Nguy cơ đón mùa tiêu... đắng!
Từ mấy năm nay, người trồng tiêu ở Bình Phước vẫn phải sống trong thấp thỏm lo âu khi tiêu chết, mất mùa, giá tụt tận đáy.
- 22-10-2019Thịt heo Braxin, Mỹ... ồ ạt về cạnh tranh với Việt Nam
- 21-10-2019Ùn ứ trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc, Bộ Công Thương đưa ra khuyến cáo
- 21-10-2019Giải pháp nóng tránh ùn ứ nông sản bán sang Trung Quốc
Vụ tiêu 2019 này, người trồng tiêu lại thêm một nỗi lo mới, khi cây tiêu bất ngờ “mắc” thêm căn bệnh mới là bông rụng hàng loạt, đậu ít trái. Nguy cơ thất thu vì năng suất giảm.
Gia đình ông Trần Văn Lương, ở ấp Tân Phong, xã Tân Thành, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước, có vườn tiêu 2.500 trụ, được đánh giá là một trong những vườn tiêu đẹp nhất xã.
Vườn tiêu ông Trần Văn Lương ở xã Tân Thành đã bị xóa xổ.
Thế nhưng vào cuối mùa mưa năm 2018, cả vườn tiêu của gia đình ông tự nhiên ngả vàng và hơn 1 tuần sau rụng hết lá, chết hàng loạt. Mặc dù gia đình ông đã thử mọi biện pháp nhằm cứu vườn tiêu nhưng vô vọng. Toàn bộ số tiền gia đình ông dành dụm nhiều năm trước đầu tư vào vườn tiêu mất trắng, thiệt hại vài tỷ đồng.
"Gia đình tôi trồng tiêu bao năm nay, kinh nghiệm có, nhưng trước tình trạng tiêu chết đồng loạt, tôi không biết nguyên nhân tại sao, nên đành bó tay, ngậm ngùi nhìn tiêu chết", ông Lương thở dài, nói.
Hiện tại toàn bộ vườn tiêu gần như bị xóa sổ. Để có tiền trang trải, gia đình ông cố gắng chăm bẵm vườn keo (trụ tiêu sống) để lấy thức ăn cho đàn dê.
"Tôi muốn bỏ cây tiêu, chuyển đổi sang sang cây trồng khác, nhưng bây giờ, ngay cả tiền nợ ngân hàng còn chưa biết trả bằng cách nào, vốn mà làm bây giờ", ông Lương than.
Tương tự, gia đình Nguyễn Thị Tuyết Ly ở thôn 3, xã Thiện Hưng cũng bị thiệt hại với gần 1 ngàn trụ tiêu đang cho thu hoạch.
Chị Ly cho biết, ban đầu phát hiện lác đác vài trụ tiêu chết, sau đó lan nhanh thành từng mảng lớn hơn chục trụ khiến gia đình không kịp trở tay.
Ngoài số trụ tiêu chết hẳn, những nọc tiêu kịp thời được cách ly tuy không bị lây bệnh nhưng cũng èo uột, thiếu sức sống. Hiện toàn bộ vườn tiêu của gia đình đã bị xóa sổ, thay vào đó là vườn cỏ nuôi bò.
Không chỉ đối mặt với tình trạng tiêu chết như ngả rạ, năm nay, cây tiêu Bình Phước năm nay còn bất ngờ "dính" thêm căn bệnh mới, nghiêm trọng không kém bệnh chết nhanh chết chậm. Đó là tình trạng tiêu rụng bông khi đang chuẩn bị đậu trái mà không rõ nguyên nhân. Viễn cảnh tiêu vừa mất giá, vừa mất mùa, đang hiển hiện trước mắt.
Gia đình ông Đặng Văn Lập, ở ấp Tân Hưng, xã Phước Thiện có 1.000 trụ tiêu, vụ mùa năm 2018 gia đình ông thu được 4 tấn. Năm 2019, gia đình ông đầu tư khoảng 50 triệu đồng phân thuốc các loại.
Vườn tiêu của gia đình ông Đặng Văn Lập bất ngờ rụng bông hàng loạt, nay chỉ còn toàn màu xanh của lá. |
Dù tiêu mất giá, nhưng gia đình ông mừng vì vườn tiêu phát triển rất tốt, hoa đẹp, dự kiến cũng kiếm được số tiền kha khá để tiếp tục tái đầu tư, gắn bó với cây tiêu. Chưa vui được bao lâu thì ông đã “điếng người” khi thấy hoa tiêu rụng đầy gốc, những trụ tiêu giờ chỉ toàn một màu xanh của lá.
“Vườn tiêu được gia đình tôi chăm sóc rất kỹ, áp dụng quy trình chăm sóc đúng chuẩn kỹ thuật. Vậy mà chằng hiểu lý do vì đâu, ngủ một giấc dậy thấy những trụ tiêu, hoa chưa kịp đậu trái đã rụng quá nửa. Mất trắng rồi mấy chú ơi”, ông Lập nói mà như mếu.
Cùng ở ấp Tân Hưng, xã Phước Thiện, ông Bùi Văn Ngợi, lão nông có thâm niên canh tác tiêu trên 20 năm, cũng đang phải đối mặt với tình trạng hoa tiêu rụng đầy gốc. Ông Ngợi phát hiện vườn tiêu 400 trụ của gia đình đang tươi tốt, bông đang đậu trái, bất ngờ rụng trắng gốc. Ông chạy đôn đáo tìm hiểu, nghiên cứu đủ cách chữa, nhưng vô phương.
“Làm hồ tiêu 2 chục năm nay, hình như đây là lần đầu tiên tôi thấy tình trạng tiêu rụng bông hàng loạt như vậy. Nguyên nhân có thể do biến đổi khí hậu, năm nay mưa đến muộn, thời tiết khô nóng, độ ẩm thấp, khiến cây tiêu không chịu nổi. Bây giờ phải có các nhà khoa học vào nghiên cứu và kết luận, lúc đó mới có giải pháp trị bệnh cho vườn tiêu được”, ông Ngợi nói.
Ông Bùi Văn Ngợi ở xã Phước Thiện có hơn 20 kinh nghiệm trồng tiêu cũng không thể cứu vãn vườn tiêu bị rụng trái. |
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Phước, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có hơn 574ha hồ tiêu bị bệnh chết.
Trong đó, có 132ha mất trắng, tập trung tại 2 huyện Bù Gia Mập (107ha) và huyện Bù Đốp (25ha). Phần lớn còn lại chết ở mức trung bình và nhẹ, tuy nhiên, thiệt hại cũng rất lớn. Năng suất tiêu cũng giảm nghiêm trọng, và vụ sau giảm nhiều hơn vụ trước.
Niên vụ 2017 - 2018 chỉ đạt 1,4 tấn/ha, và giảm hơn 40% so với niên vụ 2016 - 2017. Dự kiến niên vụ 2018 - 2019 năng suất tiếp tục giảm, chỉ đạt khoảng 1,2 tấn/ha.
Theo ông Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Đốp, có nhiều nguyên nhân khiến hồ tiêu chết. Trong đó nguyên nhân chính là do biến đổi khí hậu, thời tiết thất thường.
Bên cạnh đó, thời điểm giá tiêu tăng cao, người dân ồ ạt chuyển sang trồng hồ tiêu mà không nắm rõ đất đó có phù hợp trồng tiêu hay không. Rồi không kiểm tra, kiểm soát tốt giống cây khi mua, có một số loại giống không bảo đảm phát triển lâu dài, chỉ phát triển vào một thời điểm nhất định.
Trồng xong nhiều người chăm sóc chưa đúng kỹ thuật, không phù hợp với sự phát triển, sinh trưởng của cây tiêu, sử dụng một số loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật không phù hợp với phát triển của cây tiêu…
"Sở KH-CN tỉnh đã mời các nhà khoa học về khảo sát, nghiên cứu và tìm hiểu nguyên nhân tiêu chết, từ đó có giải pháp giúp người dân đối phó sâu bệnh trên cây tiêu. Tuy nhiên, vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác khiến tiêu chết nên chưa có giải pháp nào hữu hiệu.
Trước mắt, để hạn chế thiệt hại, người dân trồng tiêu phải tự cứu vườn tiêu của mình bằng kinh nghiệm, cùng với khuyến cáo của các cơ quan chức năng, không trồng mới, và không trồng lại trên đất tiêu đã chết, hoặc thay bằng một loại cây trồng khác".
Ông Hà Anh Dũng, Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Bình Phước
Nông nghiệp Việt Nam