Nguy cơ “xóa sổ” đặc sản Lý Sơn
Cùng với tỏi, hành tím được xem là một trong những đặc sản ở Lý Sơn nhưng loại cây trồng này đang có nguy cơ bị “xóa sổ” khỏi vùng bản địa
- 20-05-2016Tỏi cô đơn Lý Sơn khan hiếm, giá tăng cao
- 20-03-2016“Hoa mắt” với tỏi đen Lý Sơn thật, giả
- 08-03-2016'Vương quốc' tỏi Lý Sơn 'mất tiếng cười'
Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) đang bước vào mùa thu hoạch hành nhưng so với những năm trước, sản lượng hành tím tại đây đang bị sụt giảm nghiêm trọng. Thay vào đó, phần lớn người dân chỉ trồng giống hành cao sản ở những nơi khác mang đến.
Ông Nguyễn Văn Xinh, một nông dân trồng hành ở Lý Sơn, cho biết hiện gia đình ông trồng gần 1 ha hành nhưng chủ yếu giống cao sản mua từ Khánh Hòa và các nơi về. So với giống hành bản địa truyền thống, giống hành cao sản có năng suất cao nhưng giá thấp hơn. “Nếu trồng khoảng 1 ha, giống hành cao sản đạt khoảng 13-14 tấn thì hành bản địa chỉ đạt khoảng 10 tấn nhưng giá hành Lý Sơn cao hơn nhiều. Tính ra, trồng hành bản địa có hiệu quả kinh tế cao hơn. Nhưng vì hành bản địa nhiều người không có giống nên phải chấp nhận trồng giống hành cao sản từ các địa phương du nhập về” - ông Xinh cho biết.
Theo nhiều người dân Lý Sơn, về chất lượng, giống hành bản địa Lý Sơn ăn ngon hơn, thơm hơn nhiều so với giống hành cao sản. Giá cả trên thị trường thường cao gấp đôi so các giống hành khác.
Ông Nguyễn Văn Định - Phó Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất, kinh doanh và chế biến hành tỏi Lý Sơn - cho biết trong những năm qua, sản lượng hành tím Lý Sơn đang bị sụt giảm nghiêm trọng. “Nếu trước kia, người dân thường trồng hành tím Lý Sơn nhiều hơn thì hiện nay đa phần người dân trồng giống hành cao sản. Giống hành tím Lý Sơn đang bị khan hiếm. Trong khi đó, các cơ quan chuyên môn chưa chú trọng đến việc bảo tồn, lưu giữ giống hành tím bản địa. Còn về phía nông dân chỉ bảo quản theo cách làm truyền thống nên giống hành tím Lý Sơn đang bị thoái hóa nghiêm trọng, thậm chí có nguy cơ bị xóa sổ trong khoảng vài ba năm tới. Theo tôi, ngành nông nghiệp cần có chính sách khuyến khích nông dân lưu giữ giống hành tím bản địa trước khi giống hành này biến mất” - ông Định nói.
Theo thống kê của UBND huyện đảo Lý Sơn, vụ hành tím năm nay toàn huyện có khoảng 130 ha diện tích trồng hành nhưng trong đó có 80% diện tích là hành cao sản mà nông dân mua từ các tỉnh khác. So với các năm trước, diện tích hành tím Lý Sơn liên tục sụt giảm. Nguy cơ mai một giống hành tím Lý Sơn là rất cao.
Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn, cho biết trong những năm qua, cùng với tỏi thì hành tím Lý Sơn là một trong những cây trồng truyền thống mang lại nguồn thu nhập khá lớn cho hàng ngàn nông dân của đảo. “Hành tím là loại cây trồng đặc trưng, chịu được khô hạn, phù hợp với đất Lý Sơn nhưng hiện nay sản lượng khá thấp… Chúng tôi đang đánh giá tổng thể lại diện tích, sản lượng hành tím Lý Sơn. Khi nào có kết quả sẽ xây dựng chính sách cụ thể phát triển loại hành tím này” - bà Hương cho biết.
Người lao động