hình thức tư vấn đầu tư và điều hành quỹ đầu cơ đa quốc gia. Quỹ này điều hành nhiều quỹ đầu tư khác với tổng giá trị lên tới 17 tỷ USD. Tên tuổi của Madoff như một huyền thoại ở phố Wall.
Cũng tương tự như Ponzi, Madoff huy động được hàng chục tỷ USD nhờ tiếng tăm và uy tín của mình. Thế nhưng, khi hoạt động kinh doanh thua lỗ, Madoff lấy tiền của người đến sau để trả cho người đến trước. Cuối cùng, hệ thống không tự sinh ra lợi nhuận nên tự sụp đổ khi khách hàng đòi 7 tỷ USD trong khi Madoff chỉ còn 200-300 triệu USD. Madoff bị bắt giữ và tuyên phạt 150 tù giam.
Một trong những lý do khiến Madoff rất lâu mới bị phát hiện, là bởi vì ông quá hiểu về thị trường và được tin tưởng tuyệt đối. Ông chính là người đã giúp xây dựng sàn chứng khoán Nasdaq.
Như vậy, về bản chất, mô hình Ponzi cũng giống mô hình lừa đảo kim tự tháp, khi lấy tiền của người vào sau để trả cho người vào trước. Tuy nhiên, có một điểm phức tạp khiến Ponzi khó phát hiện hơn so với kim tự tháp, đó là mô hình Ponzi khiến người tham gia có cảm giác khoản đầu tư của họ thực sự đang được sử dụng và tiền lãi kiếm được từ các khoản đầu tư này. Trong khi đó, với mô hình kim tự tháp, người cũ biết chắc chắn tiền của họ đến từ những người mới, những người cấp dưới và họ cần đi tìm thêm người rót tiền vào hệ thống .
Tại mô hình Ponzi, ngay khi dòng tiền gặp trục trặc, những kẻ đứng đầu sẽ cố gắng tìm cách bỏ trốn. Ngày 25/4 vừa qua, cảnh sát Hàng Châu Trung Quốc đã phát lệnh truy nã một giám đốc quỹ đầu tư biến mất với khoản tiền 1 tỷ yên (106 triệu euro).
Nhà chức trách cho biết, hơn 20.000 người đã đầu tư 2,2 tỷ yên vào quỹ và dòng tiền mới chỉ bắt đầu gặp trục trặc từ thứ 2 tuần trước. Khi đó, số điện thoại trụ sở chính của quỹ không thể liên lạc được còn văn phòng ở Thượng Hải không có người trả lời.
Trong một vụ lừa đảo khác cũng tại Trung Quốc cách đây không lâu, công ty cho vay Ezubao đã không thể trả lãi đúng hẹn cho 900.000 nhà đầu tư với số tiền 7,6 tỷ USD.
Do đó, hãy hết sức cẩn trọng trước những lời chào mời siêu lợi nhuận. Lợi nhuận cao thì rủi ro cao và ngược lại. Đừng trông chờ vào các khoản lãi kếch xù mà không có rủi ro.
Trí thức trẻ/CafeBiz