Nguồn lợi “khổng lồ” từ những công trình lấn biển
Cơ quan chức năng đang rà soát toàn bộ hồ sơ thực hiện dự án lấn biển Khu Du lịch và giải trí Sông Lô của Công ty TNHH Hoàn Cầu tại TP Nha Trang.
Từ kết luận của TTCP về việc tỉnh Khánh Hòa đã “hợp thức hóa” cho doanh nghiệp lấn biển 11,6ha, dư luận xã hội lại một lần nữa “dậy sóng”, rằng nên hay không nên chấp thuận những công trình lấn biển?
- 29-06-2022Khu đô thị hơn 1.700 tỷ đồng ở Thái Nguyên tìm nhà đầu tư
- 29-06-2022Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ rõ vi phạm tại dự án có vị trí đẹp bậc nhất trục Lê Văn Lương
- 29-06-2022Diễn biến “lạ” tại điểm nóng phân lô bán nền
Trên thực tế, việc xây dựng các công trình lấn biển không còn xa lạ với các nước trên thế giới, từ các nước Châu Âu đến các nước Châu Á, các dự án lấn biển liên tiếp được triển khai dưới áp lực dân số và sự phát triển kinh tế thế giới.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú đưa ra dẫn chứng một số mô hình lấn biển thành công trên thế giới, xứng đáng để Việt Nam học tập. Có thể kể tới mô hình đê biển Afsluitdijk của Hà Lan, tuyến đê có quy mô “siêu khủng”, tổng chiều dài hơn 32km, rộng 90m. Khi hoàn thành, nó đã cô lập vịnh ngập triều nước mặn Zuiderzee; cải tạo chất lượng nước và hệ sinh thái cửa sông thành “biển hồ” nước ngọt với tổng diện tích 110.000 ha, mở rộng thêm diện tích đất thổ cư và canh tác nông nghiệp.
Bên cạnh đó, Singapore cũng là ví dụ điển hình, quốc gia này đã mở mang lãnh thổ bằng đất lấy từ những ngọn đồi, đáy biển và những nước lân cận. Nhờ đó, diện tích đất của Singapore đã tăng từ 581,5km2 ở thập niên 1960 lên 697,25km2 ngày nay và có thể sẽ tăng thêm 100km2 nữa đến năm 2030. Trong đó, khu nghỉ dưỡng Marina Bay Sands được xây trên diện tích lấn biển với lượng cát được đổ từ những năm 1970. Đây là tổ hợp khu kinh doanh, nghỉ dưỡng kết hợp casino, toạ lạc bên bờ vịnh Marina mang tầm cỡ quốc tế.
Hàn Quốc cũng được biết tới với dự án đê biển Saemangeum bao quanh một vùng biển có diện tích 40.100 ha nằm giữa biển Hoàng Hải và cửa sông Saemangeum. Công trình này đã giúp Hàn Quốc có thêm 401 km vuông, tương đương với 2/3 diện tích thủ đô Seoul.
"Ban đầu chính phủ Hàn Quốc định dành 70% diện tích đất cải tạo cho sản xuất nông nghiệp, nhưng hiện nay sản lượng lương thực của Hàn Quốc đang vượt xa nhu cầu trong nước. Chính vì thế, Seoul dự kiến xây dựng khu vực này thành một thành phố mới nhằm phát triển các ngành công nghiệp, vận tải biển, du lịch, giải trí và trồng hoa. Saemangeum sẽ đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch của Hàn Quốc nhằm phát triển khu vực bờ biển phía Nam thành một trung tâm vận tải, du lịch và công nghiệp xanh của khu vực Đông Bắc Á” - Vị chuyên gia này chia sẻ thêm.
Đồng quan điểm, ông Trần Văn Pha - Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Lý Sơn cho rằng: Việc lấn biển mở rộng diện tích đảo rất nhiều quốc gia đã thực hiện. Đây là cơ hội tốt, không thể hút đâu ra nguồn cát hàng triệu khối san lấp biển mở rộng đảo Lý Sơn sau này.
Trước nghi vấn, nếu triển khai các dự án lấn biển thì sẽ vô tình sẽ phá hỏng cảnh quan, cũng như không bảo đảm vấn đề môi trường, ông Pha bày tỏ: "Sẽ lắng nghe ý kiến của các chuyên gia góp ý để giảm thiểu tối đa tác động và phục vụ cho sự phát triển chung. Với những dự án lấn biển, chúng ta có thể nhìn thấy ngay rất nhiều cơ hội tốt cho cả doanh nghiệp lẫn cộng đồng".
Hoạt động lấn biển nếu không được quản lý, kiểm soát chặt chẽ sẽ luôn tiềm ẩn những nguy cơ tác động xấu đến môi trường, đời sống người dân (Ảnh: Dự án The Sunrise Bay tại Đà Nẵng)
Thẳng thắn chia sẻ quan điểm về vấn đề này, TS. Dư Văn Toán, thành viên của Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo cho rằng: Các hoạt động lấn biển có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, để phát triển bền vững vùng ven bờ, Nhà nước cần xây dựng chiến lược quốc gia về các hoạt động, công trình lấn biển phục vụ phát triển kinh tế, có tính đến quy hoạch khai thác sử dụng đất, mặt nước và các tài nguyên vùng bờ Việt Nam, quy hoạch môi trường và đa dạng sinh học; đặc biệt là soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp.
Hơn hết, cần kiểm kê, thống kê hiện trạng tài nguyên môi trường vùng ven bờ, hải đảo, lập các bản đồ về sinh vật và các hệ sinh thái ven bờ; dự báo biến động môi trường biển trong bối cảnh dài hạn có tính đến tác động của các kịch bản lấn biển.
"Riêng các tỉnh, thành phố ven biển, cần sớm ban hành quy hoạch vùng bờ, hành lang biển, chương trình quản lý tổng hợp vùng bờ, đồng thời huy động xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường và phục hồi hệ sinh thái ven bờ của các cá nhân, tổ chức xã hội liên quan” - Ông Toán cho hay.
Diễn đàn doanh nghiệp