Nguồn cung cạn kiệt, giá lại tăng cao - người giàu nhất châu Phi mở nhà máy phân bón lớn nhất châu lục
Người giàu nhất châu Phi Aliko Dangote đã khai trương nhà máy phân bón lớn nhất châu lục trong tuần này giữa lúc chiến tranh ở Ukraine làm gián đoạn nguồn cung từ Nga, đe dọa khủng hoảng lương thực toàn cầu.
- 18-03-2022Giá phân bón liên tục tăng cao mở đường cho hàng tấn phân bón nhập lậu
- 14-03-2022Ukraine cấm xuất khẩu phân bón, nông dân toàn cầu khó khăn chồng chất khó khăn
- 14-03-2022Nông dân oằn mình vì giá phân bón
Theo CNN, nhà máy phân bón urê và amoniac trị giá 2,5 tỷ USD được xây theo đề nghị của Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari đặt ở Lagos, Nigeria. Cũng tại đây, ông Dangote cũng sẽ mở nhà máy lọc dầu công suất 650.000 thùng/ngày vào cuối năm nay.
Ông Aliko Dangote (sinh năm 1957) là một ông trùm kinh doanh người Nigeria. Ông là chủ tịch và giám đốc điều hành của Tập đoàn Dangote và là người giàu nhất ở châu Phi. Giá trị tài sản ròng của ông ước tính là 14,1 tỷ USD tính đến tháng 1/2022.
Ông Aliko Dangote - người giàu nhất châu Phi
Ngày 22/3, ông Dangote cho rằng thị trường urê đã tăng rất cao và mọi người đang mong muốn tập đoàn của ông bán mặt hàng này. Ông nói thêm: "Chúng tôi sẽ lựa chọn rất kỹ đối tượng mà chúng tôi bán sản phẩm này. Chúng tôi đang chất hàng lên một con tàu để đưa tới Mỹ, Brazil, Mexico, Ấn Độ... EU cũng đang cố gắng mua hàng của chúng tôi".
Ông Dangote cho biết nhà máy sản xuất phân bón nằm trên khu đất rộng 500ha ở ngoại ô Lagos và có công suất sản xuất 3 triệu tấn urê hàng năm, trở thành nhà máy lớn thứ hai trên thế giới.
Nhà máy nói trên xuất hiện vào thời điểm vô cùng quan trọng. Các biện pháp trừng phạt đã làm gián đoạn việc bán phân bón và cây trồng từ Nga. Nhiều ngân hàng và thương nhân phương Tây đang "né" nguồn cung từ Nga do lo sợ vi phạm các quy tắc đang thay đổi nhanh chóng, trong khi các công ty vận tải biển đang tránh khu vực Biển Đen bởi lo ngại về an toàn.
Cuộc chiến ở Ukraine đã đẩy giá cả lên cao và gây ra tình trạng thiếu lương thực toàn cầu. Nga và Ukraine là những nhà cung cấp chính urê, kali và phốt phát - những thành phần chính của phân bón. Các quốc gia này cũng là nhà cung cấp lúa mì và các loại ngũ cốc lớn trên toàn cầu.
Urê và amoniac là những thành phần thiết yếu giúp nông dân đạt được mục tiêu sản xuất. Tuy nhiên, nông dân không còn mua được phân bón với giá cả như trước, từ đó có thể đe dọa chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu vốn đang mong manh.
Ông Dangote cho biết: "Chúng tôi may mắn có được nhà máy này. Nhà máy xuất hiện vào đúng thời điểm xung đột Ukraine-Nga khi cả Ukraine và Nga đều kiểm soát lượng đáng kể đầu vào nông nghiệp... Điều này có thể giúp ích rất nhiều cho các nước châu Phi".
Trong tháng này, Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc cho biết số người có thể lâm vào cảnh đói ăn đã tăng từ 27 triệu người năm 2019 lên 44 triệu người.
Ông Wandile Sihlobo, nhà kinh tế trưởng của Phòng Kinh doanh Nông nghiệp Nam Phi, cho biết các khu vực của châu Phi có thể xảy ra cảnh đói kém trong vòng ba tháng nếu cuộc chiến của Nga ở Ukraine kéo dài.
Trong thời gian qua, Nigeria đã cố gắng đa dạng hóa nền kinh tế chứ không chỉ phụ thuộc dầu mỏ. Ông Dangote cho rằng nhà máy này có thể mang lại cho Nigeria 5 tỷ USD doanh thu xuất khẩu mỗi năm. Ông nhận định: "Đây là một tác động rất lớn. Nhà máy rất có ý nghĩa đối với nền kinh tế Nigeria".
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nigeria Godwin Emefiele cho biết giảm nhập khẩu phân bón là một trụ cột quan trọng trong chương trình đa dạng hóa của Tổng thống Buhari, đưa nước này từ vị trí nhập khẩu ròng hàng hóa này sang tự cung tự cấp.
Ông nói trong bài phát biểu tại lễ khánh thành nhà máy: "Trong 5 năm qua, Nigeria đã sản xuất hơn 35 triệu bao phân trộn. Do đó, hóa đơn nhập khẩu phân bón của chúng ta không chỉ giảm đáng kể mà chúng ta còn thấy đầu tư vào ngành phân bón gia tăng, chẳng hạn như nhà máy của Tập đoàn Dangote hôm nay. Ngày nay, Nigeria tự cung tự cấp về sản xuất urê và chúng ta cũng là nhà sản xuất urê hàng đầu ở châu Phi".
Phát biểu tại sự kiện này, Tổng thống Buhari cho biết nhà máy này sẽ giúp Nigeria chấm dứt phụ thuộc nhập khẩu lương thực. Ông nói: "Nhà máy đang tạo ra cơ hội lớn trong lĩnh vực tạo việc làm, kho bãi, vận tải và hậu cần. Nhà máy sẽ làm ra của cải đáng kể, giảm đói nghèo và giúp đảm bảo tương lai quốc gia chúng ta".
Tham khảo: CNN