Người Việt sinh sống tại nước ngoài nhớ gì nhất khi ăn Tết xa quê và đón Tết như thế nào cho vơi đi nỗi nhớ nhà?
Vì tình hình dịch bệnh nhiều người có lời hứa ăn Tết ở quê nhà đã phải lỡ hẹn. Vậy cảm xúc của họ khi ăn Tết xa nhà như thế nào, điều họ nhớ nhất là gì? Kho 1 nồi thịt hay tự tay làm bánh chưng bằng lá chuối và buộc dây chỉ có làm vơi đi nỗi nhớ nhà?
- 13-02-20216 món không nên hâm nóng lại nhiều lần trong dịp Tết, cố ăn vào chỉ làm tổn hại nội tạng, sinh chất gây ung thư
- 13-02-2021Lần đầu xuất hiện ở Đông Nam Á, biến chủng A.23.1 gây ra chùm ca Covid-19 tại sân bay Tân Sơn Nhất có nguy hiểm?
- 13-02-2021Chịu vất vả hơn để cuối đời thong dong hay "gánh nước cả đời? Hơn thua nhau ở cách nghĩ, bài học thâm thuý đáng giá hơn vàng, người hiểu thấu chắc chắn sẽ không nghèo
Nấu 1 nồi thịt kho đúng chất gia truyền cho đỡ nhớ nhà
(Thủy Cao - 32 tuổi - Sống tại Mỹ)
Năm nay là Tết đầu tiên xa nhà sau 32 năm, nhưng may quá được các cô trên Facebook yêu quý gia đình nên gửi bánh chưng, bánh tét, củ kiệu, dưa món đầy đủ. Những người mình chưa từng gặp một lần ngoài đời.
Cuối tuần mình đi chợ Việt Nam cách nhà hơn 1 tiếng chạy xe, mua được 1 cành hoa mai, 1 ít bánh mứt, vài cái bao lì xì cho có không khí Tết. Mình đã gọi điện về nhà để ba mình chỉ giáo nấu 1 nồi thịt kho đúng chất gia truyền của nhà mình, phải chặt dừa giữa trời tuyết âm chục độ.
Cũng vì dịch nên mình sẽ chỉ ăn Tết với gia đình 1 người bạn Việt Nam ở cách nhà không xa. Gia đình bạn đến nhà mình vào mùng 1 Tết và ở lại chơi cả ngày, gia đình bạn cũng có 1 bé gái 2 tuổi để làm bạn với bé Thỏ nhà mình.
Với mình, Tết không được về nhà thì không gọi là trọn vẹn nhưng do tình thế bắt buộc mình sẽ lạc quan, vui vẻ để chuẩn bị cho cái Tết thật đầm ấm, đủ đầy.
Năm nay là cái Tết đầu tiên của bé Thỏ nên mình sẽ cố gắng lưu giữ những kí ức đẹp đẽ cho con.
Nhớ phố Hàng Mã rực rỡ, nhớ chợ hoa Hàng Lược
(Chị Hồng Nhung (Rose Michel) - 50 tuổi - Sống tại Paris, Pháp)
Năm nay là cái Tết thứ 19 tôi xa quê hương, về sự nôn nóng hay nỗi nhớ da diết thì không còn nữa. Nhưng nỗi buồn man mác, cảm xúc của những ngày giáp Tết thì vẫn đủ đầy. Tết năm nay vì ảnh hưởng của dịch nên mọi kế hoạch bị đảo lộn hết. Nếu không có dịch thì mọi năm các chị em sẽ được đi đến tòa thị chính Paris để đón Tết do đại sứ quán Việt Nam tổ chức. Bữa tiệc rất vui và hoành tráng, người tham dự buổi tiệc đều ăn mặc đẹp, áo dài truyền thống và khung cảnh trang trí rất chi tiết như ở Việt Nam vậy.
Sau đó vào ngày nghỉ gần nhất của Tết, các gia đình sẽ tập trung làm bữa cơm thân mật, mỗi người góp 1 món và để trưng trên bàn, sau khi ăn xong sẽ nhảy múa và ca hát. Ở Paris, quận 13, năm nào cũng tổ chức diễu hành, múa rồng, múa lân và đồng diễn. Mỗi gia đình Việt Nam hoặc vợ Việt chồng ngoại quốc cũng vậy đều thắp hương và làm 1 mâm cơm nho nhỏ cúng tất niên hoặc mùng 1 Tết, đơn giản thôi nhưng các chị em đều làm.
Các chị hay chia nhau việc ví dụ như người chuyên làm bánh chưng, người chuyên làm nem, người chuyên làm xôi gấc, chuyên làm giò... sau đó đổi nhau để có được mỗi nhà 1 mâm cơm tươm tất vì bên này mọi người đi làm về rất bận không thể làm hết 1 mình được.
"Ngày Tết 3 mẹ con sẽ diện áo dài và chụp hình cả gia đình".
Tôi 2 cô con gái đã lớn nên các cháu cũng bắt đầu biết nấu những món ăn đơn giản như làm nem, quay thịt, đồ xôi, canh miến.... các cháu rất thích và ham tìm hiểu về đất nước quê hương. Ngày Tết 3 mẹ con sẽ diện áo dài và chụp hình cả gia đình.
Điều sung sướng thì người ta ít nhớ hơn sự khó khăn vất vả. Mỗi lần Tết đến, tôi nhớ cảnh mẹ bố mẹ phải thức cả đêm canh chỗ trước cửa hàng thịt, cửa hàng gạo để có được nồi bánh chưng. Anh chị em cũng phải phụ giúp cha mẹ đi xếp hàng mua đồ thời tem phiếu. Tôi là người chuẩn bị từ khâu rửa lá, vo gạo, đãi đỗ (thời đó chưa có đậu xanh tách vỏ như bây giờ). Bố tôi là con trai trưởng nên mọi việc gia đình đều đến tay bà dâu trưởng đảm đang là mẹ. Trong thời buổi bao cấp mà bà gánh vác cả Tết cho 1 đại gia đình là phi thường. Nên giờ tôi cũng học được 1 số điều từ mẹ.
Cuộc sống ở nước ngoài thì không bị quá khó khăn về kinh tế (cái ăn, cái mặc), nhưng lại rất chật hẹp về thời gian. Vì thế nên để có được 1 mâm cơm tươm tất thì chị phải lên kế hoạch và chuẩn bị cả 1 tuần trước đó. Cũng may là bên này khí hậu lạnh và thói quen ăn đồ ăn trong tủ lạnh nên không vấn đề gì. Tôi thường làm bánh chưng bắt đầu vào 20 âm lịch để mọi người cúng ngày 23 tháng Chạp.
Mọi năm bận đi làm thì tôi làm 2 nồi bánh vào cho ngày 23 và 30 Tết nhưng năm nay vì dịch bệnh nên khách sạn cho thôi người, tôi nghỉ việc ở nhà làm bánh. Bánh làm bằng lá chuối, buộc bằng dây chỉ, luộc bánh chưng kiểu tiết kiệm điện.
Về dịch bệnh thì ảnh hưởng sâu sắc nhất từ tháng 3 năm ngoái, khi chính phủ ban hành luật giãn cách xã hội và hạn chế các chuyến bay đến Pháp thì ngành dịch vụ bị ảnh hưởng trầm trọng. Mà người Việt Nam mình ở nước ngoài làm công việc này là chính.
Năm nay dính dịch bệnh các nhà hàng, khách sạn, dịch vụ du lịch, hàng không, vận tải coi như vỡ trận. Rất nhiều người bắt đầu đầu tư thì bây giờ không biết phải làm sao. Tôi thì không phải người làm kinh doanh nên cũng không bị thất thoát nhiều, nhưng cũng bị ảnh hưởng là phải nghỉ việc tạm thời.
Để sống và tồn tại thì người Việt Nam mình là số 1 của sự chịu đựng và thích nghi. Mọi người sẽ tìm những công việc khác để làm. Ví dụ nhà hàng bị đóng cửa thì ông chủ, bà chủ nhà hàng sẽ làm đồ ăn và giao tận nhà cho khách. Chủ các hãng vận chuyển, nếu không cho thuê được xe du lịch thì họ sẽ làm công việc dọn nhà, vận chuyển đồ đạc, hàng hoá...
Riêng tôi thì khi bắt đầu dịch, ở Pháp thiếu khẩu trang, tôi đã may rất nhiều khẩu trang vải để phát cho mọi người. Bây giờ không cần khẩu trang vải nữa thì tôi may áo bảo hộ cho bệnh viện.
Nếu không có dịch thì Tết này cả nhà tôi cũng sẽ về Việt Nam, bây giờ vé máy bay đã đặt cũng còn chưa có hồi âm.
Tôi về Việt Nam ăn Tết gần nhất cũng cách đây cả 10 năm trước, năm ngoái thấy cuộc sống ở Việt Nam sung túc hơn rất nhiều. Hà Nội trang hoàng Tết đẹp lắm. Tôi nhớ phố Hàng Mã đỏ rực màu trang trí. Nhớ chợ hoa Hàng Lược, Tây Hồ. Tôi và mẹ đi xách, đi vác đồ ăn về nhà. Hai mẹ con mắt to hơn bụng, nấu nướng cả buổi, các con và chồng lăng xăng phụ việc rất ấm áp và hạnh phúc.
Thương 3 bố con ở nhà, Tết vắng mẹ
(Thùy Dung, 32 tuổi, Sống tại Nhật Bản)
Vậy là tròn 3 cái Tết xa nhà. Nói nhanh thì cũng nhanh, mà lâu thì cũng lâu. Nhớ năm đầu tiên sang Nhật, đêm 30 mấy anh chị em rủ nhau tổ chức tất niên, nhưng năm đó cả em gái và em rể đều về Việt Nam, ăn uống với mọi người xong lại khoác balo đi làm. Suốt quãng đường hơn 1 tiếng ngồi tàu cứ nghĩ tủi thân, rồi tự hỏi: Giờ này ở nhà bố mẹ đang làm gì? Giờ này ở nhà 3 bố con đang làm gì? Năm nay chuẩn bị đồ cúng giao thừa có đầy đủ không? Có ai nhớ, ai nhắc đến mình không? Rồi cứ thế khóc một mình.
Được cái ở đất nước này người ta sẽ không chú ý đến những người xung quanh (người Nhật vốn được coi là lạnh lùng), nên mình có thể khóc mà không sợ ảnh hưởng đến ai. Vì là ngày Tết nên ở chỗ làm người Việt Nam cũng nghỉ gần hết, chỉ 3-4 người đi làm, chắc cũng có tâm trạng giống mình, hoặc trên vai còn nghĩ đến những khoản nợ chưa trả.
Đến giao thừa mấy anh em dù làm ở chuyền khác nhau cũng cố tranh thủ chạy qua nói với nhau câu “chúc mừng năm mới”, mà mọi người nói đùa nhau là sang “xông nhà” cho may mắn. Sáng sớm về đi học rồi mấy anh chị em người Việt học cùng lớp cũng rủ nhau đi ăn bữa đầu năm, đến lớp cũng được cô giáo và các bạn người nước ngoài chúc mừng năm mới nữa. Vậy là cái Tết đầu tiên xa nhà rồi cũng qua.
Năm thứ 2 thì có gia đình em gái ở cùng, mọi người dù ai cũng đi làm đến 9-10h đêm mới về nhưng cũng cùng nhau tụ tập nấu một bữa cơm để đón giao thừa. Được cái ở Nhật bây giờ quán đồ Việt cũng nhiều nên những món ăn truyền thông ngày Tết của Việt Nam cũng luôn có sẵn. Và có lẽ mình may mắn hơn nhiều bạn vì vẫn còn có chị, có em, có những người bạn thân thiết, cũng vơi đi nỗi nhớ nhà.
"Nghĩ thương 3 bố con ở nhà, không có mẹ thì dù được hai bên nội ngoại giúp đỡ nhưng cũng không thể chu toàn".
Năm nay, một năm kinh tế buồn hơn, nhưng cả nhà vẫn cố gắng có được một cái Tết ấm cúng. Tranh thủ ngày nghỉ, mấy anh chị em rủ nhau mua đồ về gói bánh chưng, làm giò xào, muối dưa hành, và chuẩn bị vài món để ăn Tết như ở Việt Nam, vừa để tiết kiệm (vì đồ ăn Việt bán bên này giá khá cao, khoảng 250 ngàn 1 chiếc bánh chưng).
Ngày hôm đó cả nhà vẫn phải đi làm đến tối muộn mới về nên các món được chuẩn bị từ mấy hôm trước, cũng có bánh chưng, xôi gấc, gà luộc, mâm ngũ quả. Đến lúc chuẩn bị xong thì cũng gần đến giao thừa, và cả nhà lại mở “cầu truyền hình” về Việt Nam. Nào Tuyên Quang, Bắc Ninh, Phú Thọ, Hải Phòng đều được “truyền hình trực tiếp” với Tokyo, ai cũng rộn ràng.
Nhưng với một người đã làm mẹ như mình thì thực sự xúc động vì tất cả mọi người đều có vợ có chồng, chỉ có mình là xa cả chồng cả con. Nghĩ thương 3 bố con ở nhà, không có mẹ thì dù được hai bên nội ngoại giúp đỡ nhưng cũng không thể chu toàn, con gái cũng cứ trách “sao Tết mẹ không về, mấy năm rồi đấy”. Hai năm trước còn đi học không thể về, năm nay đi làm cũng dự định cố gắng về Việt Nam ăn Tết mà đùng cái dịch Covid khiến mọi kế hoạch đều đổ bể, đến giờ ngay cả những chuyến bay giải cứu của đại sứ quán cũng bị hạn chế, không biết bao giờ mới mở lại bình thường.
Năm nay tình hình dịch Covid diễn biến phức tạp, Nhật Bản là một trong những nước có tỉ lệ người mắc cao tại châu Á. Vì làm nhân viên trong quán mì Hokkaido nên mình cũng bị ảnh hưởng nhiều. Vì lương của mình được tính theo giờ nên hiện tại số giờ làm đã bị cắt đi 2/3 so với trước đây, kéo theo đó là lương cũng sẽ bị thấp đi.
Cái Tết thứ 16 xa quê, nhìn bạn bè đăng ảnh Tết vẫn thấy nao nao nhớ quê nhà
(Kim Anh, 50 tuổi, Sống tại Anh)
Đây là cái Tết năm thứ 16 xa quê hương của mình. Cứ mỗi năm Tết đến, xem tivi và bạn bè đăng ảnh và tin trang trí nhà cửa và sắm Tết, lòng mình lại thấy nao nao nhớ Tết ở quê nhà. Nhớ không khí rộn ràng sắm Tết của mọi nhà.
Nên ở bên này cho dù xa quê hương, mình cũng muốn có một cái Tết như ở quê nhà, năm nay cũng như mọi năm, mình sẽ lại gói 3 cái bánh chưng chay để cúng, luộc nồi áp suất chỉ 4 tiếng là chín, cứ 2 tiếng lại chế thêm nước 1 lần.
Tự làm đồ ăn Ngày Tết thấy vui lắm. Nhà mình ở nơi ít người Việt nên không có siêu thị Việt Nam. Muốn mua thì phải đặt mua họ cho xe chuyển đến, mỗi lần đặt mua là phải mua nhiều, 10kg đến 20kg trở lên. Ở London và Manchester có cộng đồng Việt đông, nên có nhiều siêu thị Việt bán đầy đủ các mặt hàng, thức ăn như ở Việt Nam không thiếu.
Năm nay bị Covid nhưng cũng không làm giảm đi không khí Tết của gia đình mình và mọi gia đình Việt khác ở vương quốc Anh. Gia đình mình và mọi gia đình vẫn tự làm hoặc sắm đầy đủ mọi thức ăn cho ngày Tết. Chỉ có điều Tết năm nay vì Covid nên nhiều gia đình Việt phòng tránh dịch bệnh nên sẽ không mời bạn bè đến nhà tụ họp, chuyện trò, ăn uống như Tết mọi năm.
Nhà mình vẫn ăn Tết như mọi năm có đầy đủ canh măng khô, bánh chưng, nem, miến gà, giò, chả. Đêm 30 Tết ông xã lại làm nhiệm vụ đi ra ngoài 1 chút rồi lại đi vào nhà để xông đất và nói "Chúc mừng năm mới" với vợ.
"Đêm 30 Tết ông xã lại làm nhiệm vụ đi ra ngoài 1 chút rồi lại đi vào nhà đẻ xông đất và nói "Chúc mừng năm mới" với vợ".
Ở bên này mình luôn nhớ về Tết quê hương với kỷ niệm vui nhất là đêm 30 Tết đi ra Hồ Gươm cùng bạn bè và gia đình. Cùng nhau xem bắn pháo hoa, mua túi muối, túi gạo, với mong muốn cả năm sẽ được no đủ. Mình nhớ phong tục rất tình cảm của người Việt mình là hàng xóm láng giềng, bạn bè, người thân đến chúc Tết nhà nhau với bao câu chúc ý nghĩa, thật đẹp.
Nhìn mâm cơm Tết quê nhà qua màn hình điện thoại mà như ngửi thấy mùi đồ ăn
(Bùi Huệ - 30 tuổi - Sống tại thành phố Tokorozawa, tỉnh Saitama, Nhật Bản)
Đây mới là cái Tết thứ 2 xa nhà của mình, vì mới cái Tết thứ 2 nên còn chưa quen cái việc đón Tết nơi xa. Nếu ở Việt Nam thì chỉ cần buổi sáng mở cửa ra thấy dòng người đi mua sắm tấp nập là đã thấy vui rồi, nhưng ở đây chỉ thấy dòng người vội vã cho kịp chuyến tàu đi làm. Khung cảnh ấy càng làm cho mình thêm cô đơn, tủi thân.
Theo dự định thì Tết năm nay mình sẽ cùng chồng về Việt Nam ăn Tết để cho chồng (người Nhật) biết không khí tấp nập ngày giáp Tết và đầm ấm của gia đình Việt. Thế mà dịch COVID-19 đã làm đảo lộn cuộc sống, phá vỡ kế hoạch đã định.
Mấy ngày trước Tết gần như ngày nào mình cũng gọi điện về để hỏi thăm mọi người sắm Tết đến đâu và để hưởng lây không khí qua màn hình điện thoại. Nhìn mọi người cùng nhau làm mâm cơm cúng gia tiên mà như nghe mùi đồ ăn bên cạnh, nhớ lắm cái không khí gia đình. Nhớ lắm bữa cơm chiều tất niên, mấy đứa cháu thì chạy nhảy, người lớn thì bận rộn nhưng đầy ắp tiếng cười.
"Những người con tha hương như chúng mình có trăm ngàn nỗi sợ, sợ ốm đau không người thân bên cạnh, sợ thất bại, sợ rất nhiều thứ nhưng sợ nhất mỗi khi Tết đến xuân về".
Để lấp đi khoảng trống đó mình đã tự làm đồ trang trí Tết thủ công (Nhật Bản ăn Tết dương lịch và họ không trang trí như Việt Nam nên không bán đồ Tết). Bao nhiêu phấn khích như trẻ mong đến Tết mặc áo mới ấy. Vừa làm vừa nở nụ cười mà khiến chồng ngồi gần cũng vui theo, xắn tay vào giúp vợ cắt dán đồ trang trí.
Vì là Tết nên không thể thiếu được cành đào, nhánh mai. Những người con tha hương như chúng mình có trăm ngàn nỗi sợ, sợ ốm đau không người thân bên cạnh, sợ thất bại, sợ rất nhiều thứ nhưng sợ nhất mỗi khi Tết đến xuân về. Buồn lắm mỗi khi cha mẹ gọi hỏi Tết có về không con, nghẹn lòng lén lau dòng nước mắt.
Để có chút hơi ấm tình thân nơi xa mình cùng một vài người bạn hẹn nhau ngày Tết gặp nhau tại nhà. Cùng nhau làm mâm cơm theo đúng hương vị Tết cổ truyền để sưởi ấm lòng nhau cũng như để an lòng cha mẹ. Bánh chưng không thể tự gói nên tôi chọn mua ở siêu thị đồ Việt. Giờ mình tự say (không đẹp mắt nhưng vị khá được). Vợ chồng cùng các bạn vừa nấu những món quê hương ngày tết vừa nghe nhạc Xuân mà háo hức từ khi lên kế hoạch. Mong sao hết dịch để được về thăm gia đình dịch bệnh bên này diễn biến phức tạp và cầu chúc cho gia đình bình an.
Phụ nữ Việt Nam