MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nguy cơ lạm phát tăng cao trở lại

Lạm phát 6 tháng đầu năm 2019 thấp nhất trong 3 năm trở lại đây nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng, lạm phát vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng cao vào cuối năm. Giới chuyên gia khuyến cáo: Cơ quan chức năng cần điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt để tránh nguy cơ này.

Nhiều mặt hàng tăng giá vào cuối năm

Ngày 12/7, công bố báo cáo kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đã chỉ ra những yếu tố khiến lạm phát có thể tăng vào 6 tháng cuối năm. Theo CIEM, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm tăng 2,64%, thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Tuy nhiên, lạm phát tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng dần về cuối năm vì nhiều nhóm hàng hóa tăng giá như: lương thực, thực phẩm (do bệnh dịch), giáo dục và giá năng lượng.

Cùng quan điểm, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng, lạm phát trong 6 tháng đầu năm được kiểm soát ở mức thấp, nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng cao trong thời gian tới.

“Thời gian tới, lạm phát có thể chịu áp lực tăng từ các yếu tố như điều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước quản lý như dịch vụ y tế, học phí. Lương cơ sở tăng 7,19% từ 1/7/2019. Một số diễn biến bất lợi ảnh hưởng đến cung-cầu trong nước như dịch tả lợn châu Phi, thời tiết diễn biến bất thường. Sự bất định về giá xăng dầu thế giới tác động tới điều chỉnh giá xăng dầu trong nước cũng như diễn biến tỷ giá VNĐ/USD”, ông Thành khuyến cáo.

Theo CIEM, kinh tế vĩ mô trong 6 tháng cuối năm có thể chịu ảnh hưởng từ rủi ro suy thoái của kinh tế thế giới. Đối đầu thương mại giữa Nhật và Hàn Quốc tác động trực tiếp đến Việt Nam. Chiến tranh thương mại - công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc còn diễn biến phức tạp.

Dù kỳ vọng nhiều vào việc phê chuẩn EVFTA nhưng Việt Nam cũng cần lưu ý, hàng xuất khẩu có thể gặp phải nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại, điều tra chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ.

“Trước bối cảnh trên, Việt Nam cần ưu tiên ổn định kinh tế, tạo dựng thêm dư địa cho điều hành chính sách kinh tế vĩ mô. Từ đó, vận dụng các chính sách kinh tế linh hoạt để ứng phó với các diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực”, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM

kiến nghị.

Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt

CIEM đánh giá, lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2019 tăng 1,87% so với bình quân cùng kỳ năm trước và điều hành chính sách tiền tệ chưa gây áp lực lên mặt bằng giá. Tuy nhiên, việc lạm phát cơ bản bình quân trong 3 tháng đầu năm và 6 tháng đầu năm đều cao hơn các năm 2017-2018, Việt Nam phải tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thận trọng.

Theo ông Cung, thời gian tới, cơ quan chức năng cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, đồng bộ nhằm ổn định thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Bên cạnh đó, tỷ giá cần được điều hành phù hợp với diễn biến thị trường, cân đối vĩ mô và mục tiêu của chính sách tiền tệ.

“Cơ quan chức năng cần theo dõi sát diễn biến tỷ giá đồng USD, Nhân dân tệ, Euro và giá các mặt hàng quan trọng trên thị trường thế giới để điều hành tỷ giá một cách linh hoạt, chặt chẽ. Từ đó hạn chế tác động đối với lạm phát và môi trường kinh tế vĩ mô của Việt Nam”, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM kiến nghị.

Bên cạnh đó, lãnh đạo CIEM khuyến cáo cơ quan chức năng điều hành lãi suất phù hợp với tín hiệu thị trường và mục tiêu ưu tiên của chính sách tiền tệ. Cơ quan chức năng nghiên cứu khả năng tiếp tục giảm lãi suất cho vay cho các lĩnh vực ưu tiên; điều hành linh hoạt thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại để hỗ trợ cho hoạt động tín dụng, phát hành trái phiếu Chính phủ, phòng ngừa và ứng phó với biến động của dòng vốn đầu tư gián tiếp và kiều hối.  Kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho tiếp cận tín dụng của nền kinh tế. Nghiên cứu, cân nhắc thời điểm và liều lượng điều chỉnh giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý giá để tránh gây sức ép lạm phát.

CIEM cũng khuyến nghị cơ quan chức năng xác định rõ ràng hơn phạm vi của “tín dụng đen” để có biện pháp xử lý, tránh đánh đồng “tín dụng đen” và “tín dụng phi chính thức”. Sớm ban hành chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận tài chính, giảm tệ nạn tín dụng đen.

“Cơ quan chức năng cần theo dõi sát diễn biến tỷ giá đồng USD, Nhân dân tệ, Euro và giá các mặt hàng quan trọng trên thị trường thế giới để điều hành tỷ giá một cách linh hoạt, chặt chẽ. Từ đó hạn chế tác động đối với lạm phát và môi trường kinh tế vĩ mô của Việt Nam”. Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM


Theo Quỳnh Nga

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên