MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nguồn cầu thị trường vật liệu xây dựng 2021 đang chờ nguồn cung

10-01-2021 - 18:22 PM | Thị trường

Bước qua năm 2020, dù chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, khiến năng suất và sản lượng của ngành vật liệu xây dựng (VLXD) chịu không ít "lao đao" vì thiếu thị trường tiêu thụ, nhưng hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn ghi nhận những kết quả khả quan, sản xuất ổn định, tăng trưởng dương.

Cầu đợi cung

Hết năm 2020, Bộ Xây dựng thống kê, lượng xi măng tiêu thụ đạt 74 triệu tấn, kính xây dựng đạt 171 triệu m2, sứ vệ sinh đạt 12,8 triệu sản phẩm, đá ốp lát đạt 12 triệu m2, gạch ốp lát đạt 452 triệu m2, vôi công nghiệp đạt 1,5 triệu tấn, tấm lợp fibro xi măng đạt trên 33 triệu m2...

Đối với lĩnh vực VLXD không nung, việc đầu tư, sản xuất và sử dụng VLXD không nung đã có sự chuyển biến tích cực; các công nghệ mới, thiết bị mới sản xuất được đầu tư, phát triển và các sản phẩm VLXD không nung đa dạng, phong phú về chủng loại, chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đặc biệt, sau 10 năm thực hiện Chương trình 567 (Chương trình Phát triển VLXD không nung theo Quyết định số 567/QĐ-TTg), tổng công suất thiết kế của 3 loại sản phẩm chính là gạch bê tông (gạch xi măng-cốt liệu), gạch bê tông khí chưng áp (AAC) và gạch bê tông bọt đến năm 2020 đạt khoảng 10,2 tỷ viên/năm.

Mặc dù vậy, hiện nay, các doanh nghiệp chỉ phát huy được trên 40% công suất thiết kế, sản lượng sản xuất đạt khoảng 5 tỷ viên, chiếm trên 25% so với tổng sản lượng VLXD. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã tiết kiệm được khoảng 7,5 triệu m3 đất sét (tương đương 375 ha đất khai thác ở độ sâu 2 m), giảm tiêu thụ khoảng 750.000 tấn than và giảm thải ra môi trường khoảng 2,85 triệu tấn CO2. Đây là kết quả ấn tượng góp phần giảm thải gây ô nhiễm môi trường và giảm quá trình suy giảm diện tích đất nông nghiệp.

 Nguồn cầu thị trường vật liệu xây dựng 2021 đang chờ nguồn cung  - Ảnh 1.

Gạch không nung có cường độ chịu lực tốt phù hợp với mọi loại công trình. Ảnh: Võ Dung/TTXVN.

Mặc dù còn nhiều thách thức, nhưng dự báo năm 2021, ngành VLXD sẽ đứng trước hai nguồn cầu lớn: Vấn đề khắc phục sự cố lũ lụt ở miền Trung và sạt lở ở miền núi trong năm 2020 cần đến số lượng lớn VLXD các loại đáp ứng cho xây dựng, sửa chữa cơ sở hạ tầng; thị trường bất động sản đang có chiều hướng phục hồi tốt, dẫn đến đầu tư bất động sản gia tăng, kéo theo việc sử dụng VLXD vào các công trình tăng lên. Thực tế này cho thấy, năm 2021, thị trường VLXD sẽ sôi động vì nguồn cầu đang chờ nguồn cung.

Theo ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ VLXD (Bộ Xây dựng), ngành VLXD cần ưu tiên đầu tư các dự án sản xuất VLXD mới, các dự án công suất lớn sử dụng công nghệ tiên tiến; các dự án sản xuất VLXD sử dụng khối lượng lớn chất thải từ các ngành công nghiệp, nông nghiệp và rác thải sinh hoạt; kết hợp việc sử dụng khoáng sản tự nhiên với việc sử dụng vật liệu tái chế. Đồng thời, tận dụng tối đa tro, xỉ, thạch cao phát thải từ các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón và các cơ sở công nghiệp khác làm nguyên liệu, phụ gia sản xuất VLXD.

Bệ đỡ chính sách hỗ trợ

Ngày 18/8/2020, tại Quyết định 1266/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức ban hành Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2050. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển ngay từ đầu năm 2021.

Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2025, các nhà máy xi măng hiện có công suất nhỏ hơn 2.500 tấn clanke/ngày, tiêu hao nhiều nguyên, nhiên liệu và năng lượng lớn, phải đầu tư chiều sâu đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

Đối với kính xây dựng, tiếp tục đầu tư sản xuất các sản phẩm kính có chất lượng cao, có giá trị kinh tế cao như: Kính tiết kiệm năng lượng, kính siêu trắng, siêu mỏng, kính cho pin năng lượng, kính chống cháy...; đầu tư chiều sâu cải tạo các cơ sở sản xuất kính có công nghệ lạc hậu, thiết bị cũ, tiêu hao nhiều nguyên, nhiên liệu, năng lượng và chất lượng sản phẩm thấp, đáp ứng đầy đủ các chỉ tiêu về công nghệ và môi trường…

Để đạt được những mục tiêu trên, Chiến lược đưa ra 7 giải pháp thực hiện, gồm: Hoàn thiện thể chế, chính sách; khai thác tài nguyên khoáng sản hiệu quả, tiết kiệm; đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ; đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm VLXD trong nước và xuất khẩu; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao năng lực chế tạo thiết bị; bảo vệ môi trường trong sản xuất.

Cụ thể, Chiến lược có mục tiêu phát triển ngành công nghiệp sản xuất VLXD đạt trình độ tiên tiến, hiện đại; sản phẩm có chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước; loại bỏ hoàn toàn công nghệ sản xuất VLXD lạc hậu, tiêu tốn nhiều tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường; xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có tính cạnh tranh mạnh trên thị trường quốc tế. Hạn chế xuất khẩu những sản phẩm sử dụng nhiều nguyên liệu, nhiên liệu là tài nguyên khoáng sản không tái tạo.

"Chiến lược sẽ góp phần dẫn dắt, định hình các hoạt động phát triển VLXD phù hợp với quy luật cung-cầu của kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, lấy phát triển kinh tế xã hội và hài hòa bảo vệ môi trường làm chủ đạo trong 10 năm tới; cải cách thủ tục hành chính đáp ứng  nhu cầu thực tiễn và hội nhập sâu rộng cùng xu thế phát triển VLXD của thế giới, tạo hành lang chính sách thúc đẩy ngành VLXD tăng tốc", lãnh đạo Bộ Xây dựng khẳng định.

Theo Vân Sơn

Báo Tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên