MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nguy cơ xuất khẩu gạo sụt giảm do Philippines dự định chuyển sang mua gạo Ấn Độ giá rẻ

07-06-2021 - 19:30 PM | Thị trường

Nông dân đang phơi lúa ở thị trấn Pulilan, tỉnh Bulacan (phía bắc Manila, Philippines)

Nông dân đang phơi lúa ở thị trấn Pulilan, tỉnh Bulacan (phía bắc Manila, Philippines)

Bộ trưởng Tài chính Philippines cho biết nước này có thể tìm kiếm thêm gạo từ các nước cung cấp ngoài khu vực Đông Nam Á, với mục tiêu đa dạng hóa nguồn cung cấp và giữgiá nhập khẩu ở mức phải chăng.

Philippines là một trong những nước nhập khẩu gạo hàng đầu thế giới. Việc nước này tăng hoặc giảm nhập khẩu gạo thường có tác động lớn tới thị trường Đông Nam Á, nhất là Việt Nam – nhà cung cấp gạo truyền thống cho Philippines. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo trong năm nay, Philippines sẽ là nước nhập khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, sau Trung Quốc.

Ngày 7/6, Bộ trưởng Tài chính Carlos Dominguez đã đưa ra thông tin trên, và nói rằng Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới – có nguồn lúa gạo giá rẻ hơn, có thể cung cấp cho Philippines.

Nhà cung cấp chính truyền thống của Philippines là Việt Nam. Ngoài ra, Philippines cũng thường mua gạo của Thái Lan, và đôi khi nhập của Ấn Độ và các nước khác ngoài khu vực Đông Nam Á nhưng với khối lượng ít.

Nhằm đa dạng hóa nguồn cung cấp và kiềm chế lạm phát giá lương thực, ngày 17/5 Philippines đã hạ mức thuế "Tối huệ quốc" đối với gạo xuống còn một mức duy nhất là 35%, từ chỗ trước đây áp thuế 40% đối với gạo nhập khẩu trong hạn ngạch và 50% đối với nhập khẩu ngoài hạn ngạch, phù hợp với tỷ lệ thuế của ASEAN, nhằm đảm bảo an ninh lương thực và bảo vệ người tiêu dùng tại quốc gia nhập khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới này trong bối cảnh lạm phát gia tăng.

Lý giải việc giảm thuế, Chính phủ Philippines cho biết thêm là tình hình biến đổi khí hậu phức tạp là gián đoạn sản xuất lúa gạo trong nước.

Tuy nhiên, quyết định giảm thuế đã vấp phải sự phản đối của ngành sản xuất gạo trong nước, giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 đang hoành hành.

Ngay sau đó, phát ngôn viên của Tổng thống Philippines, ông Harry Roque, thông tin rằng mặc dù đã nỗ lực song sản lượng gạo Philippines vẫn thấp hơn khoảng 10% so với nhu cầu nên cần nhập khẩu gạo. Tuy nhiên, Philippines sẽ không nhập khẩu gạo trong giai đoạn thu hoạch lúa trong nước để tránh ảnh hưởng tới ngành lúa gạo nội địa. Ngoài ra, nước này cũng chưa lên kế hoạch về khối lượng cụ thể sẽ nhập khẩu.

Là nơi hình thành các cơn bão, mỗi năm có khoảng một nửa trong số các cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới hình thành ở Tây Thái Bình Dương đổ bộ vào đất liền các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Philippines, trong khoảng thời gian đến tháng 9,

USDA trong báo cáo mới nhất công bố tháng 5/2021 đã dự báo Philippines sẽ tăng khối lượng gạo nhập khẩu trong năm 2022 để đáp ứng nhu cầu tăng cao. Theo đó, nước này sẽ nhập khẩu tổng cộng 2,1 triệu tấn gạo (cao hơn mức 2 triệu tấn dự báo ban đầu).

USDA cũng hạ dự báo về sản lượng gạo (quy xay) của nước này năm 2021/22 xuống 12,3 triệu tấn, thấp hơn mức 12,4 triệu tấn trong dự báo tháng 4. Trong khi đó, tiêu thụ và dự trữ năm 2022 dự báo tăng lên 14,5 triệu tấn, từ mức 14,4 triệu tấn dự báo tháng 4.

Bộ trưởng Dominguez hôm qua cho biết: "Tôi nghĩ rằng sẽ có sự chuyển dịch trong việc nhập khẩu gạo từ Thái Lan, Việt Nam, và Myanmar sang mua gạo từ các nước khác có giá trị thấp hơn nhiều".

Sau khi giảm thuế quan thì giá nhập khẩu gạo trung bình – chủ yếu từ Việt Nam – giảm 12,7% xuống còn 19.312 peso (404,82 USD)/tấn trong tháng 5/2021, so với 22.119 peso trong cùng tháng năm ngoái, và so với 21.066 peso trong tháng 4/2021 và 22.119 peso của tháng 3/2021, theo số liệu của Hải quan Philippines.

Quốc gia này nhiều tháng nay đã phải chống chọi với tình trạng lạm phát gia tăng, một phần do giá gạo thế giới tăng và những bất ổn trong nguồn cung lúa gạo trong nước.

Hồi tháng 1/2021, Bộ Nông nghiệp Philippines dự kiến sẽ nhập khẩu tối thiểu 1,7 triệu tấn gạo trong năm nay để đáp ứng nhu cầu trong nước. Nước này mua 90% tổng lượng gạo nhập khẩu từ Việt Nam.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tuần qua giảm trong bối cảnh một số khách hàng chuyển hướng sang mua gạo của những xuất xứ khác có giá rẻ hơn như gạo Ấn Độ và Thái Lan. Đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại cũng ảnh hưởng tới xuất khẩu gạo.

Theo đó, gạo 5% tấm của Việt Nam tuần qua giảm xuống 485 – 490 USD/tấn, sau khi giữ vững ở 490 -495 USD/tấn trong suốt 4 tuần trước đó.

Nguy cơ xuất khẩu gạo sụt giảm do Philippines dự định chuyển sang mua gạo Ấn Độ giá rẻ - Ảnh 1.

Giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam

Doanh số bán lúa gạo trong ngước cũng chậm lại vì dịch Covid-19 bùng phát ở một số tỉnh trồng lúa thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2021 ước tính 11,3% so với một năm trước, xuống còn 1,48 triệu tấn, trong đó riêng tháng 5 có mức xuất khẩu là 750.000 tấn, trị giá 406 triệu USD.

Trong khi đó, giá gạo của Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, tuần này vững ở mức 383 – 388 USD/tấn (loại 5% tấm) tuần thứ 2 liên tiếp, thấp hơn khoảng 100 USD/tấn so với gạo Việt Nam.

Gạo 5% tấm của Thái Lan hiện ở mức 457- 468 USD/tấn, giảm so với 457- 485 USD/tấn cách đây một tuần. Nguồn cung gạo của Thái Lan nửa cuối năm 2021 dự báo sẽ tăng, trong khi nhu cầu từ khách hàng quốc tế hiện không nhiều.

Tuy nhiên, giá nhiên liệu cao và thiếu container dẫn tới cước phí vận chuyển gạo tăng lên.

Tham khảo: Refinitiv

Thu Ngân

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên