Nguồn cung dầu diesel ngày càng hạn hẹp
Thế giới sẽ mất tới 3 triệu thùng dầu và các sản phẩm tinh chế từ dầu mỗi ngày từ Nga do tác động của lệnh trừng phạt.
- 11-02-2022Sau dầu mỏ, khí đốt và than đá, khủng hoảng nguồn cung lan sang thị trường diesel toàn cầu
- 08-05-2021Chặn tiêu thụ trên 20.000 lít dầu diesel không đảm bảo chất lượng
- 22-08-2018Giữ nguyên giá xăng, tăng giá dầu diesel thêm 148 đồng/lít từ 15h chiều nay
Thế giới đang chứng kiến nguồn cung dầu diesel ngày càng cạn kiệt, trong đó châu Âu có nguy cơ cao nhất bị thiếu hụt nhiên liệu này trên diện rộng và có thể phải áp dụng chính sách phân phối theo định mức, các tập đoàn thương mại hàng đầu thế giới cảnh báo.
Tại hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về hàng hoá ở Lausanne, Thuỵ Sĩ vào ngày 22/3, lãnh đạo của 3 trong số tập đoàn thương mại hàng hoá lớn nhất thế giới, gồm Vitol, Gunvor và Trafigura, ước tính thế giới sẽ mất tới 3 triệu thùng dầu và các sản phẩm tinh chế từ dầu mỗi ngày từ Nga do tác động của lệnh trừng phạt.
“Điều mà mọi người quan tâm là nguồn cung dầu diesel sẽ ra sao. Khoảng một nửa lượng dầu diesel của châu Âu được nhập khẩu từ Nga và khoảng một nửa đến từ Trung Đông. Đó chính là yếu tố gây ra sự thiếu hụt diesel mang tính hệ thống”, Russell Hardy, giám đốc tập đoàn thương mại hàng hoá Vitol, nói.
Thế giới sẽ mất tới 3 triệu thùng dầu và các sản phẩm tinh chế từ dầu mỗi ngày từ Nga do tác động của lệnh trừng phạt. Ảnh: Reuters.
Dầu diesel nhập khẩu từ Nga chiếm gần 15% lượng tiêu thụ của châu Âu. Ông Hardy cho biết việc chuyển sang sử dụng dầu diesel nhiều hơn xăng ở châu Âu càng khiến nhiên liệu này bị thiếu hụt. Các nhà máy lọc dầu có thể tăng sản lượng dầu diesel, song họ thừa nhận rằng khu vực này có thể phải áp dụng chính sách phân phối theo định mức.
Torbjorn Tornqvist, đồng sáng lập và chủ tịch của Tập đoàn Gunvor, cho rằng diesel không còn là vấn đề của riêng châu Âu mà của toàn thế giới.
Trong khi đó, Jeremy Weir, giám đốc điều hành của Trafigura, cho hay 2 – 2,5 triệu thùng dầu trong sản lượng khai thác của Nga sẽ biến mất khỏi thị trường toàn cầu. “Thị trường dầu diesel đang cực kỳ khan hiếm và sẽ ngày càng khan hiếm”.
Theo Amrita Sen, giám đốc bộ phân phân tích dầu tại Energy Aspects, diesel đến nay là sản phẩm tinh chế từ dầu bị ảnh hưởng nhất vì châu Âu nhập khẩu gần 1 triệu thùng dầu diesel của Nga mỗi ngày và căng thẳng Nga – Ukraine diễn ra vào thời điểm tồn kho dầu thô ở mức thấp gần như kỷ lục.
Ông Tornqvist cho biết thị trường khí đốt châu Âu không còn hoạt động bình thường nữa do các công ty thương mại bị ngân hàng yêu cầu sử dụng tiền mặt để trang trải cho các vị thế phòng ngừa rủi ro. Nói cách khác, các công ty thương mại hàng hoá phải đối mặt với yêu cầu ký quỹ ngày càng cao. Ông Hardy cho biết tỷ lệ tham gia vào thị trường khí đốt giao ngay giảm xuống do chi phí giao dịch lên quá cao.
Để vận chuyển một lô hàng khí đốt tự nhiên hoá lỏng tương đương 1 MWh có giá 97 euro, các công ty thương mại phải cung cấp 80 euro tiền mặt, khiến dự trữ vốn của họ trở nên cạn kiệt.
Tuần trước, những công ty thương mại năng lượng lớn nhất châu Âu kêu gọi các chính phủ và ngân hàng trung ương hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp để giữ thị trường khí đốt và điện tiếp tục hoạt động trong bối cảnh căng thẳng Nga – Ukraine cản trở hoạt động giao dịch hàng hoá.
Giá hợp đồng khí đốt tương lai TTF Hà Lan, phản ánh giá khí đốt bán buôn ở châu Âu, tăng vọt từ khoảng 80 euro/MWh trước khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự ở Ukraine lên hơn 300 euro vào đầu tháng này, sau đó giảm xuống dưới 100 euro một lần nữa trong tuần này. Hai năm trước, giá khí đốt ở châu Âu chưa tới 20 euro/MWh.
Ông Tornqvist cho rằng các công ty điện ở châu Âu sẽ gặp nhiều khó khăn để có thể lấp đầy kho xăng cho mùa đông tới do tình trạng tê liệt trên thị trường khí đốt giao ngay, trừ khi các nhà hoạch định chính sách can thiệp để bảo vệ người mua trước sự biến động của giá cả.
Người đồng hành