MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Nguồn sống" của hàng triệu nông dân Việt Nam gặp khó, làm sao tìm "cơ" trong "nguy"?

Xuất khẩu rau quả Việt Nam tiếp tục giảm mạnh với giá trị kim ngạch trong tháng 5 chỉ đạt 275 triệu USD, giảm 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính từ đầu năm đến nay, xuất khẩu rau quả đạt 1,5 tỷ USD, giảm 14,5% so với năm 2019, theo thông tin mới nhất từ Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản.

Dù giá trị xuất khẩu rau quả sang các thị trường hầu như đều có sự tăng trưởng, thì xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc - thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam - trong 4 tháng đầu năm nay lại giảm hơn 29% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 1,1 tỷ USD. Trung Quốc chiếm tới 60,8% thị phần nhập khẩu rau quả Việt Nam. Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, bình quân mỗi tháng, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 200 triệu USD rau quả.

Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đều giảm, trừ cà phê, gạo, rau, sắn, quế, mây tre... Đặc biệt, một số mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực đều có xu hướng giảm mạnh. Thanh long (chiếm 34,6% tổng giá trị xuất khẩu rau quả) giảm 7,7%; dưa hấu giảm 40%; sầu riêng giảm 84%, nhãn giảm 81%.

Hiện tại, tình trạng giảm sâu về giá trị xuất khẩu được cho là do thị trường xuất khẩu ngưng trệ vì dịch Covid-19 ở nhiều nước còn diễn biến phức tạp, trong khi tại nhiều địa phương nguồn cung lại tăng mạnh khiến giá trái cây giảm sâu. Thậm chí có giai đoạn mùa thu hoạch đúng vào thời điểm Trung Quốc đóng cửa không nhập hàng, nhiều loại nông sản ùn ứ phải đổ bỏ ở cửa biên giới hoặc để chín rụng.

Nguồn sống của hàng triệu nông dân Việt Nam gặp khó, làm sao tìm cơ trong nguy? - Ảnh 1.

Cụ thể, sầu riêng Ri6, sầu riêng khổ qua xanh, sầu riêng bí rợ... thương lái thu mua tại vườn từ 25.000-40.000 VND/kg, giảm 15.000-20.000 VND/kg so với cùng kỳ năm 2019. Giá chôm chôm cũng giảm mạnh, xuống 6.000 VND/kg trong khi năm ngoái là 15.0000 VND/kg.

Tại Bình Thuận, giá thanh long đang xuống đáy, chỉ 3.000 VND/kg. Mặc dù giá thấp nhưng mặt hàng này vẫn ế ẩm, khó bán. Đồng Nai hiện có nhiều loại cây ăn trái chủ lực với diện tích thuộc tốp đầu cả nước như: chuối hơn 10 ngàn ha, xoài gần 12 ngàn ha, sầu riêng gần 7 ngàn ha... Trong đó, 60-80% các loại cây ăn trái trên xuất khẩu tươi sang thị trường Trung Quốc. Cao điểm thu hoạch của các loại cây ăn trái trên từ tháng 4 đến tháng 8 hằng năm. Trong tình hình dịch Covid-19 kéo dài, khả năng dư thừa của các loại cây ăn trái trên là rất lớn.

Ông Phạm Thanh Đồng - Giám đốc HTX Thương mại, dịch vụ, nông nghiệp Quyết Tiến nhận định, hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc hiện nay đang dần hồi phục, nhu cầu về mặt hàng thực phẩm, trong đó có trái cây tươi của thị trường này rất lớn. Tuy nhiên, xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch vẫn đang bị siết chặt và dễ bị đóng cửa. Doanh nghiệp, thương lái nên đầu tư để chuyển sang xuất khẩu chính ngạch qua các cửa khẩu bằng đường biển sẽ ít rủi ro bị đóng cửa khẩu như các tuyến đường bộ.

Trong nhiều hội nghị trực tuyến bàn giải pháp đầu ra cho nông sản, đặc biệt là tăng cường thị trường xuất khẩu do ảnh hưởng dịch Covid-19, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường khẳng định, tình hình giao thương, thông quan hàng hóa nông sản tại các cửa khẩu giáp với Trung Quốc đang dần khôi phục bình thường nhưng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng dịch.

Ngoài 9 loại nông sản đã được phép xuất chính ngạch vào Trung Quốc, Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành liên quan sẽ tiếp tục làm việc với Trung Quốc để nước này mở cửa thêm cho sầu riêng, chanh dây, khoai lang… Tuy nhiên, phía Việt Nam cũng phải quan tâm thực hiện việc truy xuất nguồn gốc, đầu tư bao bì, nhãn mác, nâng chuẩn chất lượng… để xuất khẩu tốt khi dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động xuất khẩu hàng hóa khôi phục trở lại.

Bộ NN&PTNT khuyến cáo các doanh nghiệp cần tập trung đẩy mạnh sơ chế, hướng tới xuất khẩu rau, quả dạng chế biến. Dự báo, từ nay đến cuối năm, xuất khẩu rau, quả sẽ tăng trưởng trở lại khi các quốc gia khống chế được dịch Covid-19.

Nguồn sống của hàng triệu nông dân Việt Nam gặp khó, làm sao tìm cơ trong nguy? - Ảnh 2.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, chế biến là giải pháp gỡ khó về đầu ra cho các sản phẩm trái cây tươi vì có thể bảo quản lâu và dự kiến sẽ được tiêu thụ mạnh trong thời gian tới, khi dịch đã được kiểm soát và nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh. Để thâm nhập vào thị trường nước ngoài và gia tăng giá trị, doanh nghiệp hay nông dân Việt Nam phải nâng chất cho sản phẩm bằng cách đầu tư nhiều hơn về kỹ thuật, cũng như chế biến sâu.

Bên cạnh thị trường xuất khẩu, các chuyên gia kinh tế cũng chỉ ra rằng, nhu cầu của thị trường nội địa gần 100 triệu dân của Việt Nam cũng là rất tiềm năng, doanh nghiệp cũng cần tập trung để không bỏ lỡ cơ hội trong nước.

Nguồn cầu tại Trung Quốc cũng được dự kiến sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới. Theo dự báo của Sở Thương mại Vân Nam, thời gian từ nay đến hết tháng 6/2020, thị trường tỉnh Vân Nam sẽ thiếu hụt một số lượng lớn (khoảng 25 - 35%) các loại hàng hóa nông sản thiết yếu (nhóm hàng rau quả, lương thực, thực phẩm...) phục vụ cho đời sống nhân dân.

Để thúc đẩy giao thương, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Côn Minh phối hợp với Ủy ban Xúc tiến thương mại quốc tế Trung Quốc - Chi nhánh tỉnh Vân Nam (CCPIT Vân Nam) đã tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến nông sản, thực phẩm Việt Nam - Trung Quốc (Vân Nam).

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cũng đã đề nghị phía Trung Quốc đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động thông thương hàng hóa, đặc biệt là nông sản, thủy sản, thực phẩm Việt Nam sang Trung Quốc thông qua các cặp cửa khẩu với Vân Nam;

Bên cạnh đó, cần có biện pháp hữu hiệu giảm áp lực thông quan, giảm áp lực ùn ứ hàng hóa. Phía Trung Quốc cũng cần đẩy nhanh tiến trình mở cửa thị trường cho một số mặt hàng nông sản Việt Nam như thạch đen, tổ yến, khoai lang, sầu riêng, chanh leo, bơ, bưởi, dừa, na, roi... đưa sản phẩm nông sản Việt Nam xuất khẩu và giao dịch theo phương thức chính quy...

H.A

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên