Nguy cơ tiền mất, tật mang vì tham gia “bùng nợ”
Dạy nhau "bùng nợ", quỵt nợ là chiêu trò không mới, nhưng lại đang có xu hướng "bùng nổ" trong thời gian gần đây.
- 17-09-2023Giao dịch không dùng tiền mặt tăng hơn 60%
- 03-09-2023Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử
- 30-08-20235 nước ĐNÁ ký thoả thuận thanh toán không tiền mặt, người Việt dễ dàng đi du lịch Sing, Thái,...
Nở rộ tình trạng rủ nhau "bùng nợ" vay
Nhiều cá nhân đã lợi dụng mạng xã hội để lập ra những hội nhóm, với mục đích chia sẻ cách vay tiền của các ứng dụng, các công ty tài chính tiêu dùng, hay thậm chí là của ngân hàng, sau đó trốn nợ, "bùng nợ". Các hội nhóm rủ nhau "bùng nợ" vay và tìm cách đối phó. Mỗi nhóm có vài chục nghìn, tới cả trăm nghìn người tham gia. Đây là một thực trạng đáng báo động.
21.000 thành viên, 32.000 thành viên, thậm chí là 105.000 thành viên…, trên mạng xã hội Facebook, các Hội bùng app vay tiền online, Hội bùng tiền các công ty tài chính mọc ra như nấm, với đông đảo các thành viên tham gia.
"Em vay bên 50 triệu chưa đóng tháng nào, nay không có khả năng trả, liệu có bùng được không ạ?", một tài khoản mạng xã hội đặt câu hỏi.
"Ít nhất phải trả 2 - 3 tháng rồi bùng bạn nha", một tài khoản khác bình luận.
"Bùng được hết, không bị kiện cáo gì đâu. Mình làm sale, nhiều khách vay 70 triệu trả đóng tháng nào vẫn không thấy kiện cáo gì", một tài khoản khác nhận định.
Người hỏi cách "bùng nợ", quỵt nợ cũng nhiều. Trong khi đó, cũng có nhiều người bày cách, mời chào sử dụng dịch vụ "bùng nợ".
"Muốn bùng mà không bị làm phiền, không bị gọi người thân, không bị đăng hình Facebook, em chỉ cho vài chiêu", một tài khoản mạng xã hội đưa ra lời chào mời.
"Hỗ trợ bùng app, với kinh nghiệm sau hơn 6 năm bùng app, tôi sẽ giải đáp các thắc mắc cho những ai đang nợ app", một tài khoản khác nói.
Các tài khoản mạng xã hội mời chào trong các group này thường là ảo. Chỉ cần nhấp chuột nhắn tin là được các đối tượng chăm sóc chu đáo, với lời hứa hẹn chỉ cần hết 100.000 đồng là đã có thể xóa thông tin các cuộc gọi điện trong điện thoại.
"Không cần trả đâu, người ta bùng nhiều lần rồi. 50, 60, 70 triệu đồng còn chẳng đến nhà, huống gì mấy triệu. Riêng app bùng trăm mấy triệu, còn chưa tính Home Cedit, FE bùng 50 - 60 chục triệu đồng nữa. Hết thầu luôn", người tư vấn "bùng nợ" nói.
Tuy nhiên, sau khi khoe khoang chiến tích bùng nợ của mình, đối tượng này lại khuyên người dùng trước khi "bùng nợ" hãy vay tiền tiếp các công ty tài chính, hay thậm chí cả ngân hàng, sau đó "bùng" một thể. Đối tượng hứa hẹn chỉ cần cung cấp căn cước công dân, ảnh chụp chân dung và số tải khoản ngân hàng, cùng 1,1 triệu đồng là dễ dàng mở một cuốn sổ tiết kiệm, sau đó dùng chính cuốn sổ này để tín chấp vay được từ 15 - 35 triệu đồng. Đối tượng sẽ can thiệp, chỉnh sửa các thông tin trên căn cước công dân, để ngân hàng không đòi được tiền.
Chi phí tùy tâm vài trăm nghìn, nhưng đối tượng lại nhiệt tình thúc giục liên tục người dùng gửi giấy tờ và thông tin cá nhân để vay tiền, thậm chí còn cam kết "có chuyện gì sẽ chịu trách nhiệm", trong khi đến ảnh đại diện Facebook cũng không có.
Gọi điện tới một số điện thoại khác quảng cáo tư vấn "bùng nợ", phóng viên lại được người này cảnh báo không nên gửi giấy tờ, thông tin cá nhân cho người trên mạng không quen biết để vay tiền.
"Chị gửi thông tin cho nó nhé, nó đi vay các app khác chị là người chịu đòn. Mấy thằng đấy là lừa, không có đâu. Nó giải ngân vào tài khoản của chị, tên chị đúng không. Nhưng khổ nỗi là tài khoản ngân hàng thì số điện thoại của nó. OTP của nó, nó chuyển đi đâu chả được. Lúc đấy chị mất tiền và mất quyền, mang nợ", người tư vấn "bùng nợ" nói.
Ngoài ra, không loại trừ việc các đối tượng dạy cách "bùng nợ" lại chính là các đối tượng muốn gia tăng doanh số cho vay tại các app không chính thống (tín dụng đen), người dùng tham gia vào đây cứ ngỡ mình là bày sói, nhưng cuối cùng lại là những con cừu.
Nguy cơ tiền mất, tật mang vì tham gia "bùng nợ" online
Không chỉ đối diện án phạt, nếu không tỉnh táo thì người dùng có thể sa chân vào "bẫy" mà các đối tượng có mục đích lừa đảo giăng ra, rơi vào tình cảnh "tiền mất, tật mang". Vì nợ không bùng được, trong khi phí đã trả cho các đối tượng và bản thân còn có nguy cơ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Theo luật sư, vay tiền online cũng là thỏa thuận dân sự. Trong trường hợp người vay cố tình không trả, lại còn dùng thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt số tiền vay, có thể bị xử lý về tội chiếm đoạt tài sản quy định tại Bộ luật Hình sự.
"Trường hợp mà họ xóa dấu vết, thay tên đổi chủ, có hành vi gian dối, trốn nợ, hay bất kể hành vi gian dối nào nhằm mục đích trốn nợ, không phải trả nợ thì sẽ vi phạm tội hình sự, như tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản", Luật sư Trương Thanh Đức, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho biết.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia công nghệ, việc người dùng cung cấp hình ảnh, thông tin cá nhân cho người lạ trên mạng xã hội tiềm ẩn nhiều rủi ro, các đối tượng có thể lợi dụng thông tin này để thực hiện giao dịch liên quan đến vay nợ, mua bán, mà người dùng không hề biết.
"Những đối tượng này có thể thu thập thông tin của chúng ta, sau đó xây dựng lên các kịch bản lừa đảo, thậm chí dựng lên tài khoản ảo để sử dụng các tài khoản này vào hoạt động phi pháp như lừa đảo chẳng hạn. Lúc đó, trên hệ thống các hệ thống thông tin mà các cái đối tượng này tham gia, tên tuổi và hình ảnh của chúng ta sẽ được lưu lại trên đó và vô tình chúng ta sẽ bị liên đới đến những vụ việc lừa đảo hoặc vi phạm pháp luật", ông Vũ Ngọc Sơn - Giám đốc Công nghệ Công ty Công nghệ an ninh mạng Việt Nam NCS, cho hay.
Nghĩ là bùng được nợ, nhưng nợ lại vẫn còn. Thông tin cá nhân có thể bị sử dụng vào các giao dịch xấu. Người dùng không nên tham gia vào các dịch vụ "bùng nợ", trốn nợ để rồi tiền mất, tật mang.
VTV