Nguy cơ tắc nghẽn nông sản do ảnh hưởng của dịch Covid-19
Trước những diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19 đang rất căng thẳng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng nông sản sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới...
Dịch Covid-19 đã và lan rộng ra gần 20 địa phương. Một số địa phương đã thực hiện phong tỏa diện hẹp từng khu vực, cách ly xã hội diện rộng để chặn sự lây lan của dịch. Điển hình như Thái Bình đã thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh từ ngày 7/5; Vĩnh Phúc cách ly xã hội toàn thành phố Vĩnh Yên 15 ngày, từ 7/5; Bắc Ninh đề xuất giãn cách xã hội toàn tỉnh từ ngày 8/5…
NÔNG SẢN LẠI LÂM NGUY
Các địa phương nói trên đều chung một đặc điểm là có nhiều đường giao thông huyết mạch chạy qua, án ngữ những con đường vận tải hàng hóa quan trọng về Hà Nội, nối liền tỉnh với các trung tâm kinh tế, thương mại của miền Bắc. Đó là, Quốc lộ 1A nối Hà Nội – Bắc Ninh – Lạng Sơn, đường cao tốc nối sân bay quốc tế Nội Bài – Bắc Ninh – Hạ Long; Quốc Lộ 2 và cao tốc Nội Bài Lào Cai; Quốc lộ 10 nối Hải Phòng – Thái Bình – Nam Định – Ninh Bình…
Các địa phương có tuyến đường vận chuyển huyết mạch trong diện phong tỏa sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lưu thông hàng hóa như bài học Hải Dương, Hải Phòng ở đợt dịch trước.
Một bài học vừa mới đây vẫn còn nguyên giá trị, ấy là vấn đề giải cứu nông sản cho nông dân Hải Dương và Hà Nội vào tháng 2 và tháng 3/2021. Khi ấy, Hải Dương trở thành tâm dịch, Hải Phòng, địa phương giáp ranh đã dừng tiếp nhận hàng hoá từ tỉnh này trong khi đây vừa là thị trường tiêu thụ, vừa thuộc tuyến đường vận chuyển hàng hoá của tỉnh. Tắc nghẽn lưu thông khiến nông sản Hải Dương thời điểm đó ước tính thiệt hại 300-400 tỷ đồng.
Theo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, trong năm 2020, Covid-19 vẫn tác động mạnh đến ngành nông nghiệp, trong khi đó ngành vẫn vướng nút thắt về tín dụng khi không tiếp cận được các gói tín dụng lãi suất thấp, nhất là với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp cũng phản ánh về áp lực về chi phí sản xuất, thuế, phí do thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng, hoạt động kinh doanh đứt đoạn, lợi nhuận suy giảm trong thời kỳ dịch bệnh và thương mại gián đoạn.
Ngoài ra, hệ thống logistics kho lạnh chưa đáp ứng được nhu cầu bảo quản tươi và chế biến xuất khẩu. Nguồn cung về nguyên liệu đầu vào cho sản xuất bị thiếu hụt vì hạn chế vận chuyển; một số dự án đầu tư dây chuyền sản xuất bị đình trệ do phải chờ thiết bị ngoại nhập, tư vấn nước ngoài hỗ trợ kỹ thuật...
GIẢI PHÁP NÀO HỮU HIỆU?
Để tháo gỡ những khó khăn, phòng ngừa tình trạng tồn kho nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có đề xuất với các Bộ, các địa phương về một số giải pháp hỗ trợ nông dân trong tình hình mới.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các đơn vị chức năng tại địa phương phối hợp với các bộ ngành, hiệp hội ngành hàng theo dõi, nắm bắt thông tin diễn biến cung cầu thị trường nông sản, đặc biệt là các sản phẩm trồng trọt đang vào vụ thu hoạch.
Các địa phương cần triển khai tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản bằng các hình thức phù hợp (trực tuyến), đảm bảo các quy định phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan Thương vụ, Ngoại giao, Ban quản lý các cửa khẩu kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu nông sản trước diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19.
Bộ Công Thương cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện thương mại điện tử, tiêu thụ nông sản qua kênh online giữa bối cảnh dịch bệnh người tiêu dùng hạn chế tới các cửa hàng mua bán trực tiếp.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các tỉnh, thành phố tạo điều kiện cho sản phẩm nông nghiệp đảm bảo an toàn ở những địa bàn bị phong tỏa, được lưu thông, tiêu thụ bình thường. Đồng thời, kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các chuỗi siêu thị tăng cường thu mua hàng hóa nông sản cho bà con nông dân; tiếp tục tổ chức thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn các thành phố lớn và triển khai các phương án đảm bảo cung cầu hàng hóa ứng phó với dịch Covid-19.
Đối với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị triển khai mạnh mẽ chính sách hỗ trợ giảm chi phí sản xuất cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch như: miễn giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp nông nghiệp; trợ giá điện, nước đối với các nhà máy chế biến nông sản, kho lạnh trữ hàng và cho phép hoãn thời gian thanh toán tiền điện.
Kiến nghị Ngân hàng nhà nước Việt Nam nghiên cứu và xây dựng chính sách gia hạn nợ, không chuyển thành nợ xấu, phạt nợ quá hạn đối với các khoản vay đến hạn thanh toán, giảm chi phí giao dịch để tạo điều kiện doanh nghiệp tập trung vốn sản xuất. Nên kích hoạt các gói tín dụng trả chậm và tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã, bà con nông dân tiếp cận nguồn vốn này để duy trì hoạt động sản xuất, đảm bảo nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.
Các hiệp hội ngành hàng cần phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường hỗ trợ kết nối các đơn vị sản xuất với các doanh nghiệp thu mua, phân phối nông sản lớn trong và ngoài nước, đặc biệt là các đơn vị thu mua lớn và có hệ thống phân phối bán lẻ rộng để thúc đẩy tiêu thụ nông sản qua kênh siêu thị và hệ thống cửa hàng tiện lợi khắp cả nước.
Vneconomy