Nguy cơ mất trắng do tiêu chết hàng loạt
Hơn một tháng qua, người trồng tiêu thuộc ấp Trường An, xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom (Đồng Nai) "mất ăn, mất ngủ" do hàng chục héc ta tiêu bỗng chết hàng loạt và có nguy cơ mất trắng. Nguyên nhân được xác định là do mưa lớn kéo dài và do dịch bệnh.
- 08-11-2016Trồng hồ tiêu ghép khiến nhiều nông dân thất thu
- 11-01-2016Cảnh báo phá quy hoạch trồng tiêu
- 31-12-2015Nông dân Bà Rịa-Vũng Tàu đua nhau chặt cà phê để trồng hồ tiêu
Khảo sát của phóng viên tại ấp Trường An (xã Thanh Bình), tình trạng tiêu chết tập trung, hàng loạt tại các vườn tiêu xảy ra khá phổ biến, có những vườn phải cưa trắng toàn bộ gốc tiêu do không thể cứu được.
Theo anh Đặng Công Hải (ấp Trường An, xã Thanh Bình), thời điểm này tiêu bắt đầu hình thành nhân và khoảng 3 tháng nữa sẽ cho thu hoạch. Tuy nhiên, hơn một tháng trở lại đây, đặc biệt sau trận mưa lớn, vườn tiêu của gia đình anh bắt đầu chết rụi với tốc độ rất nhanh. “Sau trận mưa, cây tiêu bắt đầu xuất hiện hiện tượng vàng lá, rụi dần và rụng hết, nhổ gốc lên thì đã bị thối gốc từ bao giờ. Khoảng thời gian từ khi lá vàng cho đến khi rụi hẳn chỉ xảy ra trong vòng 1 tuần”, anh Hải kể lại.
Anh Đặng Công Hải thu nhặt những trái tiêu non rụng do nhiễm bệnh.
Anh Đặng Công Hải cho biết thêm, vườn tiêu của gia đình anh rộng khoảng 5.000 m2, với 500 gốc tiêu chuẩn bị cho thu hoạch. Nhưng hiện tại, gần 300 gốc tiêu đồng loạt chết rụi và tình trạng tiêu chết vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Năm nay gia đình anh bị thiệt hại gần 1 tấn tiêu, chưa tính công chăm sóc và chi phí phân bón.
Vườn tiêu gần 3 ha của gia đình bà Đặng Thị Mỹ Dung, với gần 3.000 gốc tiêu, nhưng hiện cũng bị chết hàng loạt. Gia đình bà đã phải cưa trắng 1,7 ha tiêu mà không biết nguyên nhân tiêu chết do đâu. “Sau khi có hiện tượng tiêu chết hàng loạt, gia đình đã tập trung phun thuốc diệt nấm, diệt khuẩn, rải vôi nhằm ngăn tình trạng lan truyền sang những cây tiêu chưa bị vàng lá, nhưng không hiệu quả, hiện tượng vàng lá rồi chết với tốc độ nhanh vẫn tiếp tục diễn ra”, bà Dung cho biết thêm.
Cũng theo bà Dung, hiện 1,7 ha, với gần 2.000 gốc tiêu mất trắng của gia đình bà phải chờ nắng khô, gom lại đốt, sau đấy tiến hành xử lý đất và phải mất một đến hai năm sau mới có thể khôi phục lại vườn tiêu.
Tương tự như vườn tiêu của hộ gia đình bà Dung, anh Hải, vườn tiêu của nhiều hộ gia đình khác tại ấp Tường An cũng đang xảy ra tình trạng cây tiêu chết do ngập úng và do nấm bệnh lây lan. Có nhiều hộ nguy cơ "trắng tay" do những vườn tiêu năm nay mới cho thu hoạch lần đầu, nhưng hàng trăm gốc tiêu đã đồng loạt chết rụi hoàn toàn.
Theo ông Nguyễn Tuấn Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Bình, những năm trước, tình trạng tiêu chết vẫn xảy ra, nhưng chỉ chết rải rác, số lượng ít, không gây thiệt hại nhiều. Tuy nhiên, năm nay tình trạng tiêu chết xảy ra ồ ạt, nằm ngoài tầm kiểm soát của người dân. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do năm nay lượng mưa lớn và kéo dài, gây ngập úng trên một số vườn tiêu dẫn đến tình trạng cây tiêu chết do bị thối gốc. Thêm vào đó, ngay sau mưa lại xảy ra tình trạng nắng to, là điều kiện cho các loại dịch bệnh phát triển mạnh. Đa số các vườn trong ấp tiêu đều chết do nhiễm virút sâu bệnh (bệnh chết nhanh chết chậm ở cây tiêu). Do điều kiện thời tiết diễn biến thất thường, đặc biệt nắng nóng sẽ kéo dài, nên đến nay tình trạng tiêu chết vẫn tiếp tục xảy ra và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Ông Nguyễn Tuấn Cường cho biết, trước thực trạng trên, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, nhắc nhở bà con thường xuyên thăm vườn, kiểm tra tình trạng cây tiêu để phát hiện bệnh kịp thời. Khi phát hiện cây tiêu mắc bệnh, bà con nên mạnh dạn cắt bỏ để cách ly và tiêu hủy, sau đó phun thuốc phòng trừ dịch bệnh nhằm ngăn chặn lây lan dịch bệnh sang những gốc tiêu khác trong vườn, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất.
UBND xã Thanh Bình cũng khuyến cáo bà con, trên địa bàn ấp Trường An có một số nơi trũng, thấp, khi mưa lớn nước sẽ dồn về và gây ngập úng. Vì vậy, bà con nên cân nhắc kĩ các loại cây trồng phù hợp để trồng trong những khu vực dễ bị ngập úng, đặc biệt là cây tiêu để tránh tình trạng tiêu chết hàng loạt do ngập úng như hiện nay.
Báo tin tức