MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nguyên ĐS Việt Nam tại Nhật chia sẻ về ý chí đưa nước Nhật hùng cường trở lại của ông Abe và quan hệ tốt đẹp với Việt Nam

Ông Abe có một ý chí mạnh mẽ muốn đưa đất nước Nhật Bản hùng cường trở lại, thể hiện tâm nguyện của người dân Nhật Bản.

Nguyên nhân khiến ông Abe là Thủ tướng có thời gian cầm quyền lâu nhất của Nhật Bản

Với 2887 ngày trên cương vị Thủ tướng, ông Abe Shinzo trở thành vị Thủ tướng tại vị lâu nhất trong lịch sử của Nhật Bản, vượt qua ông Taro Katsura tại vị Thủ tướng 2883 ngày trong thời gian từ 1901-1913 với 3 nhiệm kỳ làm Thủ tướng.

Khi ông Abe trở lại làm Thủ tướng nhiệm kỳ thứ 2, cuối năm 2012, tôi đang làm Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản. Tôi đã chứng kiến ý chí mạnh mẽ của Ngài Thủ tướng muốn đưa đất nước Nhật bản hùng cường trở lại, thể hiện tâm nguyện của người dân Nhật Bản. Ông đã hiểu rất rõ những mặt mạnh cũng như những vấn đề của nước Nhật, những mối quan tâm, khát vọng của người dân. Ông đã hướng ý chí, khát vọng đó thành những hành động cụ thể.

Nhật Bản đã từng là nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới, nhưng rồi bị chững lại. Thế giới đã thay đổi rất nhiều. Thủ tướng Abe đã nỗ lực phục hồi nền kinh tế Nhật Bản, đưa nền kinh tế từng bước khởi sắc, gắn kết nhiều hơn với thế giới, vai trò và vị thế của Nhật Bản trên quốc tế ngày càng được coi trọng hơn. Xử lý nhiều vấn đề tồn tại của xã hội Nhật bản, như vấn đề tạo điều kiện để phụ nữ được làm việc nhiều hơn, vấn đề già hóa dân số, vấn đề thiếu lao động…

Ông Abe cũng đã tập hợp quanh mình nhiều chuyên gia, nhiều cộng sự đồng chí hướng để thay đổi đất nước Nhật Bản. Abenomics là một chương trình đầy tham vọng. Ngay lúc đó, tôi cũng đã nghĩ nhiều khả năng ông sẽ có cơ hội lãnh đạo đất nước Nhật bản lâu dài. Với kinh nghiệm chính trị dày dạn, với ý chí mãnh liệt, ông đã lãnh đạo LDP giành thắng lợi lớn trong các cuộc bầu cử. Đó cũng là nhân tố quan trọng hàng đầu để LDP cầm quyền lâu và ông làm Thủ tướng.

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của ông, Nhật bản đã củng cố quan hệ với các đồng minh chủ chốt như Mỹ, EU, các nước bạn bè, từng bước cải thiện quan hệ với các nước láng giềng như Trung Quốc, Hàn Quốc…

Dưới sự lãnh đạo của ông, Nhật Bản đã giành được quyền đăng cai Thế vận hội Olympic 2020 - một sự kiện thể thao lớn rất có ý nghĩa với Nhật Bản, kể cả về kinh tế cũng như nâng cao hình ảnh đất nước. Rất tiếc, đại dịch Covid 19 đã đẩy lùi kế hoạch này cũng như làm chậm lại sự phục hồi kinh tế của Nhật Bản. Hy vọng thế giới vượt qua được đại dịch Covid 19 để Thế vận hội Olympic được triển khai theo đúng kế hoạch mới.

Dẫn dắt, hoàn thành CPTPP

Trước khi ông Abe trở lại làm Thủ tướng cuối năm 2012, Nhật Bản chưa tham gia đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Từ khi ông làm Thủ tướng, Nhật Bản đã chính thức tham gia và trở thành một thành viên trụ cột của Hiệp định TPP.

Sau khi Mỹ rút lui khỏi TPP, Nhật Bản vẫn kiên trì xu hướng tự do hóa thương mại, kiên trì các thỏa thuận trong TPP.

Nhật Bản là một trong các nước quan trọng hàng đầu phối hợp chặt cùng Việt Nam và các nước thành viên đàm phán TPP khác để thúc đẩy, tiến tới hoàn tất và ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Các bạn Nhật cũng đánh giá rất cao vai trò tiên phong của Việt Nam trong vấn đề này.

Nhật Bản cũng là nước sớm nêu ra ý tưởng hợp tác kết nối các nước trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Khi tôi đang công tác bên Nhật Bản, một vị Bộ trưởng trong Chính phủ Abe đã từng trao đổi với tôi rất sớm về ý tưởng hợp tác này trước khi được bàn luận rộng rãi như hiện nay.

Quan hệ Việt - Nhật tốt đẹp nhất từ trước đến nay

Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất từ trước đến nay. Hai nước đang tiếp tục xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng, được nâng cấp từ 2014, khi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản tháng 2/2014. Mối quan hệ này là thực chất, đặc trưng bởi sự tin cậy, hợp tác sâu rộng về mọi lĩnh vực, sâu hơn trước, rộng hơn trước.

Khi vừa nhậm chức, đầu năm 2013 Thủ tướng Abe đã chọn Việt Nam là nước ngoài đầu tiên để đến thăm.

Từ đó đến nay, ông Abe đã thăm Việt Nam một số lần nữa. Tất cả lãnh đạo cấp cao nhất hai nước đều đã thăm viếng lẫn nhau, đặc biệt các vị Thủ tướng Việt Nam đã thăm Nhật Bản nhiều lần và Thủ tướng hai nước gặp nhau thường xuyên. Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đều đã đến thăm Nhật Bản; Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản thăm Việt Nam.

Đặc biệt, Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản đã tiến hành thăm cấp Nhà nước lần đầu tiên tới Việt Nam năm 2017. Đây là sự kiện vô cùng quan trọng, đánh dấu đỉnh cao mới của quan hệ Việt - Nhật. Nhiều thế hệ đại sứ Việt Nam kiên trì vận động cho chuyến thăm này.

Còn nhớ, khi chúng tôi gặp Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản, trân trọng chuyển lời của Lãnh đạo cấp cao ta mời Nhà vua và Hoàng hậu thăm Việt Nam. Nhà vua thường không trả lời trực tiếp về việc có đi thăm hay không. Hoàng hậu thì bày tỏ rất trân trong và mong muốn tới thăm đất nước Việt Nam tươi đẹp. Bà còn thể hiện sự tiếc nuối lỡ cơ hội thăm Việt Nam khi Nhà vua còn đang là Thái tử. Hoàng hậu còn cho biết việc đi thăm Việt Nam hay không còn phụ thuộc vào ý kiến đề xuất của Chính phủ Nhật Bản.

Khi trao đổi về chủ đề này với các chính khách hàng đầu Nhật Bản, họ hỏi tại sao chúng ta lại tha thiết mời Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản sang thăm Việt nam? Chúng tôi trả lời: Chuyến thăm của Nhà vua và Hoàng hậu tới Việt Nam sẽ là biểu tượng, là đỉnh cao mới, mốc mới cho quan hệ hai nước (thông thường Nhà vua Nhật bản chỉ đến thăm những nước có chế độ Quân chủ). Các chính khách hàng đầu của Nhật Bản ghi nhận, đồng tình và nói: Vậy thì chúng ta cần kiên trì, cùng nhau vận động!.

Nguyên ĐS Việt Nam tại Nhật chia sẻ về ý chí đưa nước Nhật hùng cường trở lại của ông Abe và quan hệ tốt đẹp với Việt Nam - Ảnh 2.

Ảnh: Reuters

Hiện tại Nhật Bản đang là nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam và tương lai còn nhiều doanh nghiệp Nhật Bản sẽ đầu tư vào Việt Nam, nhất là với sự chuyển dịch của kinh tế thế giới do tác động của đại dịch Covid 19. Nhật Bản tích cực tham gia quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa Việt Nam do hai nước có thỏa thuận về vấn đề này. Việt Nam hầu như không có thỏa thuận tương tự với các nước khác.

