Người Việt ở châu Âu tắt bớt đèn, giảm nấu nướng
Rút các thiết bị điện không sử dụng, mặc nhiều áo ấm trong nhà, tránh nấu ăn vào giờ cao điểm... là những cách người Việt tại châu Âu áp dụng trong thời khủng hoảng năng lượng
"Mùa đông... hơi lạnh" là chia sẻ có phần hài hước hóa tình hình của chị Hoàng Oanh, đang sinh sống và làm việc tại TP Vejle - Đan Mạch, khi cho biết về thông báo mới nhất của nơi mình làm việc - sẽ hạ nhiệt độ sưởi còn 19 độ C, thay vì 21 độ C, theo đúng quy định của chính phủ đối với các tòa nhà hành chính, với mục đích tiết kiệm năng lượng.
Né giờ cao điểm
Do ảnh hưởng từ việc ngừng nguồn cung cấp khí đốt của Nga, cùng với lạm phát, giá năng lượng ở Đan Mạch đang ở mức cao kỷ lục và chi phí cao dự kiến sẽ kéo dài trong suốt mùa đông.
Theo chị Oanh, người dân tại khu vực chị sinh sống thời gian qua nhận được hóa đơn tiền điện khá cao, gấp từ 2-4 lần tùy mức sử dụng của mỗi gia đình và tùy thuộc nguồn cung cấp năng lượng của địa phương. Có gia đình phải trả đến 30.000 krone (khoảng 93 triệu đồng) tiền điện, khí đốt trong một quý (3 tháng).
Tuy Đan Mạch không phụ thuộc quá nhiều vào khí đốt Nga như Đức và Ý (vì dân số ít và có hệ thống điện gió cực lớn) nhưng từ nhiều tháng nay, chính phủ nước này đã phát động chính sách tiết kiệm triệt để năng lượng.
"Chính phủ Đan Mạch có hướng dẫn chung, kêu gọi người dân rút các thiết bị sạc không sử dụng và chỉ dùng hệ thống sưởi vào những ngày nhiệt độ xuống thấp, không bật lò sưởi quá nóng, tăng cường mặc đồ ấm trong nhà như mang tất, mặc áo len và tránh nấu ăn giờ cao điểm" - chị Oanh kể.
Chồng chị V.K chuẩn bị máy sưởi chạy bằng nước nóng cho mùa đông Ảnh: YẾN LAM
Đáng chú ý, giá điện và nước nóng tăng gấp đôi vào giờ cao điểm, khoảng 6 giờ và 19-20 giờ. Do đó, nếu muốn tiết kiệm thì người dân cần nấu ăn sớm hơn hoặc trễ hơn, tương tự với việc sử dụng hệ thống lò sưởi, giặt đồ và máy sấy hiệu quả.
Chị Oanh cũng chia sẻ cách kiểm tra trên ứng dụng điện thoại xem khoảng thời gian nào trong ngày tiền điện được tính thấp nhất để tranh thủ sử dụng các thiết bị điện.
Trong khi đó, chị Thiên Thư đang sống tại thủ đô Warsaw của Ba Lan cho biết tiền điện đã tăng gần gấp đôi so với năm ngoái. Một số gia đình đã chuyển sang sử dụng máy bơm nhiệt hoặc lắp các tấm pin năng lượng mặt trời để hạn chế sử dụng khí đốt và tiết kiệm chi phí. Trước mắt, chị Thư chọn cách hạn chế nấu nướng để bớt tiền điện.
Cũng như nhiều nước châu Âu khác, Đan Mạch và Ba Lan có nhiều chính sách hỗ trợ như giảm thuế năng lượng và trợ cấp nhiên liệu cho người dân và doanh nghiệp.
Đặc biệt, theo chị Hoàng Oanh, gia đình có trẻ nhỏ ở Đan Mạch được nhận hỗ trợ mỗi 3 tháng và kể từ tháng 1-2023 sẽ được nhận nhiều hơn. Ngoài ra, Đan Mạch cũng vừa thông qua quy định mới cho phép người dân thanh toán chậm và theo từng đợt các hóa đơn năng lượng vượt mức của năm 2021.
Vì ý thức cộng đồng
Cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu do xung đột Nga - Ukraine cũng khiến mùa đông năm nay ở Pháp trở nên "rất khác", theo dự đoán của chị V.K ở vùng Savoie.
Chị kể: "Mấy bữa nay vợ chồng tôi gấp rút sửa chữa và lắp chiếc máy sưởi cũ chạy bằng nước nóng vào phòng ngủ, thay cho chiếc máy sưởi điện mới mua năm ngoái. Ông xã nói máy sưởi kiểu cổ điển này được kết nối chung với hệ thống nước nóng trong nhà, cho phép tiêu thụ ít điện năng hơn và giữ ấm được lâu hơn".
Theo chị K., lời kêu gọi tiết kiệm năng lượng của Tổng thống Emmanuel Macron hồi đầu tháng 9 dường như chạm đến toàn thể dân Pháp. Nhà chị cũng vậy. Nhiệt độ trong nhà dự kiến sẽ được để ở mức 19-20 độ C thay vì mức 22-23 độ C như hằng năm. "Chỉ những ai từng trải qua cái lạnh của mùa đông châu Âu mới hiểu được ý nghĩa của việc giảm đi 1 độ C là thế nào" - chị nói.
Không chỉ tiết giảm năng lượng tiêu thụ mà người Pháp còn được khuyến cáo về thời điểm sử dụng điện hợp lý. Theo đó, họ sẽ hạn chế dùng điện vào giờ cao điểm (từ 8 đến 12 giờ) để tránh nguy cơ cúp điện do quá tải.
Chị Hàn Linh ở thủ đô Paris cho biết tại khu nhà chị, nhân viên ban quản lý đã bắt đầu đến từng hộ để kiểm tra hệ thống sưởi và dặn mọi người tiết kiệm điện, mặc dù chưa có quy định cụ thể.
Ý thức được về khả năng lạnh hơn trong mùa đông này, chị Linh chia sẻ biện pháp khắc phục: "Mọi năm mùa đông nhà tôi vẫn mặc đồ thoáng mát bình thường nhưng năm nay sẽ sắm quần áo dày hơn. Vợ chồng tôi cũng gia cố kỹ hơn các khe cửa để tránh khí lạnh, trang bị rèm cửa dày để giữ ấm".
Sống ở vùng Haute-Savoie của Pháp nằm giáp ranh Thụy Sĩ, chị Kim Toàn quan sát thấy làng xóm mình đã bớt thắp sáng hơn. Các thành viên gia đình chị không còn quên tắt điện khi rời khỏi phòng nữa. "Việc mình tắt đi một cái bóng đèn không cần thiết dù không giảm được bao nhiêu trên hóa đơn điện nhưng đó cũng là ý thức cộng đồng" - chị Kim Toàn nói.
Trong khi đó, chị Hoàng Oanh cho biết người dân Đan Mạch ủng hộ các quyết định của chính phủ về việc tránh phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga và chấp nhận chờ đợi châu Âu xây dựng nguồn cung năng lượng riêng hoặc tìm nguồn cung thay thế khác.
Còn theo chị Thiên Thư, chính phủ Ba Lan đã thông báo tăng tiền điện vào tháng 11 tới và chi phí có thể tiếp tục tăng đến đầu năm sau. Dù chính phủ đến nay vẫn bảo đảm được đầy đủ nguồn cung khí đốt và điện cho người dân song chị hy vọng giữa cuối năm sau tình hình sẽ được cải thiện và tiền điện sinh hoạt sẽ giảm xuống.
"Thắt lưng buộc bụng" tối đa
Tắt bớt đèn, giảm nhiệt độ sưởi và lắp đặt các cảm biến chuyển động để tự động giảm bớt chiếu sáng... là một số biện pháp đang được nhiều nước châu Âu áp dụng để tiết kiệm năng lượng trong mùa đông sắp tới.
Mỏ than ở khu vực Bogdanka - Ba Lan, nơi nhiều người dân đến mua than chuẩn bị cho mùa đông Ảnh: REUTERS
Thủ đô Paris của Pháp yêu cầu tắt tất cả đèn chiếu sáng trong các tòa nhà công cộng vào lúc 22 giờ, ngay cả đèn trên tháp Eiffel cũng tắt lúc 23 giờ 45 phút, sớm hơn 1 giờ so với thường lệ. Nhiệt độ nước tại các hồ bơi bị giảm xuống và kế hoạch sưởi ấm các tòa nhà công được dời lại.
Trong khi Pháp có kế hoạch tắt đèn đường vào khoảng 24 giờ thì Cộng hòa Czech tháo bớt một nửa số bóng đèn tại các văn phòng chính phủ và thay số bóng đèn cũ còn lại bằng bóng LED ít tốn điện hơn. Nhiệt độ sưởi trong các tòa nhà vốn ở mức 22 độ C nay được điều chỉnh còn 19-20 độ C, thậm chí ở hành lang chỉ còn 15 độ C. Với các biện pháp này, Cộng hòa Czech hy vọng tiết kiệm được 17%-20% năng lượng, theo Thủ tướng Petr Fiala.
Tại Hungary, chính phủ yêu cầu các cơ quan nhà nước và công ty giảm 25% lượng khí đốt tiêu thụ so với năm ngoái; chỉ có bệnh viện và các tổ chức xã hội được ngoại lệ. Chính phủ Ba Lan chỉ thị các cơ quan trực thuộc giảm 10% lượng điện tiêu thụ. Sau giờ làm, các công chức phải tắt hết máy tính, rút thiết bị sạc và chỉ được in những tài liệu thật sự cần thiết.
Trong khi đó, Bồ Đào Nha sẽ áp dụng kế hoạch cắt giảm năng lượng đến cuối năm 2023, với mục đích giảm 17% lượng khí đốt sử dụng - cao hơn mức 15% mà Liên minh châu Âu yêu cầu cho khoảng thời gian từ tháng 8 năm nay đến tháng 3 năm sau.
Theo Bộ trưởng Môi trường Duarte Cordeiro, các biện pháp bao gồm tắt bớt thiết bị chiếu sáng trong và ngoài các không gian công cộng, trung tâm mua sắm, cửa hàng... trong những giờ nhất định, giảm các loại đèn trang trí trong mùa lễ hội và sau nửa đêm. Nhiệt độ của máy sưởi và máy điều hòa trong các tòa nhà cũng bị hạn chế.
NLĐ