Nguyên chủ tịch, phó chủ tịch TP. Vũng Tàu cùng hầu tòa
Ngày 17/7, TAND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu mở phiên toà xét xử bốn lãnh đạo Công ty CP Địa ốc An Khang (TP. Vũng Tàu) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản số tiền hơn 400 tỉ đồng.
Cùng bị xét xử trong vụ án này nhưng với tội danh vi phạm các quy định về quản lý đất đai là nguyên chủ tịch, phó chủ tịch, trưởng hai phòng chuyên môn của TP. Vũng Tàu.
Bị đưa ra truy tố, xét xử có chín bị cáo. Tuy nhiên trước khi phiên toà diễn ra, bị cáo Vương Quốc Hải đã tử vong do bệnh lý.
Tại phiên toà hôm nay, ngoài 7 bị cáo (1 bị cáo nguyên phó chủ tịch TP. Vũng Tàu - Trương Văn Trí có đơn xin xét xử vắng mặt), tòa còn triệu tập 290 bị hại; 53 cá nhân tổ chức trong đó có UBND TP. Vũng Tàu tham gia phiên tòa với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan; 25 người làm chứng... Nhiều người bị hại có đơn xin xét xử vắng mặt.
Mở đầu phiên toà, HĐXX công bố quyết định đưa vụ án ra xét xử, quyết định đình chỉ vụ án đối với bị cáo Vương Quốc Hải; kiểm tra căn cước những người tham gia tố tụng; hỏi các bị cáo có đồng ý để TAND tỉnh công khai bản án trên cổng thông tin điện tử hay không.
Theo cáo trạng, công ty An Khang được bị cáo Ngô Thị Minh Phượng và Trần Quý Dương thành lập với mục đích cùng góp vốn để lập Dự án khu Trung tâm Thương mại và Nhà ở cao cấp tại phường 11, TP. Vũng Tàu (Dự án Metropolitan ). Diện tích đất hình thành là 43ha, tổng mức đầu tư dự kiến 13.000 tỉ đồng.
Dự án Metropolitan bỏ không sau nhiều năm do lãnh đạo công ty bị khởi tố
Quá trình điều tra, truy tố quy kết các bị cáo tuy chưa có quyền sử dụng đất hợp pháp đối với 43 ha đất và đủ điều kiện pháp lý để thực hiện dự án (như: Chưa được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, chưa được cấp GPXD, chưa được phép chia lô, huy động vốn bán nền…) nhưng ngày 15-1-2011 công ty An Khang đã làm lễ động thổ, khởi công, quảng cáo giới thiệu sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và một số địa phương khác nhằm để huy động vốn cho dự án.
Việc huy động vốn của các khách hàng dưới hình thức ký Hợp đồng góp vốn, thực chất là bán nền đất ở (ô liền kề và biệt thự). Trong thời gian từ tháng 12/2010- 12/2013 đã có ký 321 hợp đồng huy động góp vốn được ký với 287 khách hàng. Công ty An Khang thu và sau đó chiếm đoạt hơn 400 tỉ đồng.
Theo hợp đồng thì sau 24 tháng công ty An Khang phải bàn giao đất nền cho khách hàng. Nhưng đến tháng 9-2013, công ty vẫn không có nền đất để giao cho khách hàng như cam kết. Do vậy 267 khách hàng đã làm đơn tố cáo.
Quá trình thực hiện dự án , công ty An Khang phải tiến hành chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao các bị cáo Vũ Quốc Tuấn, nguyên Trưởng phòng và Nguyễn Trung Quốc, nguyên cán bộ Phòng TN&MT, UBND TP.Vũng Tàu không thẩm định kiểm tra theo quy định vẫn trình hồ sơ để ông Phan Hòa Bình, nguyên Chủ tịch và ông Trương Văn Trí, nguyên Phó chủ tịch UBND TP.Vũng Tàu ký quyết định cho chuyển đổi mục đích sử dụng 86.765,8m2 thành đất ở. Việc làm trên tạo điều kiện cho lãnh đạo công ty An Khang thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bị cáo Nguyễn Thanh Sơn, nguyên Trưởng phòng QLĐT TP.Vũng Tàu bị quy kết đã không kiểm tra quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 Khu dân cư Bắc sân bay và quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 trục đường 51B-51C được phê duyệt trước đó liên quan đến Dự án trên của công ty An Khang trong đó có phần diện tích đất công của Nhà nước và đất ở ổn định của các hộ dân, không tiến hành thẩm định hiện trạng đất thực tế mà vẫn ký báo cáo thẩm định để ông Phan Hòa Bình ký phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cho công ty An Khang trong đó có liên quan đến phần đất được chuyển đổi mục đích trái pháp luật như nêu trên.
Quá trình điều tra vụ án này, Cơ quan CSĐT- Bộ Công an đã tiến hành kê biên 43 thửa đất có tổng diện tích là 189,459 m2 của các lãnh đạo công ty An Khang để đảm bảo THA.
Dự kiến vụ án xét xử từ 17-26.7.2018.
Xin huỷ bỏ lệnh kê biên đất để tiếp tục triển khai dự án Tháng 7-2015, sau khi được tại ngoại, các lãnh đạo công ty An Khang đã có đơn gửi UBND tỉnh, Bộ Công an, Viện KSND Tối cao cùng các cơ quan chức năng xin phép được huỷ bỏ kê biên 43 thửa đất, tiếp tục hoàn thiện các thủ tục pháp lý còn dở dang trước khi bị khởi tố hình sự để triển khai dự án. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng dù có nhiều văn bản trao đổi qua lại, có hướng gợi mở và đưa ra điều kiện ràng buộc với công ty An Khang nhưng đến nay chưa có một văn bản chính thức nào đồng ý chủ trương này. Theo công ty An Khang việc kê biên đất (tương đương "chôn" số vốn tương đương khoảng 1.400 tỉ đồng) khiến công ty dù muốn tiếp tục triển khai dự án, khắc phục hậu quả, đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư nhưng không thể thực hiện. Công ty An Khang cam kết được sự hỗ trợ của một đơn vị khác muốn đầu tư vào dự án, công ty có thêm nguồn lực tài chính để thoả thuận với các bị hại- khách hàng ký hợp đồng góp vốn khắc phục hậu quả. Trong đó, nhiều khách hàng đã nhận lại tiền và thanh lý hợp đồng, tiếp tục chờ nhận nền đất viết đơn bãi nại... |
Pháp luật TPHCM