Buôn bán hai chiều tăng mạnh, với nhiều sản phẩm Việt Nam, kể cả hoa, quả như xoài, vải thiều… phía Nhật đã nhập khẩu. Nhật tiếp tục duy trì ODA ở mức cao cho Việt Nam. Du lịch hai nước phát triển. Hợp tác về nguồn nhân lực ở qui mô lớn và lâu dài. Hợp tác giữa các địa phương hai nước phát triển mạnh.

Hợp tác văn hóa nở rộ, với các Lễ hội Việt Nam tại Nhật bản được tổ chức hang năm có hàng trăm nghìn lượt người tham dự và nhiều Lễ hội Nhật bản, Lễ hội hoa Anh đào được tổ chức tại Việt Nam. Giao lưu nhân dân rộng rãi như vậy kết nối tình hữu nghị lâu bền giữa hai nước.

Là những người trực tiếp tham gia vào thúc đẩy quan hệ hai nước, chúng tôi rất tự hào và vui mừng về sự phát triển này của quan hệ Việt - Nhật. Chúng tôi rất vui vì Ngài Thủ tướng Abe rất coi trọng, thận thiện và tình cảm với Việt Nam. Tôi cũng nhận thấy các chính khách Nhật Bản, dù thuộc đảng phái nào, người dân Nhật Bản nói chung đều dành tình cảm và coi trọng hợp tác với Việt Nam.

Với tư cách là đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản (2011-2015), có nhiều dịp tiếp xúc với Ngài Thủ tướng Abe, tôi rất cảm ơn Ngài về những đóng góp cho sự phát triển tuyệt vời của quan hệ hai nước thời gian qua.

Hiện đã có khá nhiều thông tin về các khả năng người thay thế ông Abe lên làm Thủ tướng Nhật Bản. Tôi tin rằng dù ai lên làm Thủ tướng Nhật Bản, mối quan hệ Việt - Nhật tốt đẹp sẽ được tiếp nối và phát triển mạnh mẽ, vì mối quan hệ này đã được thử thách, có sự tin cậy cao và lợi ích đan xen của hai nước rất lớn. Hai bên sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ, cùng có lợi, vì lợi ích nhân dân hai nước, vì sự phát triển của cả hai bên và vì hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Một số thông tin về quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản

Năm 2016, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam với kim ngạch thương mại song phương ước đạt 29,4 tỷ USD.

Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Nhật Bản đứng thứ 2 (sau Hàn Quốc) trong tổng số 116 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 42,4 tỷ USD. Tính đến tháng 1/2017, Nhật Bản có 3.320 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam và 324 dự án cấp mới, 209 dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,10 tỷ USD.

Trong lĩnh vực du lịch, năm 2016, lượng khách du lịch Nhật Bản đến Việt Nam đạt gần 700.000 lượt, tăng 10,3% so với năm 2014, đứng thứ 3 (sau Trung Quốc và Hàn Quốc).

Về hợp tác lao động, từ năm 1992 đến nay, Việt Nam đã cử nhiều tu nghiệp sinh sang Nhật Bản. Hiện có khoảng hơn 45.000 lao động, thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản trong các lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp.

Về giáo dục, số lưu học sinh Việt Nam tại Nhật Bản hiện nay là 38.882 người. Nhật Bản đang hợp tác để nâng cấp 4 trường đại học của Việt Nam đạt đại học chất lượng cao (Đại học Cần Thơ, Đại học Đà Nẵng, Đại học quốc gia Hà Nội, Đại học Nông nghiệp Hà Nội)...

Đại sứ Đoàn Xuân Hưng là Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, Đại sứ Việt nam tại Nhật Bản nhiệm kỳ 2011-2015.

(*) Tiêu đề do tòa soạn đặt

Theo Đại sứ Xuân Hưng

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên