Nguyên Đại sứ Nhật Bản “tiết lộ” cách hiệu quả để doanh nghiệp Việt kết nối với đối tác Nhật
Việt Nam có rất nhiều tài nguyên du lịch, tuy nhiên cần chú trọng phát triển hơn nữa các dịch vụ mềm như khách sạn, nhà hàng. Đây là điều mà doanh nghiệp nghỉ dưỡng của Việt Nam có thể học hỏi từ doanh nghiệp Nhật Bản, Nguyên Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Norio Hattori nhấn mạnh.
Thưa ông, nhiều người cho rằng giữa ông và Việt Nam có một mối lương duyên đặc biệt, và mối duyên này chưa hề chấm dứt vào 9 năm trước, khi ông kết thúc nhiệm kỳ tại Việt Nam. Điều gì đã thúc đẩy ông quay trở lại Việt Nam sau nhiệm kỳ, không phải dưới cương vị một Đại sứ về chính trị, mà là cầu nối về kinh tế, thương mại giữa hai nước?
Tôi đã công tác ở Bộ Ngoại giao Nhật 43 năm, trong đó 5 năm làm Đại sứ ở Việt Nam. Trong tất cả các nước tôi đã từng nhận cương vị Đại sứ, Việt Nam là đất nước mà tôi yêu quý nhất. Tôi đánh giá cao mối quan hệ giữa hai nước và tôi muốn quay lại Việt Nam để xúc tiến mối quan hệ này trên tất cả các lĩnh vực.
Người Việt Nam và người Nhật có nhiều điểm tương đồng. Người Việt Nam dành cho Nhật Bản nhiều tình cảm và đối với Việt Nam, Nhật là một đối tác rất quan trọng.
Chính từ mối quan hệ hữu nghị tự nhiên đó, chúng tôi cũng muốn đóng góp nhiều hơn nữa cho Việt Nam với mong muốn quốc gia này sẽ phát triển hơn, mạnh mẽ hơn.
Và ngược lại, những đóng góp của Nhật Bản cho sự phát triển kinh tế Việt Nam không chỉ có lợi cho sự phồn vinh của cả hai quốc gia mà còn có lợi cho toàn thể các nước trong cộng đồng châu Á nói chung.
Với vai trò cố vấn cho nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn về Nhật Bản, theo ông, hiện các doanh nghiệp Nhật Bản đang đánh giá ra sao về môi trường đầu tư tại Việt Nam?
Kim ngạch thương mại giữa Nhật Bản và Việt Nam không ngừng tăng lên. Năm 2016, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Nhật Bản đạt 29,6 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2015.
Đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam đã tăng kỷ lục trong các năm gần đây, kể cả về mặt viện trợ không hoàn lại.
Theo số liệu của JETRO, trong năm 2016, có 549 dự án của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đạt trên 2,1 tỷ USD, đứng thứ hai cả về số vốn và số dự án đầu tư vào Việt Nam, chiếm trên 10% tổng số vốn đầu tư nước ngoài được cấp phép vào Việt Nam.
Trong đó, có 336 dự án đầu tư mới với số vốn được cấp phép 867 triệu USD và 213 dự án đầu tư mở rộng với số vốn được cấp phép đạt trên 1,25 tỷ USD.
Có thể thấy, môi trường đầu tư của Việt Nam đang được các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá rất cao.
Tuy nhiên, cũng còn một số vấn đề nên được cải thiện. Tôi mong rằng Chính phủ cũng như các ban, ngành chức năng tại Việt Nam sẽ gỡ bỏ các rào cản trong môi trường đầu tư, cũng như cải cách trong hành lang pháp lý, thể chế, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư quốc tế nói chung, doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng.
Trong lĩnh vực bất động sản, từ năm 2016, thị trường Việt Nam chứng kiến sự hiện diện ngày càng nhiều của các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản. Thay vì đầu tư phát triển dự án từ đầu, các doanh nghiệp Nhật chọn cách mua lại dự án hoặc liên doanh với doanh nghiệp đã có “đất sạch”, phát triển dự án bài bản. Tại sao lại có xu hướng này thưa ông?
Ở Việt Nam, lĩnh vực bất động sản đang rất nóng và thu hút sự đầu tư từ nhiều doanh nghiệp ngoại, trong đó có Nhật Bản.
Các doanh nghiệp Nhật Bản chọn phương án liên kết kinh doanh trong lĩnh vực này tại Việt Nam vì lí do đơn giản là khi một doanh nghiệp nước ngoài đến một đất nước mới để đầu tư, thì rủi ro rất lớn.
Việc liên kết với doanh nghiệp uy tín trong nước, đã thông hiểu thị trường có thể giúp doanh nghiệp ngoại thuận lợi hơn trong quá trình đầu tư, loại bỏ những sự mạo hiểm không cần thiết.
Ông đánh giá ra sao về tiềm năng phát triển bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam?
Việt Nam có rất nhiều tài nguyên du lịch, tuy nhiên cần chú trọng phát triển hơn nữa các dịch vụ mềm chất lượng dịch vụ khách sạn, nhà hàng. Đây là điều mà doanh nghiệp nghỉ dưỡng của Việt Nam có thể học hỏi từ doanh nghiệp Nhật Bản.
Ngoài ra theo tôi, để khai thác hiệu quả ngành công nghiệp không khói này, cần một sự phát triển tổng thể về cơ sở hạ tầng giao thông và dịch vụ liên quan, chứ không chỉ là phát triển cục bộ tại một dự án nào.
Ví dụ như quần thể nghỉ dưỡng FLC Sầm Sơn tại Thanh Hóa của Tập đoàn FLC mà tôi có dịp trải nghiệm, chúng tôi đánh giá là rất đẹp và có chất lượng dịch vụ tốt. Tuy nhiên để di chuyển từ thủ đô Hà Nội tới FLC Sầm Sơn thì phải mất gần 3 tiếng, mặc dù là nhanh hơn so với nhiều điểm khác ở Việt Nam, nhưng vẫn chưa tối ưu bằng một chiều tương tự ở Nhật Bản.
Trong thời gian tới, nếu hạ tầng giao thông đường bộ và cả đường không dẫn đến các điểm du lịch trọng điểm được cải thiện, Việt Nam sẽ thu hút được thêm nhiều lượt khách du lịch hơn.
Tháng 9 này, một doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng tại Việt Nam là Tập đoàn FLC sẽ tổ chức hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư tại Tokyo để tiếp cận nhà đầu tư Nhật Bản. Theo ông, đây có phải là mô hình kết nối đầu tư đáng được tham khảo và nhân rộng trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam để thu hút đầu tư?
Tổ chức hội thảo và giới thiệu doanh nghiệp như vậy là một hình thức vô cùng hiệu quả vì sẽ có nhiều nhà đầu tư tại Nhật Bản biết đến doanh nghiệp, hiểu về lĩnh vực doanh nghiệp này đang làm và nếu phù hợp sẽ hợp tác và cùng đầu tư hợp tác.
Tất nhiên các hội thảo tương tự như thế này chỉ là bước đệm đầu tiên, còn rất nhiều việc phải làm theo sau, như các chương trình xúc tiến đầu tư hoặc các chiến lược phát triển toàn diện khác…
Ngoài ra, với đặc thù của văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản, tôi có lời khuyên dành cho các công ty Việt Nam muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác là lãnh đạo doanh nghiệp cấp cao nhất cần chủ động tổ chức các buổi thăm và làm việc, gặp gỡ trực tiếp đối tác lớn tại Nhật Bản để bày tỏ thiện chí muốn được hợp tác.