Nguồn lợi 19 tỷ USD: Ngân sách sẽ bội thu?
Với một loạt các chương trình, gói ưu đãi được luật hoá, như dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đang được lấy ý kiến. Tương lai, ngân sách có cơ hội kiếm nguồn thu thuế mới lên tới khoảng 19,2 tỷ USD.
- 13-06-201611 triệu người ăn lương: Ngân sách nào kham nổi?
- 10-06-2016Tín hiệu khả quan cho ngân sách 2016
- 07-06-2016Chính phủ yêu cầu dừng sắm xe công nếu ngân sách hụt thu
Nguồn thu “khủng” cho ngân sách
19,2 tỷ USD chỉ là một trong nhiều con số về lợi ích kinh tế mà chuyên gia kinh tế độc lập Lê Duy Bình nêu ra khi công bố Báo cáo đánh giá tác động (RIA) đối với dự Luật Hỗ trợ DNNVV.
Ông Bình cho biết, dự luật sẽ tác động tích cực tới mục tiêu đạt con số 1 triệu DN Việt Nam năm 2020, đóng góp trực tiếp cho quá trình chính thức hoá doanh nghiệp, củng cố và mở rộng khu vực kinh tế chính thức.
Hiện, Việt Nam có 450.000 DN đang hoạt động. Với mức độ tạo việc làm như của các DN hiện tại, khi có thêm 550.000 DN mới ra đời, nền kinh tế sẽ hấp thụ thêm ít nhất 235.000 tỷ đồng, tương ứng 10,5 tỷ USD vào đầu tư sản xuất kinh doanh.
Kéo theo đó, các DN mới sẽ tạo ra tới 8,5 triệu việc làm mới; trong đó, có 7,5 triệu việc làm từ các DN mới và khoảng 200.000 việc làm từ các hợp đồng mua sắm công.
Nhờ vậy, một nguồn thu thuế mới sẽ được hình thành từ cộng đồng các DN này, với con số được ước tính lên tới 429.000 tỷ đồng, tương ứng mức 19,2 tỷ USD.
"Hiện mỗi năm, các DN tư nhân Việt Nam đóng góp khoảng 200.000 tỷ đồng tiền thuế các loại, bao gồm cả thuế thu nhập doanh nghiệp, VAT, tiêu thụ đặc biệt,... Số thuế này cũng chỉ tính trên cơ sở 40% DN có lãi", ông Bình cho hay.
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, ông Đặng Huy Đông, chia sẻ: "Mỗi DN chỉ cần tạo ra 5-10 việc làm. Với mức lương tối thiểu trung bình 3 triệu/người/tháng thì một năm, thu nhập cho người lao động là 36 triệu đồng. Trong khi đó, thu nhập từ trồng lúa, hoa màu chỉ được 20-30 triệu đồng/năm. Như vậy, mỗi việc làm mà DN nhỏ và vừa của Việt Nam tạo ra là tương đương một ha lúa".
Còn nặng về trợ cấp
Đúng tên gọi của dự án Luật này, nhiều "gói" hỗ trợ, ưu đãi cho DN được quy định cứng liên quan đến thuế, đất đai,... dự kiến sẽ tác động rất lớn.
Ông Bình cho biết, chi phí về thuế cho các DN sẽ giảm tới 4.000-5.000 tỷ đồng/năm do giảm 5% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các DN khởi nghiệp, qua đó, cải thiện tỷ suất lợi nhuận của các DN.
Khi dự Luật đặt ra yêu cầu về tỷ lệ 20% vốn ngân sách hay 20% hợp đồng trong các dự án mua sắm công của cơ quan Nhà nước phải dành cho DNNVV thì các DN này có thể có cơ hội cung ứng hàng hoá dịch vụ công lên tới gần 21 tỷ USD. Đây sẽ như một gói kích cầu đối với sản phẩm dịch vụ của DNNVV lên tới 4,2 tỷ USD và ước tính, khoảng 40.000 DN có thể tiếp cận được các hợp đồng mua sắm công.
Dự luật sẽ phải thay đổi lại cách tiếp cận theo hướng khuyến khích DN thay vì "trợ cấp" cho DN
"Dư nợ tín dụng hiện nay cho DNNVV chiếm khoảng 20% tổng dư nợ của toàn bộ nền kinh tế. Nếu tăng thêm 10% số dư nợ này theo quy định khuyến khích các Ngân hàng thương mại đạt 30% dư nợ cho vay đối với DNNVV, dự Luật mở ra cơ hội tiếp cận ít nhất nguồn vốn 397.000 tỷ đồng, khoảng 18 tỷ USD từ các ngân hàng Thương mại và ít nhất 7.560 tỷ đồng thông qua các Quỹ bảo lãnh tín dụng”, ông Bình cho biết.
Những ưu đãi về tiếp cận đất đại như dự Luật quy định cũng giúp cho các DN tiếp cận thuê khoảng 27.000 ha đất tại các Khu công nghiệp, khu tiểu thủ công nghiệp.
Với tác động to lớn đó, nghiên cứu của ông Bình cho thấy, các ước tính chi phí Ngân sách Nhà nước bỏ ra thấp hơn nhiều. Tổng chi phí hỗ trợ từ nguồn lực ngân sách Nhà nước ở mức 18.745 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,6% chi ngân sách.
Mặc dù được ưu đãi khủng như vậy nhưng hầu hết các doanh nghiệp băn khoăn về tính khả thi của dự Luật.
Bà Trần Thị Đẹp, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh An Giang, nói: "Luật chỉ nên nên gom một số ưu đãi có thể thực hiện ngay được, còn như hiện nay, có quá nhiều ưu đãi nên e là không thể thực hiện được".
"Luật đề ra việc giảm 5% thuế thu nhập DN trong 5 năm đầu khởi nghiệp, nhưng đa số, DN mới thành lập thường lỗ nên không phải nộp thuế. Như vậy, ưu đãi này bằng 0, không có ý nghĩa với DN", bà Đẹp ví dụ.
Hay như quy định về vai trò chủ trì triển khai các chương trình hỗ trợ DN đối với các tổ chức hiệp hội, bà Đẹp cũng cho rằng: "không thể làm được vì vừa không có người, vừa không có kinh phí".
Lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp Bình Phước bày tỏ: "Hiện mỗi một dự án hỗ trợ cho DN thì DN chỉ hưởng được 1/3 nguồn hỗ trợ này. Chưa kể, nhiều dự án hỗ trợ do cơ quan Nhà nước triển khai mang tính hình thức, giải ngân là chính".
Chỉ ra nhiều lỗ hổng không sát thực tế của dự luật, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), đánh giá: "Dự Luật đậm không khí trợ cấp hơn là Nhà nước kiến tạo cho DN".
Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI, cũng lo ngại, đang có tới 30 chương trình và Quỹ về nội dung hỗ trợ DNNVV với quá nhiều tiêu chí khác nhau. Đối tượng được hỗ trợ của Luật rất rộng trong khi điều kiện Nhà nước hạn chế về nguồn lực. Nếu không tính toán hợp lý, dễ tạo ra cơ chế xin - cho.
"Do vậy, dự luật sẽ phải thay đổi lại cách tiếp cận theo hướng khuyến khích DN thay vì "trợ cấp" cho DN", bà Hằng đề nghị.
Vietnamnet