Nguy cơ bị trộm tiền từ thẻ tín dụng, chủ thẻ cần làm gì?
Thanh toán bằng thẻ tín dụng khi mua sắm hàng hóa hoặc giao dịch trực tuyến rất tiện lợi và nhanh chóng, nhưng đây cũng là đích ngắm của những kẻ gian, khiến nhiều người tiêu dùng mất tiền oan. Tuy nhiên, với các công nghệ bảo mật tối tân ngày nay của những công ty công nghệ thanh toán như Mastercard, những rủi ro này sẽ không bao giờ xảy ra nếu chủ thẻ nắm rõ cách sử dụng thẻ an toàn.
Cần cảnh giác khi đưa thẻ tín dụng cho người lạ
Một đại diện của Mastercard cho biết, người dùng bị lộ thông tin thẻ tín dụng có thể từ hành vi thiếu cảnh giác khi giao dịch tại điểm mua sắm, hoặc bị tin tặc tấn công, cài mã độc vào hệ thống máy tính của điểm bán hàng để trộm thông tin trên thẻ.
Về hành vi thiếu cảnh giác, khách hàng thường không theo dõi thanh toán mà gửi thẻ cho người phục vụ lạ mặt đi cà thẻ một lúc lâu và quay lại cùng hóa đơn. Trong trường hợp này, kẻ gian có thể chụp lại thông tin trên thẻ (bao gồm mã số thẻ cũng như mã CVV) để sau đó đặt hàng trực tuyến để mua hàng khắp thế giới.
“Để giải quyết vấn đề này, Mastercard đã và đang triển khai công nghệ thẻ không tiếp xúc (contactless payment) cho các loại thẻ thanh toán. Với công nghệ này, khi thanh toán, thẻ không bao giờ rời khỏi tay người tiêu dùng, chủ thẻ chỉ cần chạm nhẹ thẻ vào các máy POS mà không phải đưa thẻ cho nhân viên cửa hàng, giúp giảm thiểu rủi ro bị mất thông tin hay làm giả thẻ,” đại diện của Mastercard chia sẻ.
Cũng theo vị đại diện này, trào lưu mua bán hàng trên mạng, đặc biệt mua đồ thương hiệu ở những trang web nước ngoài đã trở nên phổ biến. Nhiều người không ý thức được việc bảo quản thẻ nên đã đăng nhập vào những trang web giả mạo hoặc có tính lừa đảo để lấy cắp thông tin của chủ thẻ. Người tiêu dùng nên tự bảo vệ mình bằng cách lựa chọn những trang web uy tín, bảo mật có biểu tượng ổ khoá trên thanh browser. Nếu địa chỉ website bắt đầu bằng “https” (“s” nghĩa là an toàn), nó sẽ đảm bảo bất kỳ thông tin nào bạn nhập vào đều được bảo mật.
Đừng quên đăng ký dịch vụ nhận thông báo tin nhắn qua điện thoại
Chị Phương Linh (30 tuổi, ngụ tại quận 7, TP.HCM) chia sẻ sau khi đi công tác từ Kuala Lumpur, Malaysia về, vào lúc 1AM hai ngày sau đó, ngân hàng gửi tin nhắn đòi xác thực về một giao dịch mua hàng trên Amazon mà chị không hề hay biết. Chị suy nghĩ, rất có thể chị đã cà thẻ trúng vào chiếc máy POS bị cài mã độc.
Chị Linh cho biết, do có đăng ký dịch vụ 3D Secure của Mastercard yêu cầu thêm một lớp mật khẩu sử dụng một lần (OTP) được gửi qua tin nhắn SMS để hoàn tất việc thanh toán, nên ngay lập tức chị liên hệ với ngân hàng để thực hiện thao tác khóa thẻ, sau đó tiến hành các thủ tục khiếu nại với ngân hàng để đảm bảo an toàn cho số tiền trên thẻ của mình.
Đại diện của Mastercard cho rằng, trước đây, chủ thẻ chỉ cần nhập thông tin thẻ tín dụng (số thẻ, số xác minh thẻ ở mặt sau) khi giao dịch thanh toán online, việc này chứa đựng nhiều rủi ro vì kẻ gian chỉ cần đánh cắp được những thông tin trên là có thể sử dụng thẻ của bạn để mua hàng trên mạng.
Nay với dịch vụ 3D Secure, người dùng cần phải nhập thêm một lần nữa mật khẩu sử dụng một lần (OTP) để hoàn tất việc thanh toán. Điều này đem lại sự an toàn tuyệt đối cho chủ thẻ, vì ngay cả khi bạn để lộ thông tin trên thẻ, kẻ gian vẫn không thể sử dụng chúng để thanh toán trực tuyến.
Ngoài ra, vị đại diện này cũng khuyên, chuyển qua sử dụng thẻ với công nghệ EMV chip, đăng ký dịch vụ thông báo tin nhắn qua điện thoại với ngân hàng phát hành, kiểm tra sao kê ngân hàng hàng tháng, luôn nhớ thoát khỏi ứng dụng (email, tài khoản mạng xã hội…) là những cách mà các chủ thẻ cần chủ động thực hiện để đảm bảo thanh toán an toàn và tận hưởng những lợi ích mà thẻ mang lại.